Qua 6 năm thi hành, Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển một bước cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn. Một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật.
Dự thảo luật lần này cũng tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp trước về quy định một chương riêng liên quan đến xuất bản và phát hành ấn phẩm điện tử góp phần điều chỉnh các hoạt động phát sinh trong thực tiễn, có tính dự báo, tính khả thi cao hơn để điều chỉnh hoạt động này. Theo đó, nhà xuất bản điện tử là nhà xuất bản thực hiện việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên thiết bị số, môi trường mạng.
Dự thảo Luật quy định, đối tượng được thành lập nhà xuất bản điện tử là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị cấp trung ương và cấp tỉnh; tổ chức chính trị-xã hội cấp trung ương và các tổ chức khác do Chính phủ quy định.
Dự thảo luật cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cơ sở in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm (báo chí, tem chống giả, giấy tờ phục vụ quản lý nhà nước, bao bì, nhãn hàng, v.v...) nhằm mục đích ngăn chặn việc in lậu gây rối loạn thị trường hoặc in tài liệu tuyên truyền chống đối Nhà nước.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) và Nguyễn Thị Kim Thúy (Thành phố Đà Nẵng) cho rằng với các điều kiện như trên dễ gây ra sự “nở rộ” thành lập các nhà xuất bản khi các điều khoản quy định chưa chặt chẽ, đặc biệt là quy định chung chung về tiêu chuẩn của biên tập viên nhà xuất bản.
Các đại biểu cũng cho rằng không nên tách việc thành lập nhà xuất bản và cấp phép hoạt động xuất bản thành hai khâu khác nhau để tránh xảy ra tình trạng nhà xuất bản thành lập rồi, khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông mới xem có đủ điều kiện hay không để cấp giấy phép hoạt động.
Nhiều ý kiến đề nghị cần có ưu đãi cân bằng cho hoạt động xuất bản, in và phát hành sản phẩm xuất bản. Các đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng); Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn đối với biên tập viên tại các nhà xuất bản phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về xuất bản để đảm bảo chất lượng mỗi sản phẩm./.