Sáng 14.9, tiếp tục Phiên họp thứ Mười một, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Qua thảo luận, nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị cần làm rõ hai khái niệm lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm; từ đó quy định rõ và cụ thể quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm có tính pháp lý và hậu quả pháp lý khác nhau. Việc lấy phiếu tín nhiệm là khâu quan trọng nhằm giúp các ĐBQH, đại biểu HĐND thay mặt cử tri đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với người do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của những người này trước QH, HĐND nói riêng và cử tri nói chung. Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước đánh giá chính xác hơn năng lực trình độ của người giữ chức vụ quyền hạn, kịp thời đưa ra khỏi hàng ngũ những người không đủ đức, đủ tài, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm cần phải phù hợp với Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành. Đa số các Ủy viên UBTVQH thống nhất, cần công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm và việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm không thoát ly với vai trò, thẩm quyền của các cấp ủy đảng trong việc quy hoạch, quản lý cán bộ.
Do kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, nên một số Ủy viên UBTVQH đề nghị nên quy định tần suất tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và tính toán phạm vi những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm và mức độ đánh giá tín nhiệm cho phù hợp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên được tiến hành định kỳ hàng năm và bất thường. Theo đó, Đề án cần quy định rõ quy trình bỏ phiếu tín nhiệm theo định kỳ hàng năm và quy trình bỏ phiếu tín nhiệm trong các trường hợp bất thường. Đồng thời, cần quy định rõ các tiêu chí bỏ phiếu tín nhiệm để tránh bỏ phiếu hình thức, cảm tính. Một số ý kiến khác đề nghị nên tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo định kỳ 2 năm/lần.
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN & NĐ Đào Trọng Thi đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm với tất cả các đối tượng giữ chức vụ do QH và HĐND bầu hoặc phê chuẩn, theo tiêu chí đánh giá cán bộ, nhưng có thể phân cấp để thực hiện. Một số ý kiến khác cho rằng, nên lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả các vị trí, chức danh trong Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Nhiều ý kiến nhất trí với việc chỉ quy định hai mức đánh giá là tín nhiệm hay không tín nhiệm, nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục và cách thức thực hiện. Thực tiễn cho thấy, trước các cuộc bỏ phiếu hay bầu cử thường có tình trạng có nhiều thư nặc danh tố cáo, khiếu nại, tác động rất lớn tới tâm lý cán bộ và ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân nên Đề án cũng cần có biện pháp ngăn chặn, khắc phục tình trạng này.
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).
Theo Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trình bày, dự thảo Luật gồm 80 điều, 8 chương. Trong đó, bổ sung một số quy định để làm rõ khái niệm nhiệm vụ khoa học, công nghệ; phân cấp nhiệm vụ, căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt nhằm nâng cao vai trò và khẳng định rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ; quy định các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước được áp dụng chế độ khoán chi. Để khuyến khích khu vực ngoài Nhà nước đầu tư cho nhiệm vụ này, dự thảo Luật bổ sung quy định khẳng định doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Giao cho Chính phủ quy định tỷ lệ trích lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp để đầu tư phát triển hoạt động khoa học và công nghệ.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng tán thành với việc sửa đổi Luật hiện hành để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, nhất là đáp ứng đòi hỏi của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu dựa vào việc áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, dự thảo Luật còn nhiều điều, khoản quy định chung chung, nặng tính khẩu hiệu hoặc tuyên bố hoặc quy định không rõ. Điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định này để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Cần quy định cụ thể, hạn chế tối đa việc giao lại cho Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành các điều khoản của luật. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) sẽ chậm đi vào cuộc sống nếu vẫn còn tình trạng quá nhiều điều khoản cho giao Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện.
Về cơ chế tài chính và tín dụng cho hoạt động khoa học, công nghệ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động khoa học, công nghệ hiện nay là cơ chế tài chính. Vì vậy, dự thảo Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) cần xây dựng được một cơ chế tài chính mới, hiệu quả. Đồng tình với quan điểm này, song nhiều Ủy viên UBTVQH cũng lưu ý rằng, không nên đồng nhất đổi mới cơ chế tài chính với tăng kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Một số ý kiến cho rằng nên tiếp tục bảo đảm tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho khoa học và công nghệ tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm vì thực tế, báo cáo của Chính phủ hàng năm cũng xác nhận tình trạng ngân sách nhà nước dành cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ hàng năm chưa sử dụng được hết.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị, dự thảo Luật cần quy định tỷ lệ nguồn đầu tư ngoài ngân sách đạt trên 50% tổng mức đầu tư xã hội cho hoạt động khoa học, công nghệ. Đồng thời, cần quy định cụ thể nội dung này để buộc doanh nghiệp (tùy loại hình và quy mô doanh nghiệp) phải dành ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động khoa học, công nghệ hoặc hình thành quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp; quy định phù hợp hơn và tạo sự chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn kinh phí này; tránh đầu tư dàn trải, bảo đảm hiệu quả đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư ngân sách cho các hoạt động trọng điểm chưa huy động được nguồn lực của xã hội. Chưa đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, về nguyên tắc, Nhà nước chỉ có thể quy định tỷ lệ vốn đầu tư đối với các nhiệm vụ do mình thực hiện. Nhà nước chỉ có thể ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tăng cường đầu tư thực hiện những hoạt động khoa học, công nghệ. Cần chú ý đến tính chất khác biệt của xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ so với các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa… Bởi đây là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận, không phải khoản đầu tư phi lợi nhuận. Do đó, các chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ cần bám sát đặc trưng này để phát huy hiệu quả cao nhất.