Tờ trình về dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, thông qua đó giúp Nhà nước quản lý dân cư, tạo cơ sở để xây dựng, hoạch định và phát triển chính sách kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của đất nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để công nhận và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Các sự kiện hộ tịch cơ bản của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết đều phải được đăng ký, bao gồm khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính...
Thực hiện các Nghị định của Chính phủ, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở Việt Nam đã có những bước phát triển tương đối ổn định, đạt được những kết quả cụ thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, cùng với việc dịch chuyển dân cư trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng, thì công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch tuy nhiều, nhưng chủ yếu là Nghị định, Thông tư hướng dẫn, nên hiệu lực thi hành còn hạn chế.
Quy định về hộ tịch trong nhiều văn bản nên dẫn đến phức tạp, khó áp dụng đối với cả người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch. Do pháp luật quy định mỗi sự kiện hộ tịch (sinh, kết hôn, tử, nuôi con nuôi, giám hộ...) được đăng ký vào một sổ riêng (Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký kết hôn, Sổ đăng ký tử, Sổ đăng ký nuôi con nuôi...), và thực tế cho thấy các sự kiện hộ tịch của một người có thể được đăng ký ở nhiều địa phương, nhiều cấp khác nhau, thậm chí ở nước ngoài, nên dẫn đến tình trạng các dữ liệu hộ tịch của cá nhân bị phân tán, không xâu chuỗi, kết nối được với nhau, cơ quan đăng ký hộ tịch không quản lý được dữ liệu hộ tịch cá nhân, Nhà nước cũng không nắm được sự di/biến động về hộ tịch. Điều đó đã làm hạn chế khả năng kiểm tra thông tin về hộ tịch của cá nhân, việc tra cứu, khai thác thông tin hộ tịch để phục vụ yêu cầu của người dân và cơ quan, tổ chức trong nhiều trường hợp không đáp ứng được...
Những bất cập, hạn chế trên không những làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch mà còn làm giảm hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý nhà nước và xã hội.
Kết quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch thời gian qua cũng không đóng góp được nhiều vào việc hoạch định, xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.
Từ thực trạng đó, việc ban hành Luật Hộ tịch là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục những tồn tại, bất cập và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho công tác này theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Dự thảo Luật Hộ tịch quy định nguyên tắc, nội dung, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong đăng ký hộ tịch; sổ bộ hộ tịch, sổ hộ tịch cá nhân, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý hộ tịch. Dự thảo Luật Hộ tịch gồm 9 chương và 86 điều.
Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật Hộ tịch như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các ý kiến cho rằng làm tốt công tác hộ tịch là tiền đề quan trọng để các cơ quan nhà nước thực hiện công tác quản lý dân cư và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu vẫn còn băn khoăn với tính khả thi của dự án luật và đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc, làm rõ hơn một số nội dung quan trọng của dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh những quy định của dự án Luật hộ tịch cần đơn giản, tránh chồng chéo, thuận lợi, dễ áp dụng đối với người dân.
Vấn đề xây dựng số định danh công dân là một trong những điểm mới quan trọng của dự án Luật hộ tịch so với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội hiện nay không căn cứ vào số, mà thường căn cứ vào các yếu tố nhân thân (như tên họ, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch...) để phân biệt người này với người khác.
Việc căn cứ vào các yếu tố nêu trên không phải lúc nào cũng bảo đảm chính xác, đặc biệt nhiều khi rất khó xác định do công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc các cơ quan nhà nước cấp các loại giấy tờ có số liên quan đến công dân (như giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế...) cũng chỉ nhằm sử dụng cho một mục đích nhất định, chứ không phải là loại giấy/số để truy nguyên cá thể.
Mặt khác, việc cấp, quản lý, sử dụng các loại giấy có số này cũng không có sự thống nhất, không kết nối được với nhau, nên cũng không góp ích được nhiều trong công tác quản lý nhà nước và xã hội.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, nhất là trong điều kiện phát triển của kỹ thuật số hóa như hiện nay, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, dự án Luật Hộ tịch (Điều 10) quy định về việc cấp số định danh cho công dân Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh gây xáo trộn, thì chỉ nên cấp số định danh cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh theo quy định của Luật mới (khoản 3, Điều 24). Số định danh được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân và giấy tờ khác của cá nhân theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra dự án Luật tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc cấp số định danh công dân là cần thiết, giúp xác định, truy nguyên danh tính công dân được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm cho việc quản lý hộ tịch, quản lý xã hội được chặt chẽ phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của các cơ quan, các ngành, các cấp.
Có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của số định danh công dân thế nào, bao gồm những nội dung gì, có bảo đảm được quyền bí mật đời tư không... Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc cấp số định danh công dân cần làm rõ những vấn đề đó để tiến tới mỗi người dân chỉ có một mã số quản lý duy nhất, dùng chung cho các giấy tờ cá nhân do cơ quan nhà nước cấp.
Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định số định danh công dân chỉ được cấp cho công dân Việt Nam "sinh ra kể từ ngày Luật này có hiệu lực," nghĩa là đối với hơn 87 triệu người dân sinh ra trước đó thì không được cấp số định danh và vẫn được quản lý theo cơ chế cũ.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc nếu không cấp số định danh được cho tất cả công dân thì sẽ không phát huy tác dụng.
Theo đại biểu Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nếu không cấp được hết cho hơn 87 triệu người dân sinh ra trước khi Luật có hiệu lực thì cần phải cấp cho trẻ dưới 14 tuổi, làm sao để tạo ra số người sử dụng nhiều hơn thì mới phát huy tác dụng phục vụ công tác quản lý.
Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn nhiều quan điểm khác nhau về tiếp tục phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho Ủy ban nhân dân cấp xã; Về Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân; chức danh Hộ tịch viên...
Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Chính phủ trình dự án Luật với tinh thần cải cách, đổi mới mạnh mẽ để đơn giản, thuận tiện, công khai minh bạch theo tinh thần cải cách hành chính có lợi cho người dân. Tuy nhiên, qua phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn băn khoăn về một số nội dung; có những vấn đề phải tiếp tục làm rõ hơn. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện thêm dự án Luật./.