ĐIỂM MỚI ĐỐI VỚI CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI, ĐỀ ÁN KHOA HỌC CẤP BỘ

24/02/2021

So với Quy chế hiện hành, dự thảo Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn cá nhân là Chủ nhiệm đề tài, đề án khoa học cấp Bộ nhằm mục đích nâng cao chất lượng và năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài.

Thực hiện Phiên họp thứ 53, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887-NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Một trong những nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là những quy định mới đối với chủ nhiệm đề tài, đề án khoa học cấp Bộ.


Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển.

Theo dự thảo Quy chế, xét về tiêu chuẩn cá nhân là Chủ nhiệm đề tài, đề án khoa học cấp Bộ (Điều 7 dự thảo Quy chế): So với Quy chế hiện hành, dự thảo Quy chế quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn cá nhân là Chủ nhiệm đề tài, đề án khoa học cấp Bộ nhằm mục đích nâng cao chất lượng và năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài. Trong đó, quy định rõ người đăng ký làm Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học cấp Bộ phải “Có học vị tiến sĩ trở lên; hoặc có học vị cao nhất là thạc sĩ và có thời gian công tác tại các cơ quan Quốc hội từ 8 năm trở lên; hoặc có học vị cao nhất là cử nhân và có thời gian công tác ở cơ quan Quốc hội từ 10 năm trở lên” (điểm a khoản 2 Điều 7 Dự thảo). Đa số ý kiến tán thành với quy định trên nhưng cũng có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, theo đó tiêu chuẩn cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm là: “có trình độ đại học trở lên” (điểm a khoản 1 Điều 21 Quy chế Quản lý khoa học hiện hành).

Giải thích về điểm mới đối với tiêu chuẩn cá nhân làm chủ nhiệm đề tài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, cho rằng theo Luật Khoa học và Công nghệ, luật quy định luật chung điều kiện tối thiểu là phải có cử nhân nhưng rất nhiều các chuyên ngành thì cử nhân có thể làm được. Đối với ngành Khoa học xã hội, đặc biệt là với ngành Luật, trên thực tế nếu chỉ quy định cử nhân, mà không có những giới hạn thì sẽ dẫn đến có nhiều trường hợp là một em vừa được tuyển vào cơ quan đã làm chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp Bộ nên không đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, trên thực tế, hầu hết các cơ quan khoa học như Viện Nghiên cứu lập pháp đã tham khảo Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Các cơ quan này đều giới hạn nếu là cử nhân thì người đó phải kèm theo kinh nghiệm công tác bao nhiêu năm mới được làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ. Thường kinh nghiệm công tác từ 5-10 năm. Viện quy định đối với thạc sĩ là 8 năm, đối với cử nhân có thêm kinh nghiệm là 10 năm. Có như vậy mới có khả năng làm chủ nhiệm đề tài để góp ý cho các luận cứ khoa học đối với các dự án luật trình ra Quốc hội.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng.

Các cơ quan của Chính phủ đã thực hiện rất kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tiếng nói phản biện khoa học nên yêu cầu đối với nhà khoa học rất cao. Do vậy, từ thực tế của Viện thấy rằng, thời gian vừa qua có nhiều trường hợp cử nhân, nhất là những người mới vào công tác không đảm bảo làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ. Điều này là một kẽ hở,  làm cho chất lượng các đề tài không cao.

Đại diện cơ quan đã có ý kiến về nội dung trên của dự thảo Quy chế, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khẳng định: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với dự thảo là cần quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn đối với cá nhân là chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ để nâng cao chất lượng và năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên, cân nhắc điều kiện về thời gian công tác tại cơ quan Quốc hội là 8 năm đối với Thạc sỹ, 10 năm đối với Cử nhân, trong khi quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ không có yêu cầu này. Việc quy định cứng nhắc chỉ có cá nhân có học vị Tiến sĩ trở lên mới đủ tiêu chuẩn làm Chủ nhiệm đề tài, đề án khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở; chỉ người làm việc ở các cơ quan Quốc hội mới được chủ trì thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ là không nhất thiết. Quy định hạn chế giao Chủ nhiệm nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ đối với người nghỉ hưu là không phù hợp. Như vậy, không thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện, năng lực, trí tuệ tham gia nghiên cứu.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá: Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887-NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và công phu. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã gửi dự thảo này đến nhiều cơ quan  khác, trong đó có Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét. Về cơ bản, các cơ quan của Quốc hội nhất trí với dự thảo Quy chế.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong dự thảo có 2 vấn đề còn ý kiến xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thứ nhất, tiêu chuẩn cá nhân là chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ (Điều 7 dự thảo Quy chế). Theo tiêu chuẩn hiện nay thì Cử nhân có thể là chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên, theo quy định Thông tư và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thì quy định, tiêu chí này phải cao hơn. Ngoài ra, trong quy chế của Viện Khoa học Hàn lâm, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp cũng đưa ra quy định cao hơn. Vì vậy, Viện Nghiên cứu lập pháp có tham khảo từ những quy chế đó và thấy rằng từ thực tiễn ở Viện, một số người có bằng tốt nghiệp Cử nhân nhưng được giao chủ nhiệm đề tài chưa thực sự đạt chất lượng nên đã đưa ra tiêu chí chủ nhiệm đề tài phải có trình độ cao hơn. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng ủng hộ tiêu chí này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng yêu cầu Viện Nghiên cứu lập pháp cần phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật rà soát kỹ lại văn bản quy chế này để trình Chủ tịch Quốc hội ký, ban hành sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành./.

Bích Lan