MỘT SỐ MÂU THUẪN, BẤT CẬP TRONG CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

23/02/2021

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết kết quả rà soát các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy một số mâu thuẫn, bất cập.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đã rà soát 59 văn bản quy phạm pháp luật (liên quan đến chuyển đổi số quốc gia, các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số, khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư mạo hiểm, thương mại điện tử, tạo dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh số và xác thực điện tử, thanh toán điện tử, quản lý thuế), gồm 13 luật, 14 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 20 thông tư, thông tư liên tịch, 01 quyết định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, 02 điều ước quốc tế, 08 thỏa thuận quốc tế và 04 văn kiện hợp tác khác, 198 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua rà soát đã phát hiện một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn như sau:

Đối với các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, các quy định về an toàn, an ninh mạng trong Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dung dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Các quy định về an toàn, an ninh mạng tại Chương V (từ Điều 38 đến Điều 44) Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về cơ bản không còn phù hợp với Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Phương án xử lý là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10.

Về các quy định hóa đơn điện tử trong Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ: Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xây dựng trên cơ sở Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11. Ngày 13/6/2019, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020, trong đó khoản 2 Điều 151 quy định: “Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01/7/2022”. Tại các Điều 89, 90, 92, 94 Chương X quy định về áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử có giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Ngoài ra, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 không có quy định về chứng từ điện tử trong khi Điều 94 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã có quy định về nội dung này. Do đó, để đảm bảo hướng dẫn đúng nội dung và theo thẩm quyền Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần ban hành Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ thay thế Nghị định số 119/2018/NĐ-CP (trong đó có nội dung quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử), cụ thể: Quy định áp dụng đối với chứng từ theo các hình thức đặt in, tự in và điện tử gồm các nội dung quy định về các loại chứng từ, thời điểm lập chứng từ, nội dung chứng từ, định dạng chứng từ điện tử, đăng ký sử dụng chứng từ, thông báo phát hành chứng từ (biên lai) đặt in, tự in, lập và ủy nhiệm lập chứng từ, báo cáo tình hình sử dụng, xử lý biên lai.

Phương án xử lý là ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 119/2018/NĐ-CP. Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được trình Chính phủ tại Tờ trình số 86/TTr-BTC ngày 14/5/2020 của Bộ Tài chính.

Đối với việc thiếu các quy định về kinh tế chia sẻ và công nghệ tài chính (fintech), việc xuất hiện các nền tảng kỹ thuật số (platform) tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế chia sẻ trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau, trong đó có lĩnh vực vận tải, lưu trú du lịch, tài chính. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành hầu như chưa có quy định cụ thể về mô hình kinh doanh này (nhất là các quy định liên quan tới việc ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) như việc triển khai mô hình gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng...

Phương án xử lý là cần nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới (có thể trước mắt điều chỉnh dưới dạng các Nghị định có tính thí điểm) điều chỉnh hoạt động gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), vay ngang hàng vv…

Đối với việc pháp luật hiện hành về bảo vệ thông tin cá nhân còn những khoảng trống cần được nghiên cứu, hoàn thiện, qua rà soát cho thấy, phạm vi điều chỉnh của pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân chưa đủ toàn diện. Pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân mới tập trung điều chỉnh việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng; Các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay chưa dự liệu tới những tình huống thực tế trong thu thập, xử lý thông tin cá nhân như: việc thu thập và xử lý thông tin cá nhân là trẻ em cần lấy ý kiến đồng ý của những ai, việc chuyển thông tin cá nhân xuyên biên giới cần được kiểm soát như thế nào, việc vô danh hóa thông tin cá nhân để sử dụng phải chịu những ràng buộc pháp lý nào... Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với chủ thể có hành vi sai trái trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân.

Phương án xử lý là tiếp tục xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 trên cơ sở quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin; về lâu dài, cần nghiên cứu, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đối với việc pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay đã có các quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng các quy định trên chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện để làm cơ sở xử phạt đối với các hành vi vi phạm không thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Theo báo cáo của Bộ Công an, qua rà soát sơ bộ, Bộ Công an đã phát hiện hơn 60 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, bao gồm: các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, nhân viên môi giới bất động sản, nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước, người có khả năng truy cập vào hệ thống chính quyền điện tử về giáo dục, y tế, chứng khoán, bệnh viện...

Bộ trưởng cho biết, phương án xử lý vấn đề này là tiếp tục xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an ninh mạng; theo đó, các vấn đề liên quan tới dữ liệu cá nhân sẽ được bổ sung vào Nghị định này. Ngoài ra, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an ninh mạng, mức phạt tối đa về an ninh mạng./.

Hồ Hương