Những năm qua, QH ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình đối với NSNN bao gồm: quyết định dự toán NSNN chi tiết theo các lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ và viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách; quyết định các dự án, các công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn NSNN; giám sát việc thực hiện NSNN, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Nghị quyết của QH về NSNN, các dự án và công trình quan trọng quốc gia, các chương trình phát triển KT-XH, các dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác… Tuy nhiên, QH vẫn chưa thực sự nắm giữ quyền quyết định tài chính của đất nước, nhiều ĐBQH chưa thể hiện được vai trò của đại biểu cơ quan dân cử trong việc quyết định và giám sát ngân sách.
Trong hai ngày hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước nghe và thảo luận các vấn đề cụ thể xung quanh việc quyết định và giám sát ngân sách của đại biểu cơ quan dân cử như quy trình ngân sách ở Việt Nam và vai trò của ĐBQH; Quy trình phân tích chính sách tài chính ngân sách; Quy trình thẩm tra ngân sách nhà nước; Vai trò của cơ quan tham mưu của QH trong công tác thẩm tra và quyết định ngân sách nhà nước; Vai trò của đại biểu HĐND trong giám sát việc thực hiện ngân sách; Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán NSNN. Cũng tại hội thảo, các kinh nghiệm của cơ quan dân cử Hoa Kỳ trong việc quyết định và giám sát ngân sách như quy trình ngân sách quốc gia, vai trò của đại biểu dân cử, vai trò của cơ quan tham mưu QH Hoa Kỳ cũng như kinh nghiệm của Hoa Kỳ về việc giám sát thực hiện ngân sách cũng đã được các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ chia sẻ.
Thảo luận về nâng cao chất lượng quyết định và giám sát ngân sách của ĐBQH, đại biểu HĐND, Nguyên Phó chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Đặng Văn Thanh cho rằng, trước hết cần phải xác định, lựa chọn phạm vi, nội dung vấn đề cần quyết định giám sát với các vấn đề trọng tâm, điển hình, bức xúc, có tính quyết định và lan tỏa, cần chuẩn bị chu đáo về tư liệu, thông tin, ý kiến tư vấn, phản biện đa chiều. Thứ hai, quy trình, thủ tục thẩm tra giám sát cần được phân định rõ ràng, khoa học, minh bạch và được luật hóa. Thứ ba, đại biểu dân cử cần là người có năng lực, bản lĩnh, kỹ năng trong việc quyết định và giám sát tài chính ngân sách, trong đó đặc biệt lưu ý đến bản lĩnh của người đại biểu cũng như việc bảo đảm tính ngang quyền của đại biểu dân cử. Thứ tư là giá trị hiệu lực quyết định, Nghị quyết.
Về vai trò của cơ quan tham mưu giúp việc của QH trong công tác thẩm tra và quyết định ngân sách, các đại biểu dự hội thảo cho rằng, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giúp việc của QH và Chính phủ nhằm bảo đảm cho công tác dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương và quyết toán NSNN được chính xác, đầy đủ, khách quan và hợp lý. Ngoài ra, các quy trình thủ tục chuẩn bị nội dung các báo cáo, năng lực phân tích, thẩm tra và đánh giá các nội dung của NSNN cũng như các biện pháp tăng cường năng lực của các cơ quan tham mưu giúp việc cũng được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến.
Theo ban tổ chức, kết quả thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần nâng cao quá trình hoạt động của QH, các cơ quan giúp việc của QH cũng như năng lực, vai trò của đại biểu dân cử trong quyết định và giám sát ngân sách. Đồng thời, nội dung của hội thảo cũng là một kênh thông tin tham khảo đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước vào năm 2014 tới.