ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ THÚ Y, TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CƠ QUAN THÚ Y CÁC CẤP

25/11/2020

Sáng ngày 25/11, tại Tòa nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Đánh giá việc thực thi chính sách pháp luật về thú y, tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan thú y các cấp”. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cùng đại diện lãnh đạo Sở, ngành ở một số địa phương; các đại biểu Quốc hội, chuyên gia ngành Thú y.

Đánh giá việc thực thi chính sách pháp luật về thú y, tổ chức hoạt động của hệ thống thú y các cấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho rằng: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, năm 2020, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thú y”. Việc giám sát được thực hiện trên cơ sở: Một là, Luật Thú y được Quốc hội ban hành năm ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2016 có thời gian triển khai thực hiện gần 05 năm cũng cần được xem xét, đánh giá để xem xét, điều chỉnh.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà phát biểu tại Hội nghị.

Hai là, có một số yếu tố tác động lớn trong quá trình thực thi pháp luật về thú y. Đó là, năm 2018 và 2019, Việt Nam phải đương đầu phòng, chống, kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi. Nạn dịch này ảnh hưởng lên toàn bộ hoạt động thú y (từ phòng, chống dịch bệnh; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; nghiên cứu, chế tạo vắc xin phòng bệnh; khắc phục hậu quả dịch bệnh, xử lý môi trường, tái sản xuất, chăn nuôi...), qua đó đã cho thấy một số hạn chế trong thực thi pháp luật...

Việc thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ về kiểm dịch động vật; về kiểm soát an toàn thực phẩm; về truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật; về vùng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của nước nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19NQ/TW) có tác động, ảnh hưởng lớn đối với tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thú y.

Ba là, thực hiện Nghị quyết 100/2014/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội trong đó có nhiệm vụ kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở”. Triển khai nhiệm vụ này, đầu năm 2020, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thú y”, đề nghị 10 Bộ ngành, 26 UBND các tỉnh báo cáo và tổ chức Đoàn giám sát phố (gồm Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang).

Qua nghiên cứu các báo cáo của các Bộ, 26 địa phương và khảo sát tại ở địa phương cho thấy: Việc thực thi chính sách pháp luật về thú y đã có bước chân lên nhận thức và hành động. Hầu hết các địa được đều xây dựng Kế hoạch phá chống dịch bệnh trên địa bàn; tổ chức thực hiện tiêm phòng, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quy lý thuốc thú y; tuyên truyền phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Có thể thấy rõ qua sự gia tăng số lượng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB), kiểm soát theo chuỗi; số lượng cơ sở tham gia giám sát an toàn dịch bệnh; số lượng cơ sở giết mổ được kiểm soát tăng (đến nay đã có trên 2.400 cơ sở, 22 vùng cấp huyện, 100 vùng cấp xã an toàn dịch bệnh phục vụ cho sản xuất các sản phẩm chủ lực); bảo đảm sản xuất 5,8 triệu động vật, sản phẩm, trong đó trên 2 triệu tấn phục vụ xuất khẩu, đặc biệt có các thị trường trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU,... kim ngạch xuất khẩu thủy sản không ngừng tăng; một số dịch bệnh nguy hiểm trên động vật đã được thanh toán.

Các khó khăn, bất cập trong thực thi chính sách pháp luật về thú y chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện, không có kiến nghị về sửa Luật Thú y hiện hành. Các bất cập chính trong thực thi chính sách pháp luật về thú y tập trung vào 03 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, nguồn lực tài chính cho công tác quản lý nhà nước về thú y còn chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tiêm phòng, lấy mẫu, kiểm tra, giám sát dịch bệnh còn rất hạn chế (một số tỉnh tỷ lệ tiêm phòng cho động vật còn thấp, dưới 50%; đối với bệnh dại trên chó chỉ đạt dưới 10%); trang thiết bị, điều kiện làm việc còn hạn chế. Đặc biệt ở các cửa khẩu, ở các trung tâm xét nghiệm động vật cấp tỉnh đ ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Thứ hai, việc tổ chức hệ thống cơ quan thú y ở cơ sở còn thiếu hướng dẫn chỉ đạo cụ thể; có nhiều văn bản cùng ban hành nhưng nội dung khác nhau gây lúng túng cho chỉ đạo thực hiện ở địa phương, hệ thống tổ chức cơ quan thú y ở các cấp bị đứt gẫy ở cơ sở, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động quản lý nhà nước thú y. Theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y, hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y ở Trung ương là Cục thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại các tỉnh, thành phố được chia thành 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Trong các năm 2018, 2019 các tỉnh, thành phố cùng một lúc phải thực hiện Luật Thú y, Nghị định 35/2016/NĐ-CP; Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII; Chỉ thị 34/CT-TW của Ban Bí thư thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nội dung không đồng bộ với nhau nhưng không có cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19-NQ/TW về kiện toàn hệ thống cơ quan thú y ở các địa phương lại rất khác nhau.

Ở một số tỉnh sáp nhập Chi cục chăn nuôi thú y và một số chi cục thủy sản thành một chi cục để thu gọn đầu mối; một số nơi sáp nhập Chi cục Thú y và Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Trung tâm khuyến nông và Trung tâm thủy sản thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh; một số tỉnh khác lại giữ nguyên chi cục thú y không sáp nhập. Ở cấp huyện, đa số các huyện sáp nhập trạm chăn nuôi thú y và một số đơn vị khác thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Chức năng quản lý nhà nước của trạm được chuyển cho phòng nông nghiệp huyện. Một số địa phương thành lập các Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục chăn nuôi thú y, Chi cục thủy sản để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước thay trạm huyện. Ở cấp xã, trước năm 2018 có đội ngũ cán bộ thú y xã do cấp tỉnh thành lập nhưng đến nay các xã không có nhân viên thú y riêng và mà thực hiện kiểm nhiệm với nhiệm vụ khác.

Thứ ba, hoạt động quản lý nhà nước về thú y không được bảo đảm; một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về thú y không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; thiếu cán bộ có chuyên môn, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác chỉ đạo chống dịch kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nhiều hoạt động thuộc chức năng quản lý nhà nước như: kiểm dịch động vật, giám sát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, thanh tra, kiểm tra...do thu gọn đầu mối, tinh giản bộ máy; do hạn chế về con người, trình độ chuyên môn nên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định pháp luật (một số chi cục thú y giao nhiệm vụ kiểm dịch, kiểm soát giết mổ cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện). Một số tỉnh bố trí các Đội nghiệp vụ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thú y, còn việc này trước đây được giao cho các trạm thú y huyện. Công tác kiểm soát dịch bệnh đòi hỏi chuyên môn sâu nhưng lãnh đạo các cơ quan sau khi sáp nhập lại không có chuyên môn về thú y nên nhận thức, chỉ đạo phòng, chống dịch còn hạn chế. Nhiều cán bộ chuyên môn thú y khi sáp nhập chuyển ra ngoài ngành vì công việc không phù hợp, gây chảy máu chất xám.

Đề án sáp nhập chưa tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và dịch vụ kỹ thuật, không được quy định rõ cho các cơ quan, đơn vị chức năng. Thiếu hệ thống thông tin, thống kê báo cáo tình hình chăn nuôi, dịch bệnh tại cơ sở phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống dịch (trước đây có mạng lưới thú y cấp xã). Việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước về thú y còn bị buông lỏng.

Cần kiện toàn lại hệ thống thú y theo Luật Thú y thống nhất trong toàn quốc

Cũng tại Hội nghị, nhiều lãnh đạo các địa phương, đại biểu đã cho ý kiển về việc nâng cao hoạt động thú y. Đóng góp ý kiến vào tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan Thú y các cấp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng: Căn cứ Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với Chính phủ củng cố kiện toàn Hệ thống Thú y để tạo sự đồng bộ từ trung ương đến các địa phương. Giúp cho các địa phương thực hiện tốt việc quản lý Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả, có chế độ chính sách phù hợp (nhất là hệ thống thú y xã, phường, thị trấn) đáp ứng yêu cầu, tốc độ phát triển chăn nuôi, thủy sản, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới (theo xu thế hội nhấp, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật).


Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đóng góp ý kiến.

Hệ thống thú y cấp tỉnh, cấp huyện cần nâng cao năng lực về chẩn đoán, xét nghiệm nhanh. Cần đầu tư về trình độ năng lực trang thiết bị (hệ thống máy, trang thiết bị, chẩn đoán, xét nghiệm…). Dự tính, dự báo bệnh mới, diễn biến dịch bệnh, tổng hợp báo cáo. Hệ thống thú y cơ sở (Ban Chăn nuôi thú y xã, phường) cần nâng cao về trình độ chuyên môn chẩn đoán thực tế, khám chữa bệnh. Đảm bảo về chế độ chính sách (tiền công, lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế), để hệ thống yên tâm công tác. Đầu tư về trang thiết bị (máy phun, dụng cụ chẩn đoán, khám chữa bệnh…).

Đề xuất kiện toàn lại hệ thống thú y, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn kiện toàn lại hệ thống thú y theo Luật Thú y thống nhất trong toàn quốc. Vì Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định cụ thể việc sáp nhập 3 cơ quan: Trạm Chăn nuôi Thú y, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện quản lý nên nhiều tỉnh đã triển khai thực hiện, nếu tái lập Trạm Chăn nuôi và thú y cần sửa Nghị quyết 19 hoặc có hướng dẫn tái lập Trạm Chăn nuôi và thú y, Trạm Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật, Trạm Khuyến nông.

Nếu không tái lập Trạm Chăn nuôi và Thú y, đề nghị Bộ Nội vụ có thông tư hướng dẫn quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của  Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố. (Vì Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng quy định chuyển chức năng quản lý nhà nước của Trạm chăn nuôi và thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế nhưng chưa có thông tư hướng dẫn quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan này).Đồng thời quy định rõ số lượng cán bộ có chuyên môn chăn nuôi thú y tại Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để đảm bảo đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga còn đề xuất: Hiện trưởng thú y cấp xã của tỉnh chỉ được hưởng phụ cấp từ 0,5 - 1,0 hệ số lương cơ bản; thú y viên được trả thù lao theo ngày công lao động nhưng cũng rất thấp; ngoài ra họ không được hưởng bất kỳ chế độ nào khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Với mức phụ cấp như vậy là rất thấp so với mặt bằng kinh tế chung hiện nay nên không khuyến khích được họ tích cực tham hệ thống Mạng lưới thú y xã. Vì vậy đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách thống nhất chung trong toàn quốc đối với hệ thống thú y cấp xã. 


 Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga nêu quan điểm.

Đề cập về tình hình ngành Thú y của tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Đặng Trần Trung cho biết: Bắc Ninh mặc dù là tỉnh công nghiệp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chiếm khoảng 2,7%) trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; song, vai trò, vị thế nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Bắc Ninh luôn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh ưu tiên. Trong đó, các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi tiếp tục được duy trì theo thời gian và sửa đổi bổ sung kịp thời phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó đã tạo động lực, thúc đẩy toàn ngành chăn nuôi thú y của tỉnh phát triển ngày càng vững mạnh. Mặt khác, theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước nói chung và của tỉnh Bắc Ninh nói riêng có xu hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và thủy sản. Năm 2020, tỷ trọng trồng trọt ước đạt 41,6%, chăn nuôi - thủy sản ước đạt 51,6%, lâm nghiệp và dịch vụ ước đạt 6,8%.

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi đã khẳng định được vai trò quan trọng, không những góp phần bảo vệ, phát triển đàn vật nuôi, tăng thu nhập cho nông dân, xóa đói, giảm nghèo, mà còn bảo vệ sức khỏe con người thông qua việc phòng trừ dịch bệnh từ động vật lây sang người và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển chăn nuôi và hội nhập, tình hình dịch bệnh ở vật nuôi cũng có nhiều diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trên địa bàn tỉnh, đã xuất hiện nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm ở gia súc, gia cầm như: Bệnh Lở mồm long móng ở gia súc, Cúm gia cầm, Tai xanh ở lợn, Dại ở chó, mèo,… Đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn Châu phi xuất hiện từ đầu năm 2019 đã gây tổn thất rất lớn cho ngành chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người; gần đây là bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò…

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chính quyền địa phương, các ngành liên quan tổ chức các giải pháp bao vây, dập dịch kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Song song với việc chỉ đạo công tác chính trị, chuyên môn, tỉnh Bắc Ninh cũng chú trọng việc đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức hành chính Nhà nước, trong đó có Hệ thống quản lý chuyên ngành Thú y.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Đặng Trần Trung đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương cho kiện toàn, củng cố hệ thống quản lý chuyên ngành thú y các cấp từ tỉnh đến cơ sở theo Điều 6 Luật Thú y và theo chỉ đạo tại các văn bản: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi; Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Nghị Quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi; Chỉ thị số 12-CT-TTg ngày 09/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.


Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Đặng Trần Trung.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng – Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, nêu ý kiến: Qua giám sát, quản lý thú y tốt thì sẽ phòng chống dịch bệnh lây lan. Việc quản lý chuyên ngành cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Quốc hội, qua giám sát cho thấy, nhận thức của các địa phương còn chưa đầy đủ về chuyển trạm thú y về trung tâm dịch vụ nhưng trung tâm dịch vụ lại không có chức năng quản lý Nhà nước nên rất khó khăn cho công tác quản lý thú y và kiểm dịch bệnh. Một số nơi chuyển trạm về trung tâm dịch vụ nhưng biên chế nhân lực không có nhiều nên công tác thực hiện Thú y còn hạn chế. Cơ sở giết mổ gia cầm ở các địa phuowng nhiều nhưng hệ thống quản lý còn yếu. Nhiều cán bộ thú y là kiêm nhiệm, không phải chuyên ngành. Nhận thức về mặt pháp luật còn chưa đầy đủ. Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, các Bộ ngành cần phối hợp với các địa phương khắc phục những bất cập trên và cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bộ máy về quản lý, chăm sóc thú y.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Ngành Thú y đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển ngành Chăn nuôi nói riêng, lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung và sự phát triển kinh tế-xã hội.

Hệ thống Thú y Việt Nam đã có bề dầy hoạt động hơn 70 năm từ cấp Trung ương tới địa phương. Với hệ thống như vậy về cơ bản là tương tự như ở các quốc gia có ngành Chăn nuôi phát triển. Trong những năm qua, công tác thú y luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và Quốc hội đã ban hành Luật Thú y năm 2015. Mỗi khi đất nước có dịch bệnh thì cả hệ thống chính trị đều tham gia phòng chống dịch. Người dân đều được các cơ quan, chính quyền các cấp quan tâm.


Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, một số địa phương có những cách triển khai khác nhau, có sự lúng túng nhất định đối với hệ thống thú y của địa phương mình nên cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn. Luật Thú y qua 5 năm thực hiện cho thấy một số nội dung không còn mang tính thời sự. Trước công tác thú y, mạng lưới thú y có một số thay đổi và tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, những ý kiến đóng góp của các Bộ ngành, địa phương, đại biểu tham dự Hội nghị đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông tiếp thu trên tinh thần xây dựng để lập báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cấp có thẩm quyền xem xét./.

Bích Lan-Minh Thành