QUỐC HỘI VIỆT NAM NGÀY CÀNG KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ, THỰC HIỆN TỐT VAI TRÒ LẬP PHÁP VÀ GIÁM SÁT (BÀI 1)

24/11/2020

Trong 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội luôn không ngừng phấn đấu thực hiện tốt công tác lập pháp. Nội dung giám sát của Quốc hội tập trung vào nhiều vấn đề của xã hội, được đông đảo cử tri quan tâm. Dân chủ trong hoạt động của Quốc cũng ngày được phát huy tốt hơn.


Báo Cứu quốc số 400 phát hành ngày 09/11/1946 đăng bài về việc Quốc hội đã thông qua Bản Hiến pháp năm 1946 (Ảnh tư liệu)

Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam đã được tổ chức thắng lợi, đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trong những năm qua, Quốc hội luôn không ngừng phấn đấu thực hiện tốt việc phát hiện, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới mà còn thực hiện các chức năng cơ bản về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Những hoạt động của Quốc hội đã và đang thực sự bám sát, gắn thực tiễn với sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong đời sống của Nhân dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Những nội dung này được Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đề cập rõ hơn trong loạt bài với chủ đề: “Vị trí, vai trò của Quốc hội Việt Nam ngày càng được khẳng định qua thực tiễn”.

BÀI 1: QUỐC HỘI VIỆT NAM NGÀY CÀNG KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ, THỰC HIỆN TỐT VAI TRÒ LẬP PHÁP VÀ GIÁM SÁT 

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội luôn không ngừng phấn đấu thực hiện tốt việc phát hiện, đề xuất những cơ chế, chính sách mới mà còn thực hiện các chức năng cơ bản về công tác lập pháp, giám sát.

Quốc hội không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế để đưa đất nước phát triển

Là đại biểu Quốc hội gần 20 năm, liên tục từ khóa XI, XII, XIII, XIV, Nhà sử học Dương Trung Quốc – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khẳng định: Tư tưởng của Hiến pháp năm 1946 đã nhấn mạnh vào việc xây dựng một cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân.

Trong một thời gian ngắn, chưa đầy 1 năm, khi nước Việt Nam mới giành được độc lập, giữa lúc đất nước đang ngổn ngang nhiều thử thách đặt ra, cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức ngay vào năm 1946 và Quốc hội đã được thành lập. Trong năm này, Quốc hội đã xây dựng được Hiến pháp năm 1946 nhưng không bao lâu sau, chiến tranh chống phát xít Nhật và thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Việt Nam lại bùng nổ nên bản Hiến pháp năm 1946 đã được thông qua nhưng chưa ban hành. Do vậy, toàn bộ hoạt động của Quốc hội trong thời chiến phải đặt ưu tiên hàng đầu cho việc bảo vệ Tổ quốc và việc điều hành đất nước chủ yếu được thực hiện thông qua chính sách.


Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Cho đến năm 1953, Quốc hội đã thông qua được Luật Cải cách ruộng đất. Sau đó, đất nước ta bị chia cắt làm đôi nên cho đến năm 1976, nước ta mới có được một Quốc hội thống nhất và thực hiện các chức năng cơ bản trên các phương diện: lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Quá trình đó diễn ra trong thời kỳ đất nước đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và trên nhiều lĩnh vực khác.

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, cho đến công cuộc đổi mới đất nước, Quốc hội mới thực sự song hành cùng với việc hoàn thiện hệ thống luật pháp sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và tình hình trên thế giới.

Còn đại biểu Trần Văn Lâm - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho rằng sự ra đời, tồn tại và phát triển của Quốc hội đã thể hiện sự lớn mạnh của đất nước ta. Những nghị quyết của Quốc hội đã trở thành nhiệm vụ chính trị cho Chính phủ, các Bộ ngành thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước đều mang dấu ấn của Quốc hội.


Đại biểu Trần Văn Lâm - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Sự ra đời của Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã đánh dấu sự chuyển mình của đất nước từ một chế độ phong kiến thuộc địa sang một chế độ dân chủ Xã hội Chủ nghĩa. Ngoài ra, những Hiến pháp sau này của nước ta cũng đã khẳng định sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, sự ra đời của Hiến pháp năm 1992 đã gắn với việc đổi mới toàn diện về pháp luật. Từ đó đến nay, Quốc hội Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế để đưa đất nước phát triển trên nền tảng của thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Dân chủ trong hoạt động của Quốc cũng ngày được phát huy tốt hơn

Với tư cách là đại biểu Quốc hội của 4 khóa IX, X, XI, XII, trong đó có 2 khóa là đại biểu chuyên trách và 2 khóa là đại biểu kiêm nhiệm, phụ trách mảng Kinh tế, Khoa học công nghệ và môi trường, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định: Mỗi giai đoạn lịch sử, hoàn cảnh khác nhau, vai trò và kết quả hoạt động của mỗi khóa Quốc hội có ý nghĩa khác nhau. Nhìn tổng quát 75 năm qua, Quốc hội Việt Nam không ngừng hoàn thiện, đổi mới và phát triển, thực hiện tốt 3 chức năng: Lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc hội ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước và thể hiện vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Đảng ta lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị, toàn diện xã hội. Trong những năm qua, dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng. Do đó, dân chủ trong hoạt động của Quốc cũng ngày được phát huy tốt hơn nên đã đáp ứng được yêu cầu thực tế của sự phát triển đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Vấn đề dân chủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt đầu tiên trong Quốc hiệu khi thành lập Nhà nước Cách mạng vào ngày 02/9/1945. Quốc hội ngày càng thể hiện được tinh thần phát huy dân chủ trong nhân dân, trong hoạt động của tổ chức mình.


Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Trong những năm đổi mới đất nước, Quốc hội thực hiện 3 chức năng một cách đồng đều, nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng được hiện đại hóa với cơ sở vật chất ngày càng khang trang, sớm áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ thông tin trong các hoạt động của mình, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.

Đội ngũ tham mưu, phục vụ Quốc hội ngày càng làm việc chuyên nghiệp hơn. Các cơ quan của Quốc hội có những đổi mới trong hoạt động và có sự phối hợp nhịp nhàng hơn. Đội ngũ đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng làm việc chất lượng hơn. Hoạt động của Quốc hội ngày càng sát với thực tế cuộc sống, đòi hỏi và mong muốn của nhân dân nên được cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng, ủng hộ. Quy trình thực hiện chức năng lập pháp được thực hiện ngày càng tinh gọn hơn. Trong những khóa gần đây, Quốc hội đã áp dụng xem xét, thông qua một luật nhưng để sửa nhiều luật về những vấn đề có liên quan, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cuộc sống, tiết kiệm được thời gian và nhân lực.

Trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, từ thẩm tra đến thảo luận, quyết định tại Quốc hội được xem xét kỹ lưỡng, toàn diện, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn. Nhiều vấn đề đã đi đến cùng nên đại biểu và cử tri cũng thỏa mãn. Điều này dẫn đến các quyết định của Quốc hội được nâng cao. Trong hoạt động giám sát, Quốc hội đã có nhiều hình thức đa dạng, đổi mới. Giám sát theo chuyên đề được quan tâm hơn. Các cuộc họp giải trình của các cơ quan hành pháp và tư pháp bao quát được nhiều lĩnh vực, đáp ứng được yêu cầu mang tính thời sự của đất nước. Với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thực tiễn 75 năm qua, Quốc hội góp phần quan trọng trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm ngày càng hoàn thiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo, nguyên Chánh Thanh tra Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hiện là Giảng viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá: Có thể thấy, sự kiện nổi bật là ngay khi mới ra đời trong bối cảnh đất nước vừa giành độc lập, ở thời khắc lịch sử chính quyền còn non trẻ, phải đối diện nhiều thử thách về thù trong, giặc ngoài, tình thế “như ngàn cân treo đầu sợ tóc” nhưng Quốc hội khóa I đã xây dựng, ban hành được Hiến pháp năm 1946 thể hiện ý chí của dân tộc, kỷ cương của đất nước. Đến cuối khóa I, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1959, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiền đề để Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung ban hành thêm 03 bản Hiến pháp năm 1980, 1992, 2013.


Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946 (Ảnh tư liệu).

Dù tuổi đời còn non trẻ nhưng trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã ban hành được 11 luật. Tại khóa II, III và IV (từ năm 1959 đến 1975 là thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước), Quốc hội ban hành 07 luật, tập trung vào hoàn thiện bộ máy nhà nước mà Quốc hội khóa I chưa ban hành luật để điều chỉnh như tổ chức Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng ban hành 56 nghị quyết tập trung cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, ngân sách nhà nước, nghị quyết về báo cáo của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 19 pháp lệnh. Năm 1976, bầu cử Quốc hội Khóa VI (từ năm 1976-1981). Quốc hội thống nhất hai miền Nam- Bắc, cơ hội phát triển mới mở ra xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 1980, ban hành được Luật Bầu cử Quốc hội. Giai đoạn từ sau Hiến pháp năm1980, 1992, 2013, Quốc hội thực sự chuyển động mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu đổi mới và quản lý đời sống xã hội bằng pháp luật với 502 luật, 631 nghị quyết, 211 pháp lệnh. Quốc hội Khóa IX thực sự là Quốc hội đột phá đi đầu tạo dựng nền tảng đưa hoạt động lập pháp sang một trang sử mới.

Đến Quốc hội khóa X, XI, XII, XIII, XIV, hoạt động lập pháp tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội và dần chuyên nghiệp hơn. Trong vòng 30 năm, Quốc hội đã ban hành được 460 đạo luật, 516 nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành được 148 pháp lệnh bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội như: tổ chức bộ máy, quyền con người, quyền công dân, kinh tế, doanh nghiệp, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, tư pháp… Đặc biệt, Quốc hội Khóa XIII đã đạt kỷ lục về số lượng luật được ban hành với Hiến pháp 2013 và 108 đạo luật. Quốc hội Khóa XIV tiếp tục nâng cao chất lượng lập pháp, đi sâu sửa đổi và ban hành các đạo luật trên các lĩnh vực cụ thể điều chỉnh tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương, các đạo luật chuyên nghành thích ứng với giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu mới trong phát triển đất nước và quan hệ quốc tế đặt ra. Chỉ tính đến hết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã ban hành 65 luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh. Đây là một con số không hề nhỏ văn bản pháp luật được ban hành và tiếp tục thể hiện xu hướng ban hành luật quản lý đời sống xã hội thay pháp lệnh.

Nội dung giám sát của Quốc hội tập trung vào nhiều vấn đề của xã hội, được đông đảo cử tri quan tâm

Đề cập vai trò của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát,  PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo đánh giá: Quốc hội đã thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân thủ theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.


PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo, nguyên Chánh Thanh tra Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hiện là Giảng viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Chức năng giám sát của Quốc hội được thực hiện thông qua các hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội như Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân.

Hội đồng dân tộc thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Khoản 2, Điều 75, Hiến pháp 2013). Ủy ban của Quốc hội thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định.

Giám sát của Quốc hội thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước (Khoản 1, Điều 80, Hiến pháp 2013).

Theo PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo, hiện nay, hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện theo 4 hình thức. Thứ nhất, hoạt động giám sát thông qua việc xem xét, thẩm tra báo cáo công tác hằng năm, nửa năm và báo cáo chuyên đề báo cáo của đối tượng báo cáo. Thứ hai, hoạt động giám sát thông qua kiểm tra việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ ba, hoạt động giám sát thông qua việc trả lời chất vấn. Thứ tư, hoạt động giám sát thông qua các đoàn đi giám sát ở các địa phương.

Nội dung giám sát của Quốc hội tập trung vào nhiều vấn đề cấp thiết, bức xúc của xã hội, được đông đảo cử tri quan tâm. Quốc hội ngày càng tăng cường hoạt động giám sát tối cao. Ví dụ như tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 05/6/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã mở đầu với một phiên chất vấn vô cùng sôi động. Trong nửa buổi sáng, số đại biểu tranh luận với câu trả lời của Bộ trưởng còn áp đảo số đại biểu đặt câu hỏi và đây là điều chưa từng xảy ra trong các phiên chất vấn trước. Đại biểu Hoàng Quang Hàm – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, đã “đốt nóng” phiên chất vấn ngay từ lần tranh luận đầu tiên, khi Bộ trưởng phát biểu “phương án xử lý các trạm BOT dựa trên lợi ích của người dân”, nhưng đại biểu đã có những lý lẽ khác. Theo đó, bất cập nằm ở 17 dự án đặt sai vị trí. Có 3 dự án người dân không đi vẫn phải trả tiền.


BOT T2 Lộ Tẻ (Thành phố Cần Thơ) bị nhiều tài xế phản ứng vì đặt sai vị trí.

Đối với trạm BOT T2 Lộ Tẻ (Thành phố Cần Thơ) là dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 và Quốc lộ 91B đoạn Km0+000 đến Km15+793 có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án có hai trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91. Trong đó, trạm T1 (quận Ô Môn, Cần Thơ) bắt đầu thu phí từ 0 giờ ngày 2/4/2016 và trạm T2 (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) bắt đầu thu phí từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, Trạm T2 đi vào hoạt động đã bộc lộ những bất cập và bị các tài xế phản ứng vì họ cho rằng trạm đặt cách ngã ba Lộ Tẻ chừng 300m nhưng thu luôn phương tiện đi theo Quốc lộ 80 về phà Vàm Cống, Long Xuyên và ngược lại mặc dù các phương tiện này chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT. Sau khi cầu Vàm Cống khánh thành đưa vào sử dụng (ngày 19/5/2019), trạm BOT T2 gặp phải sự phản ứng càng gay gắt hơn, buộc nhà đầu tư phải dừng thu phí từ ngày 25/5/2019 đến nay.

Về vấn đề trên, trong phiên chất vấn, đại biểu  Nguyễn Thị Kim Bé – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, đặt câu hỏi là người dân lưu thông qua Trạm BOT T2 Lộ Tẻ (Thành phố Cần Thơ) chỉ đi vào con đường này vài trăm mét, nhưng mà phải trả tiền bằng cả một đoạn đường. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, về lâu dài những trạm BOT đặt không đúng như thế gây bức xúc cho người dân và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đưa ra phương hướng giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ngoài ra, cũng tại phiên chất vấn, có đại biểu còn yêu cầu Bộ trưởng  Bộ Giao thông Vận tải trả lời có hay không tình trạng rất nhiều dự án được các nhà thầu được chỉ định thầu đã bán lại cho các nhà đầu tư khác để hưởng lợi”. Những vấn đề về trạm BOT tiếp tục được chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội vào thang 6 và tháng 10/2019.


Đại biểu  Nguyễn Thị Kim Bé – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về Trạm BOT T2 Lộ Tẻ (Thành phố Cần Thơ).

PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo cũng cho biết: Tại phiên chất vấn chiều 5/6/2019, nhiều đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về việc có hay việc không kinh doanh “chùa BOT”, đặt hòm công đức tràn lan và vấn đề quản lý các cuộc thi sắc đẹp hiện nay. Có hay không quan chức góp vốn kinh doanh “chùa BOT” cũng như việc quản lý thu tiền công đức được công khai, minh bạch. Tổng thu-chi tiền công đức mỗi năm là bao nhiêu, việc sắp xếp hòm công đức trong chùa ra sao?

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về việc cử tri cho rằng, việc xử phạt hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan tại Chùa Ba Vàng 5 triệu đồng là quá nhẹ so với tính chất và hành vi vi phạm cũng như những tác động xấu đến xã hội. Mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay đối với các hành vi này đã đủ sức răn đe chưa và Bộ có giải pháp gì để chống tái diễn hiện tượng trên ở chùa Ba Vàng và các cơ sở tâm linh khác?

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 03/11/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về sách giáo khoa. Giải trình vấn đề giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn 2 lần so với sách giáo khoa cũ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, do bộ sách giáo khoa mới nhiều trang hơn, chất lượng in màu tốt hơn, lại thực hiện xã hội hóa nên không được Nhà nước trợ cấp chi phí in ấn nên giá sách cao hơn. Giá đó là sau khi các nhà xuất bản đã được yêu cầu giảm và được Bộ Tài chính chấp nhận sau khi nhà xuất bản giải trình. 


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về sách giáo khoa tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ những quan điểm trái chiều về những sai sót trong sách giáo khoa lớp 1, tập trung nhất là Tiếng Việt 1 của bộ “Cánh Diều” (sách do GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên và Nhà Xuất bản Đại học  Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành) với các nội dung: Sách còn nhiều thiếu sót, chưa chuẩn; một số bài có nội dung và hình ảnh sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch từ nước ngoài không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thiếu tính định hướng giáo dục. Sách có nhiều từ ngữ mang tính địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1. Một số thuật ngữ còn trừu tượng và một số tình huống còn gượng ép, khiến không khí nghị trường sáng ngày 04/11/2020 được đẩy lên rất “nóng”. Điển hình là ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, một số bộ sách sách giáo khoa lớp 1, có ngôn ngữ thiếu trong sáng, thiếu logic gây dư luận không tốt. Cả 5 bộ sách đều dính các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, ngữ liệu… cho thấy quy trình thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng.

Sau những tranh luận “nảy lửa” tại nghị trường về những nội dung chưa phù hợp của sách giáo khoa mới, ngày 6/11/2020, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phát hành Báo cáo giám sát, chỉ rõ nguyên nhân khiến dư luận phản ứng về sách giáo khoa. Báo cáo gồm kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giai đoạn 2015-2020 cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm tròn nhiệm vụ là chưa biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo yêu cầu, chưa có cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa...

Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa để bảo đảm chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong khi phương thức xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa chưa có tiền lệ ở Việt Nam; đồng thời bảo đảm chất lượng cũng như tránh độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa. Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa tổ chức, biên soạn được một bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời sách chữ nổi Braille và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số (các môn học tự chọn từ lớp 1 đến lớp 12 ) theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chậm được ban hành theo quy định.


Hai tập sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều.

Hiện đã có 46 sách giáo khoa thuộc 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và đưa vào sử dụng. Nhưng qua giám sát cho thấy, quy định của Bộ chưa cụ thể trong yêu cầu về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu sách giáo khoa trước khi nhà xuất bản trình Hội đồng quốc gia thẩm định. Bên cạnh đó, quy định về tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa chưa rõ thời lượng và quy mô thực nghiệm, chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi. Do vậy, đối với sách giáo khoa lớp 1 (năm học 2020-2021) có những nội dung chưa phù hợp gây khó khăn cho giáo viên, học sinh trong quá trình thực hiện; gây băn khoăn, phản ứng trong dư luận xã hội. Có nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, chủ yếu tập trung vào sách Tiếng Việt thuộc bộ “Cánh Diều”. Cụ thể là sách còn nhiều thiếu sót, chưa chuẩn; một số bài có nội dung và hình ảnh sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch từ nước ngoài không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thiếu tính định hướng giáo dục (phần tập đọc ở bài 88 và 89 sách Cánh Diều bài Hai con ngựa; Cua, cò và đàn cá…). Sách có nhiều từ ngữ mang tính địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1. Một số thuật ngữ còn trừu tượng; một số tình huống còn gượng ép (dùng quá nhiều từ địa phương như "chả", "má"…và cách đặt câu không theo đúng ngữ pháp). Ngoài ra, việc ban hành văn bản hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 còn chậm.

Vấn đề khác được nêu tại Báo cáo giám sát là giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn sách giáo khoa lớp 1 hiện hành khoảng 2, 3 lần. Một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng sách tham khảo tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư trong khi Nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa cho các nhóm đối tượng khó khăn. Ngoài những nội dung trên, có thể nói, các hoạt động giám sát của Quốc hội còn tập trung, làm rõ vào nhiều vấn đề khác được xã hội, đông đảo cử tri quan tâm.

Có thể nói, trong 75 năm qua, Quốc hội không chỉ liên tục phấn đấu thực hiện tốt trong công tác lập pháp, giám sát mà còn phát hiện, đề xuất những cơ chế, chính sách mới cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nội dung này sẽ được Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đề cập trong bài viết tiếp theo./.

Bích Lan