ĐẦU TƯ CÔNG GÓP PHẦN QUAN TRỌNG XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI

20/10/2020

Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư công đã góp phần quan trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc phân bổ vốn đầu tư từ khu vực nhà nước, đặc biệt là NSNN giai đoạn 2016-2020 được đặt trong cân đối tổng thể đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực để phục vụ mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; trong đó bố trí tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và các lĩnh vực xã hội khác. Qua đó, nhiều dự án đầu tư công thiết yếu được hoàn thành, đưa vào sử dụng hiệu quả, giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Cụ thể, kết quả đạt được của một số ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2016-2020:

Đối với lĩnh vực giao thông: Đã đưa một số công trình, dự án giao thông quan trọng vào sử dụng trong những năm đầu giai đoạn 2016- 2020 như: Các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải. Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Khởi công nhiều đoạn của cao tốc Bắc - Nam. Đã hoàn thành đầu tư xây dựng 880 km đường bộ cao tốc, mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, đáp ứng nhu cầu vận tải của nền kinh tế. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị với tốc độ đô thị hóa tăng từ 35,7% năm 2015 lên khoảng 39,3% năm 2020.

Đối với lĩnh vực công nghiệp: Đầu tư lưới điện nông thôn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, kết hợp xóa đói giảm nghèo, giảm nhanh sự chênh lệch giữa đời sống người dân khu vực nông thôn và thành thị nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo; đã thực hiện cấp điện cho 11/12 huyện đảo. Đối với các đảo có vị trí chiến lược trên biển thực hiện đầu tư cấp điện lưới quốc gia để đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Tính đến nay, 100% số xã và 99,52% các hộ dân, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước có điện.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Hoàn thành cơ bản một số công trình thủy lợi lớn; một số dự án cấp bách khắc phục tình trạng hạn hán ở Tây nguyên, Đông Nam Bộ và hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long như hoàn thành cơ bản đầu mối các hồ chứa: hồ Bản Lải, tỉnh Lạng Sơn; hồ Ngòi Giành, tỉnh Phú Thọ; Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, tỉnh Hà Tĩnh; hồ Đồng Mít tỉnh Bình Định; Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận; hồ Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận; hồ EaHleo tỉnh Đắc Lắc; hồ Đa Sị, tỉnh Lâm Đồng; hồ Ia Mơr, tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắc Lắc và các dự án kiểm soát xâm nhập mặn: Đập Sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị; Cống Tha La, cống Trà Sư tỉnh An Giang; Cống Âu Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu; Hệ thống thủy lợi Bắc nam Bến Tre và Cống Cái Lớn - Cái Bé, tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau. Các dự án sau khi hoàn thành phát huy hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước cho nhiều vùng.

Đối với lĩnh vực y tế: hoàn thành 5 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực góp phần giảm quá tải các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến cuối gồm: Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh và Viện chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện 175, Bộ Quốc phòng; 03 dự án còn lại là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cơ sở 2. Đồng thời, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trung ương tuyến cuối, tăng số giường bệnh đã góp phần giảm tình trạng quá tải các bệnh viện đa khoa trung ương tuyến cuối, đồng thời giảm chi phí khám và điều trị của bệnh nhân. Số giường bệnh trên 1 vạn dân ước đạt 28 giường vào năm 2020, vượt mục tiêu đề ra (26,5). Hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh được đầu tư, củng cố, nâng cao năng lực nhằm phát hiện sớm, can thiệp kịp thời có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, các bệnh không lây nhiễm, giảm tỷ lệ mắc, chết và tàn tật. Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật y tế tiến tiến, hiện đại được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao của người bệnh.

Đối với lĩnh vực xã hội: bảo đảm bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm điều dưỡng và chăm sóc người có công của ngành lao động thương binh và xã hội, góp phần tăng số giường điều dưỡng thêm 3.000 giường, tăng số lượng người có công được phục vụ điều dưỡng theo chế độ, chính sách từ 13% lên 20%; bố trí đủ vốn để hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, trong đó hỗ trợ cho 313.707 hộ gia đình (gồm 126.733 hộ xây mới và 186.974 hộ sửa chữa) giúp cho gia đình người có công cải thiện rõ rệt điều kiện nhà ở, chất lượng cuộc sống góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách, chế độ đãi ngộ đối với gia đình người có công với cách mạng. Các giải pháp, chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được triển khai mạnh mẽ, chuyển từ cách tiếp cận đơn chiều sang đa chiều, tập trung vào nhóm, hộ nghèo nhất. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 3,75% cuối năm 2019  và dự kiến giảm còn dưới 3% vào cuối năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm trên 1,4%/năm. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ: hoàn thành các dự án nâng cao năng lực của các tổ chức nghiên cứu khoa học, xây dựng các trường đại học chất lượng cao, tăng cường cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường: đã tập trung bố trí vốn cho hoạt động xử lý nước thải, chất thải rắn, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 90%, dân số nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 90,2%, tăng mạnh so với năm 2015 (82% và 85%). Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ước năm 2020 là 90%.

Đối với lĩnh vực tư pháp: đã đầu tư xây dựng, trụ sở Tòa án nhân dân các cấp đảm bảo chất lượng sử dụng lâu dài, khang trang, hiện đại, có vị trí phù hợp quy hoạch của địa phương, công năng sử dụng phù hợp với hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần cải cách tư pháp. Đã đầu tư hoàn thành 48 trụ sở Tòa án nhân dân cấp huyện, trong đó có 26/29 trụ sở Tòa án nhân dân cấp huyện trước đây phải đi thuê/mượn trụ sở để làm việc và xét xử, đến nay đã được đầu tư xây mới, hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đối với lĩnh vực an ninh: Việc thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đã góp phần tăng tiềm lực ngành an ninh, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ thực tế của lực lượng công an nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trước những diễn biến đa dạng, phức tạp của tình hình an ninh chính trị trong nước cũng như trên thế giới. Ngành an ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong việc bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn cho các sự kiện lớn của đất nước như đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam (APEC 2017, WEF ASEAN 2018...), các đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam...; tăng tỷ lệ điều tra, phá án, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận, các vụ án về tham nhũng, ma túy...

Trên cơ sở Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.

Hồ Hương