QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2016-2020, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

20/10/2020

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, chiều 20/10, Quốc hội nghe báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo một số nội dung

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và điều chỉnh theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp quyết liệt yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thuộc phạm vi quản lý.

Về kết quả đạt được, Bộ trưởng cho biết, đã hình thành khung khổ pháp luật tương đối đồng bộ, thống nhất quản lý đầu tư công; Thanh toán số nợ đọng xây dựng cơ bản đã được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư trung hạn; Hiệu quả đầu tư công đã từng bước cải thiện, đầu tư tập trung, số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm dần; Đầu tư công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; Định hướng phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng sâu, vùng xa, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu và thực hiện các nhiệm vụ, chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: cơ cấu lại đầu tư chưa gắn với cơ cấu lại tài chính ngân sách, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương chưa được phát huy. Chi đầu tư trung ương thấp hơn chi đầu tư địa phương ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; nhiều nhiệm vụ chi chưa cân đối được nguồn vốn để giải quyết dứt điểm trong giai đoạn 2016-2020. Thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Chất lượng quy định quản lý đầu tư công còn bất cập, đặc biệt ở khâu lựa chọn, đánh giá hiệu quả dự án. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công mặc dù đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. Tiến độ của một số dự án trọng điểm còn chậm. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên. Tình trạng lãng phí, thất thoát, chất lượng công trình thấp trong đầu tư và xây dựng chưa được xử lý triệt để.

Về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Đầu tư công, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định. Tuy nhiên, Chính phủ làm rõ 02 nội dung còn thiếu so với quy định tại Điều 49 Luật Đầu tư công là: Chưa triển khai phân bổ được tổng mức vốn ngân sách trung ương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, dự kiến mức phân bổ cho từng Bộ, cơ quan trung ương và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương. Chưa xây dựng được danh mục dự án mới và mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Toàn cảnh Phiên họp

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chủ yếu là do năm 2020 là năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 nên chưa xây dựng được số kiểm tra như quy định của Luật. Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng ta đã triển khai các giải pháp giãn, hoãn, giảm thuế suất hỗ trợ doanh nghiệp, tác động đến nguồn thu nên khó khăn trong việc dự báo, xác định khả năng cân đối chi ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2021-2025. Đến giữa tháng 9 năm 2020, Chính phủ mới xác định được dự kiến khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là 2.750 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổng hợp, rà soát nhu cầu, trên cơ sở đó tham mưu báo cáo Chính phủ dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để trình Quốc hội khóa XV.

Về dự kiến kết quả đạt được kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra rằng, dự kiến sẽ bố trí đủ vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia; vốn đối ứng các Chương trình, dự án ODA, bố trí vốn hoàn thành nhiều dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các vùng miền và cả nước, ưu tiên đầu tư để thực hiện các dự án lớn phục vụ nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới... Thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước kế hoạch từ năm 2016 trở về trước còn lại chưa thu hồi. Đồng thời, trong giai đoạn 2021-2025, đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển cả nước, các tuyến đường kết nối, các cảng hàng không, cảng biển… góp phần giảm thời gian lưu thông hành khách và hàng hóa, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển... Hạn chế tác động, góp phần chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước cho một số vùng, khu vực chịu ảnh hưởng, bảo đảm đời sống nhân dân và mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Trên cơ sở báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.

Hồ Hương- Bùi Hùng