QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

13/06/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Trong phiên thảo luận buổi chiều, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thay đổi tư duy, tầm nhìn và cách thức tiến hành chuyển đổi số một cách đồng bộ

Quan tâm đến  các giải pháp trọng tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Thị Thu Hồng -  Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết giải pháp về cơ cấu lại thực chất, phục hồi nhanh nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là rất quan trọng. Đại biểu cho rằng đây là giải pháp cấp bách song có chiến lược lâu dài.

Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường

Theo đại biểu Lê Thị Thu Hồng, để thực hiện thắng lợi kép vừa chống đại dịch, vừa chuyển đổi số, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian ngắn nhất, trước tiên phải vượt qua tư duy cũ và cách làm cũ. Đó là, yêu cầu phải đổi mới về tư duy lãnh đạo, nhận thức đầy đủ về xu thế, tính tất yếu, các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và cách thức phối hợp hành động. Đại biểu cũng chỉ rõ nếu như ở Trung ương, nhận thức quyết tâm, giải pháp khá rõ và đầy đủ về chuyển đổi số, năng lực triển khai và thực thi cũng ở mức cao nhưng ở các cấp còn lại sự nhận thức và năng lực tổ chức triển khai, chuyển đổi số giữa các địa phương vùng miền có sự chênh lệch khác nhau.

Do đó, đại biểu Lê Thị Thu Hồng đề nghị Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần có những giải pháp quyết liệt, cụ thể để đốc thúc triển khai nhiệm vụ này ở các địa phương nhằm thay đổi tư duy, tầm nhìn và cách thức tiến hành chuyển đổi số một cách đồng bộ. Đồng thời, xây dựng thể chế, tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp, người dân tham gia tích cực vào công tác này ở cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ phát triển cả số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ thúc đẩy số hóa toàn diện các lĩnh vực đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh, nhất là trên một số lĩnh vực đã xác định rõ xu hướng trong thời gian chống dịch vừa qua như thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử, học tập, hội nghị, đầu tư, văn hóa, thông tin và giáo dục trực tuyến.

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng cũng nhấn mạnh vai trò của quy hoạch là công cụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước, là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực, đồng thời là cơ sở để các cấp, các ngành lập kế hoạch xây dựng những chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng các tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư tạo nền tảng cơ sở để thực hiện tốt các chiến lược phát triển trong tương lai. Đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng; chỉ đạo các bộ, ban, ngành ban hành khung định hướng phát triển quốc gia để các địa phương có cơ sở tích hợp khi triển khai thực hiện lập quy hoạch tỉnh; sớm xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để phục vụ lập quy hoạch tỉnh theo hướng phương pháp tích hợp đa ngành. Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ phân vùng để tạo không gian phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới; hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động của vùng để quy hoạch các tỉnh không vi phạm phá vỡ quy hoạch vùng, liên kết chặt chẽ với các địa phương trong một chiến lược tối ưu; phải có cơ quan điều phối phát triển vùng, có bộ phận cơ quan chuyên môn điều phối hợp tác vùng giữa các địa phương với nhau.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cho biết cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp được coi là “xương sống” của nền kinh tế. Đại biểu cho biết những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng hầu hết đến các doanh nghiệp từ doanh thu, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động… Chính phủ đã ban hành những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động nhưng quá trình thực hiện các chính sách còn chậm đi vào cuộc sống. Do đó, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các chính sách, giải quyết bất cập, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, người lao động tiếp tục tiếp cận nhanh với các chính sách; đồng thời, cũng là biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt khó, ổn định phát triển.

Đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thể chế, cơ chế pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với chịu trách nhiệm, cắt giảm thủ tục hành chính ngay từ khi xây dựng ban hành văn bản pháp luật; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật và thực hiện hiệp định cam kết với quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, dự báo tình hình, cung cấp thông tin về khả năng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước để có sự chủ động về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. Hoàn thiện thể chế cơ sở pháp lý để đón nhận nhà đầu tư, phát triển kinh tế; đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và các cam kết với quốc tế.

Liên quan đến thông tin việc làm và thị trường lao động, đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao so với nhiều năm trước. Ở nước ta, thông tin về thị trường lao động được nhiều người quan tâm, nhất là sau dịch bệnh và chuẩn bị đón làn sóng kinh tế mới từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là các thông tin, định hướng về cung, cầu thị trường lao động, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cơ sở thông tin dữ liệu thị trường lao động của nước ta hiện đang rất hạn chế, không đủ khả năng cung cấp thông tin về thị trường. Số liệu về thị trường lao động chủ yếu thông qua cục thống kê hoặc khi cần mới được nắm bắt từ các cấp, các cơ quan doanh nghiệp liên quan.

Nhấn mạnh điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động, tới nền kinh tế và quá trình hoạch định, ban hành chính sách lao động, việc làm; ảnh hưởng đến phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội đã tồn tại nhiều năm, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ có liên quan sớm dự báo, phân tích định hướng về thị trường lao động, cung cấp các thông tin về thị trường lao động cho các cơ quan, tổ chức… qua đó, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế. 

Phân tích rõ hơn và có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo điều hành

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang ghi nhận sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong những tháng đầu năm. Đại biểu chỉ rõ, những tháng đầu năm 2020 là thời gian đất nước đối mặt với những thách thức, khó khăn như thiên tai, hạn mặn, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…, đặc biệt là đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Trong thời gian chống dịch, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngừng, hoặc hoạt động cầm chừng để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Với sự chung tay của toàn xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành mạnh mẽ, quyết liệt và đã khống chế được dịch trong khi Covid-19 đã phát tán toàn cầu. Hình ảnh nhiều lãnh đạo Nhà nước trực tiếp, chỉ đạo trong thời gian chống dịch đã để lại ấn tượng sâu sắc và có sức thuyết phục trong nhân dân. Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, để thúc đẩy kinh tế Việt Nam trở lại đà phát triển. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã làm cho nhân dân cả nước tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo, điều hành đất nước của Nhà nước ta.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng cho rằng Báo cáo của Chính phủ còn ít nội dung phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành bộ máy nhà nước, nhất là trong những tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cho biết, có hơn 3.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp này, chứng tỏ rằng những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân cần được xem xét, giải quyết.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã chỉ ra một số vấn đề chính tồn tại trong xã hội như: mô hình cho vay ngang hàng phát triển ngày càng nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro; tốc độ tăng năng suất của các nhân tố tổng hợp còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực; các giải pháp bảo vệ môi trường chưa hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Đặc biệt, việc triển khai Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng chưa đạt tiến độ đề ra làm ảnh hưởng đến quy hoạch của các địa phương; giải ngân đầu tư công còn chậm…

Từ thực trạng này đại biểu đề nghị, Chính phủ có phân tích rõ hơn và giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế này.

Kiến nghị nhiều nhiệm vụ giải pháp cần quan tâm trong thời gian tới

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản tán thành với nhóm giải pháp trong thời gian tới của Chính phủ đề xuất, đồng thời nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan tập trung vào một số nội dụng.

Liên quan đến nhóm giải pháp về phát triển bền vững hơn, thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ các địa phương thực hiện Quyết định số 1397 ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vì, cho đến thời điểm này, hệ thống thủy lợi, đê điều các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa hoàn chỉnh, tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất rất nghiêm trọng. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ khẩn trương thông qua tổng sơ đồ tác điện 8, trong đó bổ sung thêm các dự án điện gió, điện mặt trời trên cả nước. Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Công Thương trình tổng sơ đồ điện 8 để tỉnh tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực nghiên cứu thêm các dự án điện gió ngoài khơi bổ sung bù vào nguồn điện đã được quy hoạch nhưng không thể phát điện hòa lưới quốc gia.

Cho rằng do đại dịch COVID - 19 nên tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của bộ phận người dân đang gặp nhiều khó khăn nên việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội cho năm 2020 là thách thức rất lớn và rất khó đạt, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 cho phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống cho bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19. Đẩy nhanh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ theo kế hoạch để không làm ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020.

Trong khi đó, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ phát huy kịp thời các gói đầu tư để tăng chi kích thích nền kinh tế như gói đầu tư công 2020, nhất là các công trình trọng điểm và các gói vốn tín dụng.

Bên cạnh triển khai kịp thời, đúng đối tượng gói hỗ trợ doanh nghiệp, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà Quốc hội sẽ thông qua, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị các ngân hàng cân nhắc tiếp tục hạ lãi suất, nhất là các dự án trung và dài hạn là một trong những công cụ trọng tâm hỗ trợ mạnh mẽ cũng như gói hỗ trợ an sinh xã hội và phát huy hiệu quả quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó không chỉ kích thích chi đầu tư và tăng trưởng mà còn tạo tiền đề, tạo điều kiện để nâng cao nội lực cho nền kinh tế.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cũng lưu ý, đã đến lúc các doanh nghiệp thực hiện cấu trúc lại thị trường cả đầu vào và đầu ra và quan tâm đúng mức, phát huy nội lực của thị trường trong nước, tạo diện mạo mới, năng lực nội sinh để tiếp tục mở rộng thị trường có lợi thế.

Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp lý và có những giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực sớm hơn, nhanh hơn theo cách tiếp cận mới, hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng trong khu vực quản lý nhà nước cũng như khu vực doanh nghiệp, đồng thời tăng cường đổi mới, sáng tạo để góp phần tích cực tăng năng suất lao động cũng như tạo ra tác động cấp số nhân, tạo đà tăng trưởng.

Nhấn mạnh, ngành nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong đại dịch và đang phải chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, đặt nền nông nghiệp nước ta trước những thách thức mới, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng hướng tối ưu nông nghiệp hiện nay trọng tâm chú trọng vào thị trường trong nước và tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu một cách hiệu quả hơn; quan tâm liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để đáp ứng phát triển quy mô chế biến của các doanh nghiệp, đồng thời, liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nông dân; tận dụng cơ hội của Hiệp định thương mại Việt Nam – EU. Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung các chính sách đầu tư từ khâu giống, kỹ thuật theo hướng chất lượng, hoàn thiện nâng cấp hợp tác xã, xây dựng vững chắc các chuỗi liên kết, đồng thời quan tâm việc tháo gỡ vướng mắc đến vốn tín dụng nông nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các nông dân và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận

Kết thúc ngày thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sau một ngày thảo luận tại hội trường đã có 40 đại biểu phát biểu ý kiến, có 9 đại biểu tham gia tranh luận. Các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu khá sôi nổi, chất lượng, tranh luận rất thẳng thắn, mang tính xây dựng.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vào ngày 15/6 tới./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh