QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

13/06/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết,tại kỳ họp này Quốc hội dành sẽ 2 ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch.

Trước đó, trong phiên họp khai mạc Kỳ họp, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại tổ về các nội dung trên.

Mới đây, Chính phủ đã có Tờ trình số 290/TTr-CP ngày 11/6/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, cụ thể hóa một số nội dung trong Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, đã được Tổng thư ký Quốc hội gửi các đại biểu qua hệ thống điện tử. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có báo cáo thẩm tra về các vấn đề có liên quan gửi Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu theo các vấn đề đã được nêu trong các Báo cáo của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra, nhất là các kiến nghị về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Ngay đầu giờ sáng đã có 90 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thảo luận. Các đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An; đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn; đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk;đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ– Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh; đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang;đại biểu Bùi Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình; đại biểu Nguyễn Quốc Hưng – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội; đại biểu Hoàng Văn Liên – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An; đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình; đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh;... bày tỏ đồng tình với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu cho rằng, năm 2019 mặc dù tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả cao của Chính phủ, kinh tế - xã hội đạt được kết quả tích cực, đáng ghi nhận, tạo tiền đề tốt cho năm 2020. Theo đó, đây là năm thứ hai liên tiếp nước ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (gồm 7 chỉ tiêu vượt, 5 chỉ tiêu đạt), trong đó, có 04 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Tốc độ tăng GDP đạt 7,02% thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, thu ngân sách nhà nước vượt 9,9% dự toán, tăng trưởng đều ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; môi trường đầu tư được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khá ổn định,…Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề cần quan tâm như: tình trạng xuất siêu vào các nước trình độ phát triển cao, nhưng vẫn nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc; chưa đạt được các lợi ích như kỳ vọng sau một năm thực hiện Hiệp định CPTPP (như: tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào khu vực các nước CPTPP còn thấp hơn các khu vực khác); nếu xét theo chỉ số ICOR thì chất lượng tăng trưởng năm 2019 giảm so với năm 2018.

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra biến động chưa từng có; ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - xã hội trong nước và thế giới, gây hậu quả rất lớn và nghiêm trọng, làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Kinh tế thế giới lâm vào suy thoái, nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã làm suy giảm thương mại, du lịch, dịch vụ, tín dụng; xuất, nhập khẩu, sản xuất của doanh nghiệp bị ngưng trệ, ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách nhà nước, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp,…

Các đại biểu ghi nhận công tác phòng, chống dịch của nước ta đã rất thành công, được coi là “kỳ tích” với nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp, là điểm sáng xuất sắc trên bản đồ thế giới, được cộng đồng quốc tế khen ngợi, khiến người dân cảm thấy tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Chủ trương chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để bảo vệ tính mạng Nhân dân cùng với công tác bảo hộ, đón công dân Việt Nam từ các tâm dịch về nước đã khiến nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ, qua đó càng cho thấy, Nhà nước Việt Nam thật sự là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.

Để kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, Chính phủ đã ban hành các chính sách đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ, trong đó, có những chính sách đặc biệt chưa từng có; cùng với đó là các chính sách giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp, trình Quốc hội xem xét miễn giảm một số khoản thuế;…. Tuy nhiên, quy định điều kiện được hưởng gói hỗ trợ vẫn còn cứng nhắc; việc triển khai các gói hỗ trợ chưa thống nhất, tốc độ giải ngân chưa đồng đều giữa các địa phương; xác định đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp, việc bình xét hộ nghèo trước đây chưa thực chất, có hiện tượng dù là hộ nghèo nhưng không dám nhận trợ cấp hoặc chính quyền một số địa phương vận động hộ nghèo không nhận tiền hỗ trợ.

Các đại biểu đề nghị công khai các gói hỗ trợ của Chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp được biết rõ và tiếp cận kịp thời. Chính phủ cần tiếp tục xem xét, cấp bổ sung ngân sách cho các địa phương; giám sát việc thực hiện chính sách.

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Về các nội dung cụ thể, các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị định 100, xử lý nghiêm hành vi uống rượu bia tham gia giao thông; bảo vệ an ninh trật tự; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh nguồn nước; kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác "chống dịch như chống giặc"; điều chỉnh lại chỉ tiêu phát triển do tác động của dịch bệnh; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh; khôi phục thị trường du lịch; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái đàn lợn, phòng chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi; làm tốt công tác bảo vệ phát triển rừng; đầu tư phát triển kinh tế văn - xã; xây dựng thương hiệu quốc gia đặc sắc, riêng có của Việt Nam; quản lý thu chi ngân sách nhà nước hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau và không để tỉnh nào bị bỏ lại phía sau; đồng thời làm tốt công tác dự báo trước những tác động khó lường về chính trị, an ninh phi truyền thống để có chính sách ứng phó hiệu quả...

Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về phòng chống tác hại của rượu bia

Mở đầu Phiên họp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị tiếp tục thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đại biểu nêu vấn đề, Luật và Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2020 đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý, xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, thu được hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đây chính là quyết tâm, nỗ lực và sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Từ đó, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đi vào thực tiễn và có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông, được dư luận đồng thuận, nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật. 

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, mặc dù công cuộc cách mạng để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia, các quán ăn, nhà hàng dịch vụ ban đầu chưa có giải pháp thích ứng đã bị ảnh hưởng không nhỏ, giảm lượng khách, giảm thu nhập nhưng hiệu quả mang lại đã, đang và sẽ không nhỏ với tình hình an toàn giao thông, an ninh, trật tự. Tuy nhiên, hiện nay sau thực hiện giãn cách xã hội, tâm lý người dân còn chủ quan với các quy định về an toàn giao thông, khách đến nhà hàng ăn uống tăng đột biến và lượng rượu, bia bán ra nhiều hơn khi mới áp dụng Nghị định 100. Đại biểu nêu rõ, chúng ta dễ dàng nhìn thấy ở các quán bia vỉa hè, nhà hàng khách ăn uống rượu, bia sau đó lái ô tô, người lái xe máy vẫn lái xe máy, đây là một sự chủ quan nguy hiểm, do đó đã đến lúc sớm trở lại ngăn chặn.

Giải pháp để bảo vệ an ninh nguồn nước

Nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức, song theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho răng đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Đại biểu nhấn mạnh giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay phải thực sự tiết kiệm trong chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải có trọng điểm, hiệu quả và đặc biệt, phải chống thất thu, chống thất thoát ngân sách nhà nước.

Đề cập đến vấn đề thiếu nước do ảnh hưởng của hạn mặn ở nhiều địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho biết, mặc dù đang là mùa mưa ở Tây Nguyên nhưng phải chứng kiến cuộc sống thiếu nước dưới cái nóng cháy da cháy thịt, nương rẫy cà phê đang xơ xác. Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đang trong tình trạng thiếu nước triền miên như vùng cao nguyên Hà Giang, Ninh Thuận và tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông cửa Long. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri thấy được được nỗi niềm, sự mong mỏi, khát khao của cử tri về nguồn nước an toàn, được bảo đảm bền vững. 

Đại biểu cũng cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, mâu thuẫn giữa các nước trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp, khó lường hơn. Đối với nước ta, do tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn có xu hướng gia tăng, cùng với đó là ảnh hưởng lớn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa, diện tích rừng ngày càng bị thu hết, dân số tăng nhanh… trong khi việc sử dụng nguồn nước và quản lý ô nhiễm chưa được coi trọng. Với khoảng 63% tổng số trữ lượng nước từ bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng, Mekong… Thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng, cấp bách về nguồn nước, với tình trạng suy giảm nguồn nước mặt, nước ngầm.

Với tính cấp bách, cấp thiết như trên, để bảo đảm an ninh nguồn nước, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất Chính phủ cần khẩn trương tổ chức điều tra, khảo sát lại việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước quốc gia, trên cơ sở đó có đề án, chiến lược, chương trình bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia thế kỷ XXI để trình Quốc hội. Trước mắt, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.  

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng đề xuất một số nhóm giải pháp để bảo vệ an ninh nguồn nước như đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước trên cơ sở thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; cần quản lý tài nguyên nước giống như quản lý tài nguyên có giá trị; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước; tối ưu hóa nguồn nước bằng việc đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; khuyến khích phát triển hệ thống giảm thiểu, tái sử dụng, tái tạo nguồn nước. Đồng thời, tăng cường sử dụng các mô hình liên kết giữa các nguồn nước, năng lượng, lương thực trong phát triển kinh tế; tăng cường khả năng trữ nước bằng giải pháp phi công trình trong quản lý nguồn nước dựa trên xu thế tự nhiên của cơ sở dự báo thủy văn; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách về sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đầu tư phát triển kinh tế - văn xã

Nhấn mạnh văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm, văn hóa còn là nguồn vật chất lớn lao phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các nước có nền văn hóa lâu đời, đặc sắc như nước ta”, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng khai thác và phát huy có hiệu quả tài nguyên vô giá này không chỉ giúp dân tộc Việt Nam trường tồn mà còn giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới.

Theo đại biểu, đầu tư kinh tế - văn - xã là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thu được lợi ích kép, lợi ích về kinh tế, lợi ích về xã hội, an sinh. Và điều lớn lao nữa là xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trở thành thương hiệu quốc gia đặc sắc, có giá trị vật chất đặc biệt, riêng có của Việt Nam. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu lựa chọn đầu tư các ngành kinh tế - văn - xã là trụ cột, là khâu đột phá để phát triển đất nước trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới và những năm tiếp theo. 

Không để tỉnh nào ở lại phía sau

Cho rằng để tạo sự đồng nhất, có đà bứt phá, đưa nền kinh tế phát triển bền vững, cùng với thực hiện “không để ai ở lại phía sau”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn ĐQBH Quảng Bình đề nghị cần có chủ trương “không để tỉnh nào ở lại phía sau”. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu rõ, trong tình trạng dịch Covid, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều lao động mất việc, thất nghiệp; nguồn thu quốc gia giảm nghiêm trọng; tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Dù, Đảng đã có nghị quyết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Thủ tướng gặp mặt, đối thoại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và đề cập đến tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phiền hà, bắt nạt, nhưng sau Thủ tướng vẫn có một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng trong thực hiện tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Không ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu nhưng đề xuất, kiến nghị xin cấp phép xuất khẩu chưa được quan tâm giải quyết. Trong đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn vay vốn ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, đầu tư công nghệ phục vụ cho sản xuất, nhưng hàng hóa xuất khẩu không được xuất khẩu, tồn đọng trong kho quá lớn. Vốn liếng doanh tồn đọng, nguy cơ phá sản, Nhà nước không có cơ hội thu ngân sách. Không ít doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời và một số dự án khác vay vốn xây dựng kế hoạch đầu tư, có doanh nghiệp đã hoàn thành từ năm 2019, nhưng do vướng mắc của Luật Quy hoạch, dù đã có Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thực hiện luật thì vẫn bị chậm, ngừng thực hiện. Trong khi đó, nguồn điện quốc gia thiếu, các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, các địa phương không hoàn thành mục tiêu kế hoạch nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, nguồn thu ngân sách của quốc gia, địa phương hụt thu.

Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia và tỉnh. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn ĐQBH Quảng Bình 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành không chỉ đồng hành thực hiện mục tiêu “không để ai ở lại phía sau” mà còn thực hiện mục tiêu “không để tỉnh nào ở lại phía sau”. Các thành phố có cơ hội phát triển kinh tế, còn có nghị quyết, chế độ thực hiện mục tiêu riêng, có cơ hội thu hút vốn đầu tư. Song, tỉnh nào đã khó khăn lại càng khó khăn trong thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI. Khó khăn hơn cả là nhiều tỉnh xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ, tốc độ phát triển không cao, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu đồng bộ, vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thậm chí có nguy cơ rủi ro không có khả năng cạnh tranh, nguồn nhân lực có tay nghề hạn chế. 

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự quan tâm, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển kinh tế - xã hội; tao cơ hội quảng bá hình ảnh thu hút đầu tư.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung phiên họp

Bảo Yến - Trọng Quỳnh