QUỐC HỘI NGHE TỜ TRÌNH DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

22/05/2020

Chiều ngày 22/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, ngày 21/01/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 26/TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC). Ngày 10/02/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và trên cơ sở nội dung đã trình, Chính phủ xây dựng Tờ trình thay thế Tờ trình số 26/TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC.

Đề cập sự cần thiết ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Chủ trương, định hướng tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và quy định của Hiến pháp năm 2013 là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng của việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nói chung, pháp luật XLVPHC nói riêng theo hướng bảo đảm hơn nữa các quyền tự do dân chủ, quyền con người, quyền công dân.

|
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, thời gian qua, một số Bộ luật, Luật mới được ban hành như: Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Cạnh tranh năm 2018… và tình hình thực tế đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số các quy định tại Luật XLVPHC để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Do vậy, việc thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định còn hạn chế, vướng mắc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và khắc phục những bất cập trong thi hành Luật XLVPHC (sẽ được nêu cụ thể tại mục 2 Phần I dưới đây của Tờ trình) là cần thiết.

Trên cơ sở thực tiễn, Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Sau hơn 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể:

- Đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính, khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung vào những vấn đề như: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; sự thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến thay đổi về thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền; các quy định về thời hạn, thời hiệu thực hiện các công việc chưa phù hợp thực tế; thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn nhiều bất cập; việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng có những hạn chế nhất định…

- Đối với việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung vào những vấn đề như: Quy định điều kiện, đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị kéo dài không cần thiết do đối tượng phải trải qua biện pháp tiền đề giáo dục tại xã, phường, thị trấn; các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính thiếu tính khả thi (ví dụ: Điều 131 Luật XLVPHC)...

- Đối với công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, việc quy định chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng gây nhiều khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thống kê, tổng hợp báo cáo.

- Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC là hết sức cần thiết.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật XLVPHC, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC

- Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng như thể chế hóa những chủ trương mới của Đảng nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, 6, 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.


Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan trực tiếp đến những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

- Tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả và bảo đảm dân chủ trong quy định về thủ tục xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là người chưa thành niên.

- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, trọng tâm là pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với pháp luật về phòng, chống ma túy, pháp luật hình sự; bảo đảm tính tương thích của các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đặc biệt là một số công ước quốc tế về quyền con người.

Quá trình xây dựng Dự án Luật

Trình tự, thủ tục xây dựng dự án Luật thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, cụ thể như sau:

1. Tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật XLVPHC ngày 17/11/2017.

2. Lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC trình Chính phủ thông qua với 03 chính sách lớn sau đây:

Chính sách 1: Hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động xử phạt vi phạm hành chính.

Chính sách 2: Hoàn thiện các quy định pháp luật về đối tượng, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Chính sách 3: Hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

3. Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập; các cuộc họp với Bộ, ngành và các cá nhân, tổ chức liên quan về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC.

4. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm trong quá trình lập Đề nghị xây dựng và quá trình xây dựng dự thảo Luật.

5. Xây dựng, đăng tải dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC, dự thảo Tờ trình Chính phủ trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

6. Tổ chức thẩm định để cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC (Báo cáo thẩm định số 268/BC-BTP ngày 23/12/2019 của Bộ Tư pháp).

7. Trên cơ sở ý kiến thẩm định, Bộ Tư pháp đã tiến hành tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội.

8. Ngày 31/12/2019, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 121/NQ-CP tại Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2019, trong đó, giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình và báo cáo Quốc hội về dự án Luật này.

9. Ngày 21/01/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 26/TTr-CP báo cáo Quốc hội về dự án Luật.

10. Ngày 05/02/2020, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra sơ bộ; ngày 10/02/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật.

Dự thảo Luật XLVPHC  sửa đổi, bổ sung một số quy định chung tại Phần thứ nhất của Luật XLVPHC như: Quy định về giải thích từ ngữ “tái phạm” theo hướng loại trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính là điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự (một số tội phạm trong BLHS có cấu thành “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”); quy định cụ thể về nguyên tắc xử phạt đối với từng hành vi trong trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”, trừ trường hợp Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng; bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính.

Về xử phạt vi phạm hành chính

- Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: Tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 Luật XLVPHC như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.

- Bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh: Sửa đổi tên gọi một số chức danh; bổ sung một số chức danh mới; xem xét, xác định lại thẩm quyền xử phạt của một số chức danh (đặc biệt là các chức danh thuộc lực lượng thanh tra chuyên ngành); sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một số chức danh theo hướng không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 53 Luật XLVPHC để quy định cụ thể về những trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 54 Luật XLVPHC theo hướng người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã giao quyền cho cấp phó, nếu cấp trưởng thực hiện thẩm quyền xử phạt khi đã giao quyền thì phải có quyết định chấm dứt việc giao quyền. Trong thời gian được giao quyền, cấp phó có quyền hạn như cấp trưởng đối với phạm vi được giao, trừ quyền áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn thực hiện một số công việc nhằm bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn: Tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (tại Điều 60 dự kiến sửa đổi, bổ sung); quy định cụ thể các loại thời hạn ra quyết định xử phạt, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khác nhau cho từng loại vụ việc...

- Quy định rõ thời hạn lập biên bản, địa điểm lập biên bản; bổ sung quy định về việc lập, gửi biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này...

- Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục giải trình nhằm bảo đảm tính khả thi trên thực tế.

- Bổ sung, quy định cụ thể một số nội dung liên quan đến việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc xác định vi phạm hành chính.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cụ thể là:

+ Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khoản 4 Điều 126 dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc thông báo, niêm yết công khai về tang vật, phương tiện bị tạm giữ (số lần thông báo, thời hạn thông báo, xử lý tài sản sau khi hết thời hạn thông báo, niêm yết công khai…).

+ Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành, dự thảo Luật quy định theo hướng viện dẫn: “Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công” (bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 81 Luật XLVPHC), đồng thời, bãi bỏ Điều 82 Luật XLVPHC.

- Bổ sung quy định về việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền đối với tổ chức.

- Bổ sung quy định cụ thể về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Bổ sung biện pháp cưỡng chế mới: ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. 

Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

- Sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: Quy định cụ thể các hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, hành vi vi phạm trong thời hạn 06 tháng không có sự thống nhất giữa Luật XLVPHC và BLHS; bổ sung quy định về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy (bao gồm cả người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi trở lên), người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng: Trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, các đối tượng (tùy từng trường hợp cụ thể) sẽ được giao cho gia đình hoặc các tổ chức (cơ quan Công an cấp huyện, trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc) để quản lý.

Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Dự thảo Luật bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC nhằm giảm bớt thủ tục và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo.

Những vấn đề xin ý kiến

Trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC cũng như xây dựng dự thảo Luật này, các bộ, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với nhiều nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung. Báo cáo thẩm tra chính thức của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc tại Phiên họp lần thứ 42 cũng đều cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự án Luật. Tuy nhiên, còn 02 vấn đề có ý kiến khác nhau, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội:

1. Việc bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc bổ sung thêm biện pháp này sẽ góp phần tăng thêm công cụ mang tính mệnh lệnh, phục tùng thể hiện quyền lực Nhà nước, có hiệu quả cao trong xử lý vi phạm, áp dụng trực tiếp với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thiết lập lại trật tự quản lý nhà nước đã bị xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định đây là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, vì sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngăn chặn, đình chỉ, chấm dứt ngay hành vi vi phạm, do có thể chủ động không cho vi phạm tiếp tục tái diễn, dẫn đến nguy cơ gây hậu quả sẽ lớn hơn nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Dự thảo Luật quy định theo loại ý kiến thứ nhất nêu trên.

2. Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện Việt Nam hiện nay (việc sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng ngày càng tăng và khó kiểm soát), đồng thời, là những biện pháp phòng ngừa sớm (quản lý tốt người sử dụng ma túy sẽ dần hạn chế số lượng người nghiện ma túy) với những đặc thù riêng là rất cần thiết.

 Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, vì mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, phòng ngừa chứ không phải là trừng phạt. Nếu chú trọng mục đích trừng phạt đối với đối tượng này thì khả năng phục hồi, sửa chữa vi phạm của các em sẽ rất khó đạt được. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy cũng đã có những quy định cụ thể đối với người chưa thành niên nghiện ma túy./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh

Các bài viết khác