Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh báo cáo một số nội dung
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật. Đồng thời đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tiếp tục làm rõ một số vấn đề sau: Rà soát, thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở nguyên tắc của thị trường. Định hướng rõ việc phát triển hoạt động về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm. Đổi mới việc dạy nghề, đào tạo nghề có định hướng, kế hoạch đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng đến các thị trường, ngành nghề có mức lương cao, ổn định, an toàn; nâng cao hình ảnh người lao động Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động tại các nước khác trên thế giới.
Về hồ sơ dự án Luật, Ủy ban thấy rằng, Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, có bổ sung, cập nhật một số thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 2, Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất đồng bộ giữa Tờ trình với dự thảo Luật, dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành; một số nội dung vẫn chưa có dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Ủy ban nhận thấy việc sửa đổi Luật lần này được tiến hành một cách toàn diện, có những vấn đề liên quan đến nhiều đạo luật khác, nên cần tiếp tục thảo luận, tham vấn rộng rãi, bảo đảm đồng thuận xã hội. Đồng thời, số lượng các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tham gia, góp ý đối với dự án Luật còn hạn chế. Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; của cơ quan thẩm tra và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến, nhất là đối tượng chịu tác động trực tiếp.
Toàn cảnh Phiên họp
Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ủy ban thấy rằng, quy định về chính sách của Nhà nước đã được sửa đổi theo hướng bổ sung và cụ thể hóa các chính sách để khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định phù hợp để bảo đảm bình đẳng giới thực chất về quyền, lợi ích của lao động về tiếp cận thông tin; các quyền liên quan đến việc làm; quyền được tôn trọng, không bị xâm phạm thân thể, nhân phẩm; những vấn đề tài chính như các khoản phí và việc chuyển tiền lương về nước; quyền tiếp cận và thụ hưởng chính sách sau khi hết hạn hợp đồng trở về; cụ thể hóa các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ lao động nữ. Đồng thời cần nghiên cứu và cụ thể hóa các chính sách đối với lao động sau khi về nước theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, người lao động theo nhóm nội dung: Theo dõi, nắm bắt để quản lý tốt người lao động sau khi về nước; Cơ chế, chính sách hỗ trợ tái hòa nhập; Hỗ trợ thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động nhằm tìm kiếm việc làm, khai thác, phát huy nguồn lao động có chất lượng chuyên môn, kỹ thuật cung cấp cho các đơn vị sử dụng lao động và Khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về thời hạn Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ủy ban thấy rằng, việc thay đổi thời hạn sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với việc Dự án Luật bổ sung quy định bắt buộc doanh nghiệp hoạt động dịch vụ phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động đã bảo đảm được tính chặt chẽ trong hoạt động quản lý. Do đó, Ủy ban đề nghị cân nhắc kỹ về quy định này, không nên tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp, mà cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời cần nghiên cứu về vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tham gia quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại năng lực, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ để có quy định “hậu kiểm” phù hợp.
Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước và thấy rằng, Quỹ do doanh nghiệp, người lao động đóng góp, nên các nội dung chi cần hướng đến mục tiêu chính để phục vụ doanh nghiệp, người lao động, đồng thời, đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo làm rõ một số vấn đề sau: Sự phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Trung ương nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội ngày 24/11/2017 giám sát về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả khi Dự án Luật có sự thay đổi tính chất và địa vị pháp lý của Quỹ so với Luật hiện hành. Làm rõ tính không trùng lắp với nhiệm vụ chi của Ngân sách Nhà nước, của doanh nghiệp, các quỹ an sinh xã hội, tiền ký quỹ của doanh nghiệp, khoản ký quỹ của người lao động, hợp đồng cung ứng lao động và việc bảo đảm tính khả thi, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; Cơ sở để quy định việc trích 10% quỹ dùng để chi cho bộ máy quản lý điều hành trong dự thảo văn bản hướng dẫn và tính tương quan với các loại hình quỹ khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, để bảo đảm tính khả thi của dự án Luật, Ban Soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động về khả năng nguồn lực, khả năng ngân sách của nhà nước nhất là với các chính sách mới; đồng bộ giữa các nội dung sửa đổi của Dự án Luật với các quy định của các luật khác có liên quan. Ngoài ra, để bảo đảm thuận lợi trong việc triển khai Luật trên thực tế, cần cân nhắc hạn chế tối đa số điều khoản giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hoặc tập trung giao trách nhiệm cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giảm các nội dung giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành./.