Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương, 219 điều. Trong phiên thảo luận về Dự án Luật này, các đại biểu tập trung vào một số vấn đề về hộ kinh doanh, con dấu của doanh nghiệp, số vốn điều lệ của doanh nghiệp Nhà nước.
Giải trình về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Hiện nay, có 2 ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất là nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự án Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự án Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việc các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến đưa hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay cần ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh đều là những đóng góp có lý. Tuy nhiên, theo quan điểm của Chính phủ lựa chọn phương án thứ nhất đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là định danh cho loại hình hộ kinh doanh, bảo về quyền lợi cho họ và có thể áp dụng các chương trình hỗ trợ cho hộ kinh doanh. Mặt khác, việc đưa hộ kinh doanh vào trong dự án Luật cũng góp phần gỡ bỏ được một số rào cản đang làm vướng mắc và cản trở hộ kinh doanh để họ hoạt động có hiệu quả hơn, có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế tự nhân. Ngoài ra, việc đưa hộ kinh doanh vào trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không làm phát sinh thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và thúc đẩy hộ kinh doanh có đủ điều kiện kinh tế, tiềm năng chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Bởi thực tế có hàng trăm hộ kinh doanh có tiềm lực kinh tế, thuê hàng trăm lao động làm việc và đạt doanh thu đến nghìn tỷ/năm.
Việc đưa hộ kinh doanh vào vào trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không phải là vấn đề mới mà đã được đưa vào một điều khoản của Luật Doanh nghiệp và đã được cụ thể hóa ở Nghị định 78. Mặt khác, việc ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh sẽ mất nhiều thời gian, ít nhất là 3 năm. Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ xây dựng được một luật riêng về hộ kinh doanh. Tuy nhiên, trước mắt chưa xây dựng được một luật riêng thì nên đưa hộ kinh doanh vào vào trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để đến khi nào xây dựng xong luật riêng thì sẽ đưa những quy định về hộ kinh doanh sang Luật mới.
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Về nội dung con dấu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Năm 2014, Luật Doanh nghiệp đã bỏ quy định doanh nghiệp bắt buộc phải có con dấu. Tùy quyết định của doanh nghiệp có khắc dấu hay không khắc dấu và khắc như thế nào. Còn trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này, chúng ta chỉ bỏ một thủ tục thông báo mẫu dấu, chứ không phải chúng ta bỏ con dấu. Điều này cũng là giảm thủ tục cho các doanh nghiệp và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về vấn đề doanh nghiệp Nhà nước là thể chế hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII. Khi soạn dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã đưa ra nhiều phương án như: quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 35%, trên 50%, trên 65% vốn điều lệ... Cuối cùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Điều này cũng đảm bảo quyền chi phối của Nhà nước, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được nhiều ý kiến về việc cần có cơ chế giám sát hoạt động của doanh nhiệp Nhà nước. Những đề xuất này sẽ được Bộ tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện trong các văn bản hướng dẫn chi tiết các hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, Bộ có thể chia loại hình doanh nghiệp Nhà nước thành 2 loại. Loại thứ nhất là doanh nghiệp chiếm 100% vốn điều lệ của Nhà nước và loại thứ hai là doanh nghiệp chiếm trên 50% vốn điều lệ của Nhà nước để không ảnh hưởng tới các cổ đông nắm cổ phần không chi phối và đảm bảo tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn diễn ra bình thường.
Kết luận phiên thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có 20 đại biểu tham gia ý kiến cho Dự án Luật. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Nhiều đại biểu đã thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu đối với với Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và cũng đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau như vấn đề về hộ kinh doanh, con dấu doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ bao nhiêu vốn điều lệ... Tất cả các ý kiến của các đại biểu đã được ghi âm, phản ánh đầy đủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu và giải trình; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế cùng cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.