Toàn cảnh Phiên họp thứ 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Về số lượng, tên gọi, lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã quy định rất cụ thể về lĩnh vực, phạm vi hoạt động của Ủy ban Kinh tế và hiện tại Ủy ban đang thực hiện tương đối ổn định, do đó đề nghị giữ số lượng, tên gọi, lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Kinh tế như Luật hiện hành.
Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ như Luật hiện hành: Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội sẽ gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực. Phương án này sẽ giữ được sự ổn định trong cơ cấu tổ chức hiện nay, phân tách rõ từng nhóm đối tượng gắn với tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ đãi ngộ cụ thể. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cần nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách tại Điều 85. Hiện nay, người đứng đầu Ủy ban Quốc hội các nước thường được gọi là Chủ tịch Ủy ban, do đó đề nghị nghiên cứu, sửa đổi chức danh của Chủ nhiệm Ủy ban thành Chủ tịch Ủy ban cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về việc giảm số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc quy định tổng số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội không quá 40 người như Dự thảo Luật và bổ sung nguyên tắc để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định số lượng cấp phó cụ thể đối với từng cơ quan căn cứ vào yêu cầu công việc.
Về cơ cấu thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng như cụ thể hóa quyền của đại biểu Quốc hội được tham gia làm thành viên Hội đồng, thành viên Ủy ban, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thời gian qua việc các thành viên tham gia hoạt động của Ủy ban rất hạn chế, thậm chí chưa có cuộc họp toàn thể Ủy ban nào mà 100% thành viên Ủy ban có mặt. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc tăng cường chuyên môn hóa hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, số lượng thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban không cần quá đông nhưng tất cả hoặc phần lớn thành viên phải là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (bao gồm cả đại biểu chuyên trách tại các Đoàn đại biểu Quốc hội). Theo Thường trực Ủy ban, hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban liên quan đến các Luật, giám sát đã có kế hoạch từ trước thì có thể công khai để các đại biểu Quốc hội quan tâm đăng ký tham dự các hoạt động liên quan đến nội dung mà mình quan tâm. Tuy nhiên, để đảm bảo các đại biểu Quốc hội không là thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban thể hiện trách nhiệm khi là người đại diện của dân thì cũng cần có cơ chế bắt buộc các đại biểu này cũng phải thường xuyên tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban giữa các kỳ họp Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc
Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với phương án 1 là giữ quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội (tương đương khoảng 175 đại biểu) như Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành để đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với khả năng sắp xếp bố trí nhân sự và tình hình thực tiễn hiện nay. Có ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành với phương án quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội (tương đương khoảng 200 đại biểu) và nghiên cứu để giảm số lượng đại biểu xuống còn 250-300 đại biểu để tiến tới Quốc hội chuyên nghiệp, hiệu quả; đồng thời có chế độ chính sách thỏa đáng để thu hút nhân tài về Quốc hội và đảm bảo yên tâm công tác, đóng góp cho hoạt động của Quốc hội. Cũng có ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đề nghị giảm số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đề nghị nghiên cứu, xem xét các nội dung để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương.
Về mô hình tổ chức của Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, mô hình tổ chức của Văn phòng Quốc hội hiện nay hoạt động tương đối hiệu quả, thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Do đó, đề nghị giữ mô hình tổ chức Văn phòng Quốc hội như hiện nay. Có ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu mối quan hệ giữa Thường trực các Ủy ban của Quốc hội với các Vụ giúp việc, nghiên cứu cơ chế để Thường trực các Ủy ban yêu cầu cán bộ các Vụ làm việc theo chức trách của mình.
Về Đề án chuyển Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí về chủ trương, tuy nhiên đề nghị nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện các khía cạnh để việc chuyển Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội đảm bảo tính đồng bộ về loại hình tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ, tránh sự chồng chéo.
Ngoài ra, về giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, có ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi quy định về việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh để làm rõ trách nhiệm giải thích và trách nhiệm hướng dẫn Hiến pháp, luật, pháp lệnh; làm rõ những trường hợp nào thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải giải thích và quy định trách nhiệm hướng dẫn pháp luật của các cơ quan nhà nước hữu quan.
Trên cơ sở một số ý kiến góp ý về việc rà soát, đề xuất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế gửi đến Vụ Pháp luật để tổng hợp; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.