Toàn cảnh Phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại Phiên họp thứ 42
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội để thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị, đồng thời đóng góp ý kiến vào một số nội dung sau:
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Thường trực Ủy ban nhất trí với quan điểm nêu trong dự thảo Tờ trình về phạm vi sửa đổi, bổ sung chỉ tập trung vào việc thể chế hóa những quan điểm chỉ đạo đã rõ, có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đã được tổng kết, đánh giá.
Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí với phương án giữ như quy định hiện hành (bao gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, các Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách). Ủy ban cho rằng, với việc quy định như vậy sẽ phân tách rõ từng nhóm đối tượng gắn với tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ đãi ngộ và có cơ sở để thực hiện như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương. Tuy nhiên, trong dự thảo cần nêu rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng chức danh trong Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận
Về giảm số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí với phương án giữ như quy định hiện hành, không nên quy định cứng là không quá 40 người (còn liên quan đến đề án nâng cấp các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu như được thông qua). Theo Thường trực Ủy ban, việc quyết định số lượng cấp phó cụ thể của từng cơ quan sẽ được xác định trong đề án riêng và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, như vậy vẫn có thể đảm bảo được yêu cầu giảm số lượng cấp phó theo tinh thần Nghị quyết 18 và vẫn đảm bảo tính linh hoạt, dễ điều chỉnh, tùy theo khối lượng công việc đảm nhiệm của từng cơ quan.
Về Phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị bổ sung quy định: “ Phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban tham dự. Báo cáo, quyết định của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban biểu quyết tán thành”.
Trên cơ sở một số ý kiến tham gia góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội gửi đến Vụ Pháp luật để tổng hợp; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.