Cần quy định cụ thể để phát triển loại hình doanh nghiệp xã hội
Tổ 02 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh. Tại cuộc thảo luận, đại biểu Phạm Phú Quốc cho biết, hiện nay có loại hình doanh nghiệp mang dáng dấp công ích hoặc là phi lợi nhuận, doanh nghiệp hình thành nhưng không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì cộng đồng, vì an sinh, vì công ích xã hội. Do đó, nên có ưu đãi, có hướng dẫn để ủng hộ những doanh nghiệp, tổ chức xã hội như vậy. Đại biểu Phạm Phú Quốc nêu rõ: nên có nội dung liên quan tới doanh nghiệp công ích về an sinh xã hội, về từ thiện, về hỗ trợ để đảm bảo ủng hộ về mặt thủ tục pháp lý cho các doanh nghiệp này có điều kiện thuận lợi, sớm hình thành và đi vào hoạt động.
Thảo luận tại Tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc và thành phố Cần Thơ
Tại Tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc và thành phố Cần Thơ. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho biết, doanh nghiệp xã hội lần đầu tiên được đề cập ở trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 với một số các đặc điểm, trong đó có một đặc điểm rất nổi bật là phải thành lập theo quy định, mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% lợi nhuận để tái đầu tư. Để thực hiện các mục tiêu đó, hiện trong 22.000 doanh nghiệp tạo tác động xã hội thì chỉ có 80 doanh nghiệp được đăng ký là doanh nghiệp xã hội. Đây là một con số rất ít ỏi. Trung bình mỗi năm có 20 doanh nghiệp đăng ký, trên tổng số 115.000 doanh nghiệp, tỷ lệ này là 0,017%. Mặc dù tỷ lệ là rất ít nhưng xu hướng phát triển chung của xã hội thì rất cần thiết số doanh nghiệp xã hội này ngày càng nhiều hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, doanh nghiệp xã hội tạo các việc làm để cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng và hỗ trợ các nhóm yếu thế rất tốt, đồng thời sử dụng nhiều các lao động yếu thế, như người khuyết tật, người thất nghiệp v.v... Đáng chú ý có 78% doanh nghiệp xã hội hiện nay hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đều có lợi nhuận tốt. Con số ít như vậy nhưng trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội rất nhiều. Trong số các doanh nghiệp xã hội thì lực lượng chủ doanh nghiệp trẻ chiếm 58% có độ tuổi từ 25 tuổi đến 44 tuổi, với khoảng 50% chủ doanh nghiệp là phụ nữ, nghĩa là cao hơn tỷ lệ chung về nữ làm chủ doanh nghiệp. Hiện nay, thực trạng cho thấy doanh nghiệp xã hội số lượng ít, bởi hoạt động rất khó khăn. Theo VCCI, việc đăng ký để trở thành một doanh nghiệp xã hội là khó hơn. Vừa đăng ký vừa hoạt động là điều khó hơn so với một doanh nghiệp thông thường, bởi mặc dù được ưu đãi nhưng trên thực tế họ gặp khó. Quy định của pháp luật nói phải có hỗ trợ nhưng thực tế lại chưa có những quy định cụ thể.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị trong Luật Doanh nghiệp nên bổ sung thêm một chương hoặc ít nhất là một điều về các doanh nghiệp xã hội để có các quy định rõ ràng về khái niệm, về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ, quy trình đăng ký thành lập. Tất cả những vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển doanh nghiệp xã hội, phù hợp với sự cần thiết, vai trò, sứ mệnh cũng như xu hướng phát triển sắp tới nhằm khắc phục tình trạng các quy định nằm rải rác ở rất nhiều nơi, hầu như chỗ nào cũng nói có chính sách nhưng rất chung chung và thực tế là rất là khó thực hiện.
Có cùng quan tâm về việc quy định đối với doanh nghiệp xã hội, tại Tổ 05 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh và thành phố Đà Nẵng, đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, nêu rõ: dự thảo Luật quy định về doanh nghiệp xã hội nhưng lại thiếu báo cáo tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động.
Theo đại biểu Quảng Văn Hương, chúng ta mong muốn có doanh nghiệp xã hội để tham gia, khuyến khích các doanh nghiệp để tham gia các hoạt động xã hội mà nhà nước thực hiện chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, khi đưa ra quy định như Dự thảo thì việc thực hiện xã hội hóa này được bao nhiêu doanh nghiệp đã tham gia? Đánh giá tác động của điều luật này như thế nào?
Đại biểu chỉ rõ, Dự thảo quy định là các doanh nghiệp này nếu muốn được hưởng các chế độ, các chính sách ưu đãi thì phải trích ít nhất 51% để thực hiện đầu tư vào hoạt động xã hội. "Vậy mức nào để căn cứ để lấy 51% hay có thể quy định 49% hoặc 30%?" - đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, tại phiên thảo luận Tổ
Đại biểu Quàng Văn Hương cho rằng, cần phải được làm rõ thêm các quy định và mục đích hướng tới thu hút càng nhiều doanh nghiệp tham gia các hoạt động xã hội mà trong rất nhiều lĩnh vực nhà nước chưa làm được, nên có cơ chế khuyến khích, có những chính sách hỗ trợ ưu đãi để mà thu hút phát triển loại hình doanh nghiệp này.
Thảo luận tại Tổ 18 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận và Lâm Đồng, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đề nghị tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp xã hội chuyển từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đại biểu cũng lưu ý nội dung các doanh nghiệp xã hội khi nhận thành lập có đăng ký sử dụng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường. Sau quá trình hoạt động, doanh nghiệp này có quyền từ bỏ mục tiêu xã hội và môi trường, tức là không có sử dụng đến lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Các chỉ tiêu ngân sách hàng năm phục vụ công cộng cần phải chủ động đối với doanh nghiệp phục vụ xã hội hoặc là các đơn vị có liên quan tới sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật... để bảo đảm cân đối để duy trì và phát triển được.
Có thêm các quy định về ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp xã hội
Cũng liên quan đến doanh nghiệp xã hội được quy định trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đề nghị bổ sung thêm doanh nghiệp xã hội là một đối tượng cần được hỗ trợ, cần được ưu đãi về đầu tư. Về lĩnh vực, đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số lĩnh vực mà hiện hoạt động mang tính chất hỗ trợ xã hội rất nhiều để trở thành đối tượng để được ưu đãi đầu tư như lĩnh vực về giáo dục, kỹ năng sống. Đại biểu phân tích, giáo dục kỹ năng sống từ những kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng, chống cháy nổ và nhiều kỹ năng sống vô cùng cần thiết khác... Nếu sau này họ thành những doanh nghiệp thì cũng rất cần thiết đưa họ thành một trong những doanh nghiệp được ưu đãi về mặt đầu tư. Hoặc các trung tâm tư vấn pháp luật sẽ bao gồm rất nhiều đối tượng, vừa là những đối tượng có thể là trợ giúp pháp lý nhưng đồng thời nhiều đối tượng tư vấn mang tính chất thu phí. Với tính chất doanh nghiệp thì hoàn toàn xứng đáng để được ưu đãi đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Tại Tổ 06 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Bình Phước, Vĩnh Long, các đại biểu cho rằng bên cạnh chính sách khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì cũng cần có thêm điều khoản quy định về khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp xã hội tại vùng này.
Tại Điều 16 của Dự luật bổ sung doanh nghiệp xã hội là đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, vì doanh nghiệp xã hội được quy định tại Điều 10 của Luật Doanh nghiệp 2014 với đặc điểm là doanh nghiệp vừa phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thông thường, vừa phải có các mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết được vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, sử dụng ít nhất là 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, hằng năm có báo cáo về các nguồn vốn viện trợ tài trợ.
Theo quy định hiện hành, đối tượng được hưởng ưu đãi là các dự án đầu tư vào những ngành nghề địa bàn thuộc phạm vi ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 16 của Luật Đầu tư 2014 và các doanh nghiệp tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khoa học công nghệ. Theo đó, doanh nghiệp xã hội có dự án thuộc các ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, trong thực tế doanh nghiệp xã hội hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực tại nhiều địa bàn với hiệu quả lợi ích xã hội đem lại khá tích cực như: đào tạo kỹ năng nghề cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình nghèo hay là người khuyết tật… và bảo vệ môi trường. Có ý kiến đề nghị là đưa doanh nghiệp xã hội vào đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Như vậy, doanh nghiệp xã hội này ngoài việc được hưởng ưu đãi đầu tư thuộc các ngành nghề, lĩnh vực địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư rồi thì được hưởng ưu đãi đầu tư khi có dự án đầu tư không thuộc địa bàn và lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư cũng như ở trong dự thảo Luật. Cùng với đó, trong Luật Doanh nghiệp cần quy định rõ hơn là doanh nghiệp xã hội phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận trước thuế hay là sau thuế để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường?
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) hiện đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý. Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp tháng 3/2020 tới./.