Thứ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại Phiên họp
Theo Tờ trình của Chính phủ, nội dung của cơ chế tạm quản hàng hóa là hàng hóa được phép tạm nhập vào hoặc tạm xuất ra khỏi một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định với điều kiện chủ hàng phải bảo đảm tái xuất hoặc tái nhập hàng hóa trong thời hạn nhất định.
Cơ chế tạm quản vận hành dựa trên hệ thống Sổ Tạm quản (ATA carnet) là một bộ chứng từ hải quan duy nhất được quốc tế công nhận dùng để thay thế tờ khai hải quan áp dụng đối với hàng hóa đi lại theo chế độ tạm quản giữa các thành viên của Công ước Istanbul.
Thứ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định của Chính phủ nhằm thực hiện cam kết quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai cơ chế tạm quản. Đơn giản hóa thủ tục, áp dụng biện pháp nghiệp vụ hải quan tiên tiến, phù hợp với xu hướng phát triển giao lưu thương mại của Việt Nam khi gia nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế. Đồng thời, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Thứ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, dự thảo Nghị định có 26 Điều, được chia thành 6 chương với 6 nhóm nội dung chính.
Về nhóm vấn đề về quy định chung, dự thảo Nghị định hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thủ tục cấp và hoàn trả số tạm quản (sổ ATA), bảo đảm thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản theo Công ước Istanbul. Dự thảo Nghị định không áp dụng đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính và hàng hóa quá cảnh theo đăng ký của Việt Nam với Tổ chức Hải quan Thế giới khi gia nhập.
Về nhóm quy định về hàng hóa tạm quản, dự thảo Nghị định quy định điều chỉnh về hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để phục vụ các sự kiện nêu trên, trong đó quy định cụ thể các hàng hóa không được thực hiện theo chế độ tạm quản như: các hàng mẫu nhỏ để tặng, thực phẩm đồ uống, các mặt hàng sử dụng một lần...; điều kiện được áp dụng tạm quản, theo đó tại dự thảo Nghị định quy định các nội dung liên quan đến điều kiện tạm quản như: Hàng hóa tạm quản phải tuân thủ các chính sách quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập của Việt Nam, hàng hóa đưa vào Việt Nam và ngược lại phải sử dụng sổ ATA còn hiệu lực và phù hợp với mục đích tổ chức sự kiện; thời hạn tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập.
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể các trường hợp kết thúc tạm quản để phù hợp với quy định tại của Công ước và cũng phù hợp với quy định của pháp luật trong nước (kết thúc tạm nhập, tạm xuất).
Liên quan đến nhóm vấn đề cấp sổ ATA, hoàn trả sổ ATA, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về hồ sơ để cấp sổ ATA, do sổ ATA được sử dụng thay thế tờ khai hải quan, do vậy về cơ bản hồ sơ đề nghị cấp sổ ATA tương tự như hồ sơ để đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa tạm xuất ngoại trừ giấy phép tạm xuất, giấy kiểm tra chuyên ngành thì không yêu cầu phải nộp khi đề nghị cấp sổ, các chứng từ này sẽ được nộp tại thời điểm làm thủ tục tạm xuất, quy định này sẽ phù hợp với pháp luật trong nước và cũng phù hợp với thực tế phát sinh vì có thể chủ sổ sau khi được cấp sổ sẽ không thực hiện ngay thủ tục tạm xuất. Sổ ATA do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp.
Đối với nhóm về thủ tục hải quan, để phù hợp tương đồng với quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 của Chính phủ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa tham dự hội chợ, triển lãm hay các sự kiện tương tự và phù hợp với thực tế phát sinh đối với hoạt động tạm nhập, tạm xuất hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm...ngày càng phát triển giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới đất liền, Thứ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm quản, cụ thể hàng hóa thực hiện thủ tục tại các Chi cục hải quan cửa khẩu, trường hợp hàng hóa tạm quản gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh thì được làm thủ tục hải quan tại Chi cục hải quan quản lý địa điểm tập trung, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng chuyển phát nhanh.
Về nhóm vấn đề về bảo đảm thuế hải quan, Thứ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, dự thảo Nghị định quy định Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là cơ quan đảm bảo tại Việt Nam. Đối với cơ quan bảo đảm trong nước (VCCI) có trách nhiệm thanh toán tiền thuế nhập khẩu và các khoản thuế, các khoản phát sinh khác (nếu có) cho cơ quan bảo đảm nước ngoài trong các trường hợp: người khai hải quan không tuân thủ các quy định về tạm quản; hết thời hạn tạm nhập ở nước ngoài, người khai hải quan không thực hiện tái xuất hoặc không làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa hàng hóa tạm nhập tái xuất. Đối với cơ quan bảo đảm nước ngoài, VCCI gửi thông báo yêu cầu cơ quan bảo đảm nước ngoài thanh toán nộp các khoản thuế hải quan, tiền chậm nộp, tiền phạt (nếu có); tiếp nhận các khoản tiền do cơ quan bảo đảm nước ngoài thanh toán và chuyển cho cơ quan hải quan. Trong trường hợp số tiền bảo đảm không đủ để thanh toán tiền thuế hải quan, tiền chậm nộp, tiền phạt (nếu có) thì cơ quan bảo đảm đề nghị Liên đoàn các phòng Thương mại Thế giới thực hiện khấu trừ từ số tiền bảo đảm quốc gia theo quy định tại Công ước Istbanbul hoặc trong trường hợp bất khả kháng hoặc có tranh chấp, VCCI không đồng ý trả khoản tiền bảo đảm cho cơ quan bảo lãnh quốc gia của nước mà hàng hóa đã tạm nhập.
Về nhóm vấn đề về thuế, giảm thuế và quản lý thuế, dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể về chính sách thuế đối với hàng hóa tạm quản tương tự như quy định của pháp luật hiện hành về thuế đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập. Đồng thời tại dự thảo Nghị định cũng quy định việc giảm thuế, hoàn trả các khoản tiền đã nộp tương tự như đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập có thời hạn theo quy định hiện hành của pháp luật về thuế./.