Phát hiện, thu thập tài liệu chứng cứ ban đầu trong vụ án xâm hại trẻ em gặp nhiều khó khăn
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ ngày 01/01/2015 đến 30/6/2019, các Tòa án đã đưa ra xét xử 6.585 vụ với 7.339 bị cáo phạm các tội xâm hại trẻ em và 7.654 trẻ em là nạn nhận của các tội phạm này xâm hại (7.121 trẻ em nữ và 533 trẻ em nam).

Hội thảo Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em do Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức
Trong số trẻ em là nạn nhân của hành vi xâm hại, phần lớn là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục (chiếm 84%), bị bạo lực chiếm 9,5% tổng số trẻ em bị xâm hại, bị mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt chiếm 3,4% tổng số trẻ bị xâm hại, còn lại là các hình thức gây tổn thương khác như bóc lột, bắt cóc, tổ chức, hỗ trợ xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn…
Trong tổng số 7.339 bị cáo phạm tội xâm hại trẻ em đã đưa ra xét xử có 5,9% bị cáo là người ruột thịt, người thân thích với nạn nhân; 0,5% bị cáo là giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục; 10,6% bị cáo là người có trách nhiệm chăm sóc, chữa bệnh, người quen của trẻ em; 0,3% bị cáo là người nước ngoài; còn lại 82,7% bị cáo là đối tượng khác.
Trao đổi tại hội thảo, đại diện các cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) đều cho rằng thực tế hiện nay trong giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em thì việc phát hiện, thu thập tài liệu chứng cứ ban đầu gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ rõ, tâm lý người nhà và nạn nhân thường e ngại, xấu hổ, mặc cảm, thiếu hiểu biết về mặt pháp luật, thiếu tin tưởng vào các cơ quan pháp luật, một số nhỏ gia đình nạn nhân có thỏa thuận dân sự với các đối tượng không thành mới tố cáo, hoặc tâm lý của trẻ em bị sang chấn, chưa ổn định ảnh hưởng đến việc khai báo việc thu thập chứng cứ rất khó khăn.
Việc giải quyết tố giác tin báo về tội phạm này còn nhiều vướng mắc do người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ tố giác muộn, không cung cấp đủ các thông tin cần thiết về tội phạm, không còn để lại dấu vết, hoặc dấu vết không có giá trị chứng minh…Nhiều trường hợp khi phát hiện hoặc tiếp nhận không đúng thẩm quyền, chính quyền cấp xã hoặc huyện chậm chuyển lên cấp trên có thẩm quyền nên có những dấu vết hoặc tình tiết không thể thu thấp được, phải kéo dài thời gian giải quyết hoặc không chứng minh được tội phạm.
Quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ còn gặp khó khăn do phần lớn các vụ án phát hiện chậm, điều tra truy sát không thu giữ được chứng cứ vật chất, thường chỉ có lời khai của người bị hại, còn đối tượng không khai nhận hành vi hoặc khai nhận có nhiều điểm mâu thuẫn, không có nhân chứng trực tiếp, người bị hại còn quá nhỏ…Việc tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám dấu vết trên cơ thể nạn nhân, thu giữ mẫu vật không còn kịp thời.
Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia Nguyễn Hồng Long cũng nhấn mạnh trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, kết quả giám định pháp y là bằng chứng rất quan trọng. Do đó, theo Luật Giám định tư pháp, khi phát hiện trẻ bị xâm hại, phụ huynh cần trình báo ngay với cơ quan điều tra. Thực tế, trong một số trường hợp, khi vụ việc, gia đình, chính quyền, cơ quan công an lại đưa nạn nhân đến các cơ sở không có nghiệp vụ pháp y hoặc cũng có những trường hợp gia đình nạn nhân do dự trong việc tố giác tội phạm, nên trình báo cơ quan chức năng muộn, gây khó khăn cho việc giám định và truy nguyên nghi can.
Chú trọng kỹ năng cho cán bộ trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử
Để nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh để không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng cần bảo đảm quyền lợi của trẻ em. Theo đó, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em là nạn nhân trong các vụ án hình sự nói riêng cần được quan tâm hơn nữa; cần đổi mới cách thức và tổ chức hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo đảm việc tiến hành tố tụng không gây tác động xấu đến tâm lý của trẻ em; xây dựng cơ chế hữu hiệu để tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân là trẻ em bị tổn hại về tinh thần và sức khỏe, giúp các em phục hồi và phát triển lành mạnh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại hội thảo
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh trong giải quyết vụ án xâm hại trẻ em cần chú trọng yếu tố con người, là cách để thực hiện kĩ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn đào tạo nghề nghiệp cho thấy chuyên đề đào tạo về vấn đề này chưa được quan tâm một cách đúng mức. Cùng với đó, đối với cơ quan điều tra, Điều 188 và Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về lấy lời khai có hai giai đoạn là triệp tập và lấy lời khai, thông báo thời gian địa điểm và lấy lời khai, nhưng qua xem xét hồ sơ thì có bao nhiêu trường hợp điều tra viên đến nhà lấy lời khai hay triệu tập đến cơ quan khi đó tâm lý các em rất khác. Rồi khi xét xử, không có cơ chế Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bị hại sang phòng khác để lấy lời khai các em để bảo đảm thân thiện, không ảnh hưởng đến tâm lý các em.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng, qua giám sát, cần có đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có quy trình lấy lời khai các em một cách thân thiện, tạo điều kiện cho các em chủ động, để bảo đảm hiệu quả lấy lời khai.
Cùng quan điểm, Chuyên gia về bảo vệ trẻ em trong hệ thống tư pháp của UNICEF Việt Nam Nguyễn Thanh Trúc cũng cho hay một trong những chiến lược các quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm tăng cường điều tra, truy tố, xét xử là áp dụng phương pháp tiếp cận đặc biệt trong tố tụng để tăng cường hiệu quả thu thập chứng cứ và hiệu quả, hơn hết là tăng cường bảo vệ trẻ em.
Chuyên gia của UNICEF Việt Nam đề nghị tăng cường đào tạo chuyên sâu, bắt đầu ngay từ cơ sở đào tạo. Vấn điều tra viên chuyên trách cũng cần được cân nhắc, đội điều tra liên ngành, phòng lấy lời khai thân thiện và sự tham gia của người làm công tác bảo vệ trẻ em, bảo mật thông tin, trợ giúp pháp lý. Chuyên gia của UNICEF Việt Nam cho rằng thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên không có nghĩa thành lập bộ máy hành chính cồng kềnh mà quan trọng là yếu tố con người. Theo đó, có thể là chỉ cần có thẩm phán có chuyên môn, kỹ năng xử lý vụ việc liên quan đến trẻ em, việc bố trí lịch xử án phù hợp và đặc biệt tại các Tòa cấp huyện cần có các thẩm phán có kỹ năng trong xét xử các vụ án này.
Ngoài ra các đại biểu cũng đề nghị cần có văn bản hướng dẫn chung thống nhất cho các cơ quan bảo đảm sự kết nối, phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em từ tiếp nhận, xử lý tin báo, điều tra, truy tố, xét xử, trợ giúp pháp lý./.