Cần thiết xây dựng mô hình chính quyền một cấp ở huyện đảo Lý Sơn
Một trong những nội dung của Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi, Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi đề nghị giải thể toàn bộ 03 xã (An Bình, An Hải, An Vĩnh) thuộc huyện đảo Lý Sơn.

Phiên họp toàn thể lần thứ 25 của Ủy ban Pháp luật
Theo lý giải của Chính phủ, thực hiện sắp xếp, đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị tại huyện đảo Lý Sơn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả bảo đảm quốc phòng, an ninh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, bảo tồn văn hoá, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hệ thống chính trị huyện đảo Lý Sơn, bảo đảm linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia trên Biển Đông, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển huyện đảo Lý Sơn, cần thiết có cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của huyện đảo Lý Sơn cho phù hợp.
Nghị quyết Đại Hội XII của Đảng; Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Khóa XII của Đảng đã chỉ rõ “Phân định rõ tổ chức và thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo”; “Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng có quy định về chính quyền địa phương ở hải đảo.
Quy mô diện tích và dân số của 03 xã quá nhỏ so với quy định. Việc giải thể toàn bộ 03 đơn vị hành chính cấp xã ở huyện đảo Lý Sơn, theo đó không tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương của 03 xã An Vinh, An Bình và An Hải sau khi giải thể sẽ do chính quyền địa phương huyện đảo Lý Sơn thực hiện.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi về việc tổ chức hành chính ở huyện đảo Lý Sơn theo mô hình không có đơn vị hành chính cấp xã. Việc giải thể 03 đơn vị hành chính cấp xã ở huyện đảo Lý Sơn là phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp và thực tiễn. Với diện tích tự nhiên và quy mô dân số nhỏ, việc tổ chức huyện đảo theo mô hình không có đơn vị hành chính cấp xã sẽ tạo cơ sở cho việc thực hiện sắp xếp, đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị tại huyện đảo Lý Sơn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp
Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn về hoạt động của chính quyền địa phương sau khi đơn vị hành chính bị giải thể. Bởi hiện nay, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải thể đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà không quy định về hệ quả pháp lý khi một đơn vị hành chính bị giải thể thì tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị đó như thế nào và cơ quan nào có thẩm quyền quyết định việc chuyển giao thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính bị giải thể. Đồng thời, các luật hiện hành cũng không quy định về việc chấm dứt hoạt động của Hội đồng nhân dân trong trường hợp đơn vị hành chính bị giải thể.
Cân nhắc khi xem xét giải thể chính quyền địa phương
Cho ý kiến về Đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân bày tỏ nhất trí với đề nghị của Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Ngãi về giải thể 3 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn và cho rằng việc giải thể này là cần thiết, hợp lý. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì giải thể đơn vị hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước vướng mắc khi thực hiện giải thể đơn vị hành chính thì Hội đồng nhân dân hoạt động như thế nào, đại biểu cho rằng, sau khi giải thể đơn vị hành chính thì việc kéo dài hoạt động của Hội đồng nhân là không hợp lý và không hiệu quả.
Luật hiện hành chỉ có một trường hợp giải tán Hội đồng đồng nhân dân khi Hội đồng nhân dân làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân mà không có quy định về giải thể đơn vị hành chính thì chính quyền địa phương chấm dứt hoạt động như thế nào? Do đó nên bổ sung quy định trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chính quyền địa phương của 03 xã chấm dứt hoạt động, xác định thời gian cụ thể. Khi đó, huyện đảo Lý Sơn sẽ tổ chức hoạt động theo Điều 72 Luật Tổ chức chính quyền địa phương về chính quyền địa phương ở hải đảo.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình phát biểu tại phiên họp
Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đặt vấn đề, Hội đồng nhân dân do cử tri bầu ra, khi chấm dứt hoạt động của Hội đồng nhân dân thì ai sẽ là người đại diện cho cử tri? Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất chặt chẽ và chỉ cho 1 trường hợp duy nhất giải tán Hội đồng nhân dân ở khoản 1 Điều 139. Cho rằng, việc giải thể Hội đồng nhân dân khi chưa bầu ra người đại diện thay thế là không phù hợp, đại biểu Phan Thái Bình bày tỏ thống nhất với phương án Hội đồng nhân dân hoạt động đến khi bầu cử nhiệm kỳ 2021-2026.
Do còn ý kiến khác nhau về việc chấm dứt hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành biểu quyết về nội dung nêu trên theo hai phương án. Phương án một: tán thành với đề nghị của Chính phủ quy định thời điểm thực hiện giải thể 03 xã của huyện đảo Lý Sơn từ ngày 01/02/2020 (ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực). Phương án hai: đề nghị quy định theo hướng Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi có hiệu lực từ ngày 01/02/2020; riêng đối với trường hợp giải thể 03 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình thuộc huyện đảo Lý Sơn thì thực hiện từ ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để chính quyền địa phương ở 03 xã này vẫn hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Kết quả có đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án một; một số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án hai. Do đó, trong kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật sẽ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án.
Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi tại phiên họp thứ 41 tới./.