Báo Cứu quốc số 400 ra ngày 09/11/1946 đăng bài về việc thông qua Bản Hiến pháp 1946.
Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa thực sự trong sạch, vững mạnh của dân, do dân và vì dân. "Ôn cố tri tân", nhìn lại để mà đổi mới. Để quá công cuộc đổi mới thắng lợi, muốn xây dựng được nhà nước Pháp quyền vững mạnh chúng ta nên trở về nguồn, tìm lại những tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hệ thống luật pháp của pháp quyền cộng hòa dân chủ.
Ông Tạ Quang Chiến là người duy nhất còn sống trong 8 cán bộ được Bác Hồ đặt tên trong câu rất quen thuộc: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Nói về cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên trong lịch sử, ông nhắc chúng tôi nhiều lần rằng khi đánh giá về kỳ Tổng tuyển cử, phải tìm hiểu và đánh giá theo chiều sâu và đánh giá đúng được giá trị của ngày đặc biệt này đối với dân tộc Việt Nam. "Bác Hồ khai sáng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lý luận và thực tiễn nhà nước Pháp quyền ở Việt Nam, ngày Tổng tuyển cử là rất quan trọng và cần phải thấy được bề sâu của nó, phải nhìn trước, nhìn sau. Bác Hồ của chúng ta là kiến trúc sư, là người thi công xây dựng Nhà nước Pháp quyền Việt Nam. Nói về nhà nước Pháp quyền ở Việt nam là một đề tài mang tầm Quốc tế".
Ngày 02/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ lâm thời long trọng tuyên bố với thế giới Việt Nam trở thành một nước Độc lập và Tự do. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ ra đời nhưng chưa được thế giới công nhận. Trái lại khi đó các thế lực đế quốc và tay sai ráo riết chống lại Việt Minh và Đảng Cộng sản, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc đó. Chỉ 1 ngày sau khi Đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và phải có 1 bản Hiến pháp dân chủ. Ngày 20/9, Người ký sắc lệnh thành lập ngay Ủy ban Dự thảo Hiến Pháp do Người tự thân phụ trách. Và một điều ít khi được nhắc đến đó là trước khi có Hiến Pháp, ngày 10-10-1945 Người đã ký sắc lệnh số 47 giữ lại các luật lệ cũ chỉ trừ những điều luật trái với nền Độc lập tự do. Và sau đó Bác ký một loạt sắc lệnh cấp bách thay đổi một số nội dung cho phù hợp với chế độ mới: Sắc lệnh đảm bảo tự do cá nhân, sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, tịch thu tài sản của Thực dân và Việt gian, Sắc lệnh Tổ chức tòa án v.v.
Ông Tạ Quang Chiến cũng cho biết. "Bác Hồ đã có một tầm nhìn chiến lược và Người đưa ra lộ trình để xây dựng chính quyền ấy. Lộ trình ấy theo quy trình của luật pháp Quốc tế. Chính quyền đó là chính quyền của ai? Đó là chính quyền dân chủ cộng hòa, chính quyền của nhân dân. Sau khi có chính quyền rồi chính quyền phải chính thức trước quốc dân đồng bào, phải bầu cử để cử tri bầu ra chính quyền. Bác xác định Nhà nước là của nhân dân, quyền lực của nhân dân".
Qủa thật, trước đó, từ năm 1919 trong “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” 8 điểm của Hội Những người Việt Nam tại Pháp do Nguyễn Ái Quốc ký tên, gửi hội nghị Versailles đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam thì có 4 điều liên quan đến vấn đề pháp quyền. Có một Người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực ngay giữa vòng vây của kẻ thù. Sau này Người chuyển bản yêu sách này thành “Việt Nam yêu cầu ca” để tuyên truyền ở Việt Nam. Bản này có đoạn viết “Bảy xin Hiến Pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Như vậy, không phải đợi đến Tổng khởi nghĩa Người mới bắt đầu xây dựng đất nước theo định hướng Nhà nước Pháp quyền mà như ông Vũ Đình Hòe đã nói trong cuốn Pháp quyền nhân nghĩa rằng “suốt quá trình vận động cách mạng, dân tộc dân chủ, để thúc đẩy cuộc vận động ấy, Người đã xúc vôi vữa, gắn từng viên gạch để xây dựng cho tòa nhà Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Nhà nước ấy là nhà nước của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân, người dân được làm chủ và mọi quyền lực thuộc về nhân dân.
Đánh giá về mô hình nhà nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng quá trình thành lập nhà nước Việt Nam đầu tiên sau khi chúng ta chấm dứt chế độ thuộc địa phong kiến là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt sự lựa chọn ấy vào hình thái tiên tiến nhất của lịch sử. Đây là cả một quá trình tích lũy, trong con đường đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã tiếp cận với rất nhiều không gian, các quốc gia, tiếp cận với rất nhiều mô hình chính trị rất tiên tiến. Đưa vào 1 mô hình rất mới trên nền tảng 1 xã hội chúng ta mới thoát thai ra khỏi chế độ thuộc địa phong kiến 90% dân số còn mù chữ thì phải nói đấy là một nghệ thuật chính trị rất cao.
Cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu chính là cơ sở pháp lý đầu tiên để Chính quyền ấy thực sự là của nhân dân, do nhân dân tự mình quyết định vận mệnh của dân tộc. Và Người đã cân nhắc giá trị của thời gian, của mỗi ngày mỗi giờ trong thời điểm đại chuyển biến lúc đó.
Sắc lệnh 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội được ban hành ngày 08/9/1945 ghi rõ yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử và “tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử trừ những người đã bị tước mất quyền công dân và người trí óc không bình thường”. Trên Báo Cứu quốc, Báo Quốc hội, Sự thật …đều dành nhiều trang để nói về Tổng tuyển cử và lời kêu gọi đồng bào đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với các cụ già yếu, bệnh tật không đi bỏ phiếu được, Bác yêu cầu cán bộ tổ chức phải đưa thùng phiếu đến tận nhà của cử tri. Người cho rằng “hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu”.
Về thành phần ứng cử, lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh đăng trong báo Cứu Quốc ngày 30/11/1945 đề nghị các Đảng phái tham gia ứng cử. Đối với Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách), Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết đấu tranh chống mọi sự phá hoại của họ nhưng cũng cố gắng nhân nhượng, hòa giải nhằm tạo không khí ổn định cho ngày Tổng tuyển cử. Ngày 06/12/1945, trên báo Việt Nam cũng đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh đứng đầu Việt Cách và Việt Quốc đề nghị tham gia cuộc Tổng tuyển cử và đề nghị Đảng viên của 2 đảng này ứng cử vào Quốc hội.
Nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn cho rằng "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức đầy đủ nghĩa vụ của công dân ví như quê nhà có gọi báo là mời cụ về ứng cử, đại biểu ngoại thành Hà Nội đề nghị là cụ Hồ không phải ứng cử mà nghiễm nhiên trở thành Đại biểu Quốc hội, cụ vẫn ra ứng cử bình thường, cụ vẫn ra tranh cử tại ra khu vực Việt Nam Học xá nay là Đại học Bách Khoa Hà Nội để tiếp xúc cử tri. Ngày hôm sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu hơn 98% số phiếu… Qua đó ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn như một cử tri, một Đại biểu Quốc hội nào khác mà không có đặc cách nào"
Còn Phó Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn cho rằng một trong những điển hình tiêu biểu là ngay từ quốc hội khoá đầu tiên này đã khẳng định quyền bầu cử và ứng cử của đại biểu nữ.
Ở nhiều nước trên thế giới, phụ nữ đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh lâu dài để dành được quyền bầu cử. Tại Mỹ, cách mạng Mỹ thành công và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa kỳ tuyên bố độc lập từ năm 1776. Nhưng quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ được đưa ra lần đầu từ năm 1848, tuy nhiên đến năm 1920 khi bổ sung sửa đổi Hiến pháp lần thứ 19 của Mỹ, phụ nữ mới được trao quyền bầu cử. Ở một nước dân chủ như Mỹ mà phụ nữ cũng phải mất 72 năm đấu tranh mới có quyền đi bầu cử và phải mất 144 năm sau kể từ ngày tuyên bố Độc lập, phụ nữ mới được hưởng quyền này.
Tương tự ở Anh, quyền bầu cử của phụ nữ bắt đầu có từ năm 1928, Italia là năm 1945. Nước Pháp, lúc đó đang là nước xâm chiếm Việt Nam thì phải mất 150 năm sau kể từ cách mạng Tư sản pháp, đến năm 1946 phụ nữ mới được hưởng quyền bầu cử và thậm chí Thụy sỹ phải mãi đến năm 1971 phụ nữ mới được hưởng quyền này. Cho đến hiện nay, nhân loại đã bước sang thế kỷ 21, nhưng vẫn còn có một số nước ngăn cấm hoặc hạn chế quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ là: Bhutan, Lebanon, Brunei, Saudi Arabia, United Arab Emirates,Vatican City.
Với những dẫn chứng đó cho thấy nguyên tắc bầu cử bình đẳng không phân biệt nam nữ càng có ý nghĩa và giá trị tiến bộ, nhân văn sâu sắc. Đặc biệt đối với nước ta, trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến với lễ giáo hà khắc trói buộc phụ nữ. Người phụ nữ vốn không có địa vị gì cả trong xã hội và gia đình, nay được hưởng quyền bầu cử, ứng cử như nam giới. Điều này đã nâng địa vị người phụ nữ lên ngang hàng với nam giới và sánh vai cùng phụ nữ các nước có nền bầu cử pháp lý dân chủ, văn minh, tiến bộ dương thời. Đối với nhân dân Việt Nam thời kỳ này, quan niệm bình đẳng giữa nam và nữ cũng còn là vấn đề mới mẻ. Để tuyên truyền về việc này cho dân chúng, trên các tờ báo như Quốc hội, Cứu Quốc, Độc lập,... Hồ Chí Minh có nhiều bài báo, bài nói chuyện, bài phỏng vấn về vấn đề phụ nữ, về quyền của phụ nữ. Tư tưởng bình quyền giữa nam và nữ thể hiện trong cuộc Tổng tuyển cử chính chính là nền tảng quan trọng để xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Cuộc Tổng tuyển cử hoàn toàn thắng lợi. Người dân Việt nam từ thân nô lệ đã thành công dân của một nước độc lập tự do tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự mình lựa chọn xây dựng chế độ Cộng hòa Dân chủ. Bằng cuộc Tổng tuyển cử, tất cả mọi công dân Việt Nam đều có quyền dân chủ bình đẳng tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội. Người đại biểu nữ duy nhất của Quốc hội Khóa I còn lại đến hôm nay là bà Ngô Thị Huệ. Không chỉ là người chiến sỹ cách mạng, bà còn là người bạn đời sắt son của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Năm 1946, bà là một trong ba nữ đại biểu Quôc hội đại diện miền Nam việt Nam trong số 10 đại biểu nữ của Quốc hội Khóa I. Ở miền Nam lúc đó cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn của kẻ thù. Nhiều nơi nhân dân phải đánh đổi xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình. Tham gia lãnh đạo chính quyền ở một tỉnh gần cuối tổ quốc là Bạc Liêu, lúc trúng cử Quốc hội, Bà chỉ mong sớm được ra Hà Nội để báo cáo với Bác Hồ tình hình của đồng bào miền Nam. Những hình ảnh, tư tưởng của Bác Hồ thể hiện cuộc Tổng tuyển cử vẫn còn in đậm trong ký ức của bà và những người đại biểu Quốc hội lúc đó.
Quyết định Tổng tuyển cử của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quyết định vô cùng dũng cảm, táo bạo, kịp thời và nhạy bén. Vì thế nhân dân đã ủng hộ hăng hái tham gia, thậm chí hy sinh cho cuộc tổng tuyển cử, và sáng suốt trong lựa chọn những người đại diện cho mình. Đảng và Bác Hồ đã tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân và đã biết khơi nguồn và nhân lên gấp bội để tạo nên một thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tuyển cử.
Tổng tuyển cử thắng lợi, bước tiếp theo là phải tổ chức họp Quốc hội để bầu ra Chính phủ chính thức, thể hiện sự tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân và đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Trong tình hình chính trị phức tạp lúc đó. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử có yếu tố mang tính quyết định là chính sách Đại đoàn kết dân tộc của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính sách đó thể hiện rõ trong cuộc Tổng tuyển cử và cuộc họp Quốc hội đầu tiên vào ngày 02/3/1946. Biên bản cuộc họp được đăng toàn bộ trong tờ Việt Nam Quốc dân Công báo số 15, thứ 7 ngày 13/4/1946.
Trong ký ức của các đại biểu Quốc hội khoá I mà chúng tôi từng phỏng vấn như ông Nguyễn Văn Trân, hay Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng như phân tích của các nhà nghiên cứu đều cho rằng việc Quốc hội quyết định bổ sung 70 đại biểu cho 2 Đảng phái là Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam độc lập Đồng minh hội (Việt Cách) mà không qua bầu cử là một quyết định khéo léo và linh hoạt, chưa từng có trong lịch sử nhưng lại mang những hiệu quả to lớn, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích "Trong lời thuyết phục các đại biểu đã qua bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói vì vận mệnh đất nước cần đại đoàn kết hơn nữa đây là lần đầu tiên chúng ta làm cho nên có thể có nhiều nhận thức khác nhau cho nên hãy để cho thực tế kiểm nghiệm và lịch sử chứng minh rất đúng, trải qua tất cả những thử thách đấy, có những kẻ đã bỏ cuộc nhưng cũng có những người ở lại cống hiến cho sự nghiệp chung"
Phó Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn lý giải về việc làm này và cho rằng đây là cách làm hợp lý và hợp pháp: "Họ không bầu làm sao là đại biểu Quốc hội ngồi dự họp được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời những người đại biểu được dân bầu vào trước, và trình bày có những anh em ở ngoài về không kịp ứng cử và đề nghị Quốc hội xem xét. Vì lợi ích dân tộc, vì đại đoàn kết nên Quốc hội thống nhất tán thành chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã tính toán trước, cùng bàn bạc thống nhất với các chuyên gia ngành Luật như Luật sư Phan Anh, cụ Vũ Đình Hòe - Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp để tính toán về phương pháp hợp lý. Bác làm thế không có cách nào hơn, mà rất hợp pháp, Chính đó là sự nhân nhượng hợp pháp. Sau đó mời 70 đại biểu ấy vào. Thật tuyệt vời, sáng tạo, có lẽ Việt Nam là nước duy nhất làm như thế.
Trong danh sách đại biểu Quốc hội Khóa 1, các đảng phái đều có đại biểu và đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào thiểu số cũng đều có đại biểu. Riêng Bác Hồ lúc ứng cử được hỏi là ở Đảng nào, Bác trả lời là Đảng Việt Nam. Vì vậy các đại biểu trong Quốc hội không phải là đại diện cho một đảng phái nào mà đại diện cho toàn thể quốc dân Việt Nam.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Quỳ, nguyên là Ủy viên Thường trực Mặt trận Thanh niên Hà Nội cũng cho rằng Bác Hồ có chủ trương rõ ràng là Quốc hội phải thực hiện chính sách đại đoàn kết và rõ ràng nhìn vào thành phần Quốc hội lúc đó đều thấy rõ điều này. Có cả khâm sai đại thần Phan Kế Toại, hay cựu Hoàng Bảo Đại, Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, đều là Đại biểu Quốc hội hoặc thành viên quan trọng trong Chính phủ mới. Trong khi Pháp dùng chính sách chia để trị thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Nhà lão thành Cách mạng Tạ Quang Chiến cũng phấn khởi nhớ lại không khí lúc đó "Cả nước hòa hợp dân tộc, thành phần Đại biểu Quốc hội dân bầu lúc bấy giờ có nhiều người tôn giáo khác nhau, có linh mục Phạm Bá Trực. Đoàn kết dân tộc, dân tộc thiểu số, đa số các vùng miền khác nhau...Bác mời các tri thức yêu nước vào ứng cử đại biểu Quốc hội để có đóng góp và có cả việt kiều ở nước ngoài ví dụ như ông Nguyễn Mạnh Hà Quốc tịch Pháp nhưng gốc Việt, mời về làm bộ trưởng bộ Kinh tế đầu tiên, mời cả Cựu hoàng Bảo Đại, Ông Phan Kế toại v.v . Đó là biểu hiện đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp dân tộc"
Đồng tình với những nhận định này, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người tạo ra sự kế thừa tính liên tục của lịch sử, chính thế hệ vàng đó đã tạo ra rất nhiều thành quả trong đó có hoạt động Quốc hội những năm về sau.
Báo Sự thật số ra ngày 3-3-1946 có đăng: “Chúng ta có cuộc Hội nghị Diên Hồng họp cấp tốc đời nhà Trần. Sau hội nghị ấy. 50 vạn quân Mông Cổ xâm lăng đã bị đánh bại ra ngoài bờ cõi. Ngày nay, Quốc hội cũng họp cấp tốc và ngót 300 đại biểu từ các tỉnh xa xôi về Thủ đô đã thay mặt cho toàn dân quyết một lòng chiến đấu. Và họ đã chia tay nhau đem về địa phương lòng quyết chiến của toàn dân, lòng tin tưởng ở vị lãnh tụ tối cao và ở tương lai độc lập tự do của giống nòi. Chính phủ, Quốc hội, Nhân dân trên dưới một lòng quyết chiến và quyết thắng”. Thành lập chính phủ kháng chiến là 1 bước để hoàn thiện và cũng cố bộ máy nhà nước ở trung ương, bảo đảm cho Chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện đối nội đối ngoại. Cuộc họp ngắn ngủi chưa đầy 5 giờ đồng hồ đấy đã mang một ý nghĩa rất quan trọng. Đó là thắng lợi của sự đoàn kết dân tộc, của sự nhân nhượng và thỏa hiệp khéo léo, linh hoạt của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Qua 8 tháng hoạt động kể từ kỳ họp Quốc hội thứ nhất, Quốc hội cùng với Chính phủ đã nỗ lực xây dựng được khối đoàn kết dân tộc, nạn đói đã bị đẩy lùi, nạn mù chữ giảm nhiều, nhiều địa phương được giải phóng, chính quyền cách mạng được giữ vững. Cách mạng Việt Nam đứng vững và tiếp tục đứng lên. Trong bối cảnh đó Thường trực Quốc hội đã triệu tập Quốc hội họp kỳ họp thứ hai từ ngày 28/10 đến 09/11/1946.
Chia sẻ về kỳ họp này, cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đại biểu Quốc hội khoá I, VI, VII, VIII cho biết đã có những cuộc thảo luận và tranh luận rất gay gắt, quyết liệt và rất dân chủ giữa các đảng phái trong Quốc hội.
Nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn đặc biệt lưu ý đến việc tranh luận về điều 9 của Hiến pháp năm 1946. "Khi Quốc hội thông qua Hiến Pháp ở điều 9, đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện, trong các tư liệu mà tôi đọc được thì nhiều đại biểu quan tâm có nữ nghị sỹ Trương Thị Mỹ, Lê Thị Xuyến, Nguyễn Thị Thục Viên, Lê Văn Hòe, Khuất Duy Tiến, Lê Huy Vân…. Thì ông Lê Văn Hòe thì cho rằng không thể ngang quyền trong mọi phương diện được, còn đại biểu Lê Huy Vân của tỉnh Phúc Yên thì yêu cầu bỏ chữ mọi phương diện đi. Đại biểu Trương Thị Mỹ cũng như Nguyễn Thị Thục Viên thì cho rằng như thế là đi ngược lại bánh xe lịch sử và từ ngược lại bánh xe lịch sử đó là của ĐB Trương Thị Mỹ…Qua thảo luận thì điều 9 vẫn được giữ nguyên tức là “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.
Lý giải về sự tiến bộ của bản Hiến pháp năm 1946, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng vì "bản Hiến Pháp là sự tổng hợp ý kiến của rất nhiều trí thức cả chế độ mới và chế độ cũ vì Bác Hồ tin rằng chúng ta đã làm cuộc cách mạng dân tộc nhưng cũng là cuộc cách mạng để dẫn dắt dân tộc chúng ta đi trên con đường văn minh kế thừa những thành tựu của nhân loại. Ngay trong bản tuyên ngôn độc lập, Bác nhắc đến 2 bản tuyên ngôn của Pháp và của Mỹ chính là Bác muốn nói, Việt Nam sẽ tiếp nối con đường phát triển tiến bộ của nhân loại bằng chính thành tựu, bằng chính sự nghiệp của mình và quả thực chúng ta biết, cách mạng VN có đóng góp rất to lớn đối với lịch sử nhân loại, đó là sự khẳng định vị trí của các nước nhỏ, nước nhược tiểu, nước thuộc địa trong sự nghiệp hướng tới mục tiêu bình đẳng".
Sau nhiều buổi thảo luận sôi nổi để bổ sung hoàn thiện, ngày 09/11/1946 Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 1946. Giá trị lịch sử của nó có lẽ không ai phủ nhận. Đây là bản Hiến pháp dân chủ, khẳng định quyền độc lập thống nhất lãnh thổ, thể hiện quyết tâm bảo vệ đất nước, xây dựng chế độ dân chủ tự do của mọi công dân không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Báo Cứu Quốc số 401 ngày 10/11/1946 có đăng lời phát biểu bế mạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Sau khi nước nhà mới được tự do 14 tháng, đã làm thành được bản Hiến pháp đầu tiên của lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là 1 vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông. ..Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam được đứng chung ngang hàng với đàn ông để được hưởng mọi quyền tự do của 1 công dân, Hiến pháp đó đã nêu 1 tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bằng của các giai cấp”.
Như vậy với sự ra đời của Bản Hiến pháp, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình là đảm bảo cơ sở Pháp lý cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đứng vững trên trường Quốc tế để tham gia kháng chiến và kiến quốc. Đưa đất nước sang 1 trang mới. Như vậy với cuộc Tổng tuyển cử Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, Quốc hội bầu Chính phủ kháng chiến trong kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất ngày 02/3/1946 và Thông qua Hiến pháp tại cuộc họp thứ 2 của Quốc hội từ 28/10 đến 09/11/1946. Năm 1946 đã đánh dấu những bước đi quan trọng, bước đầu đặt nền móng cho Nhà nước Pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Hoạt động của Quốc hội năm 1946 có nhiều dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước Pháp quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhà lão thành cách mạng Tạ Quang Chiến cho rằng "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai phá về lý luận nhà nước Pháp quyền và trên thực tế đã thực hiện từ trung ương đến địa phương, cho nên tổng tuyển cử không phải chỉ là tổng tuyển cử đầu tiên mà phải nhìn xuyên suốt việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Ta tiếp thu của Quốc tế và vận dụng vào Việt Nam như thế nào. Nhân các dịp kỷ niệm ngày Tổng Tuyển cử nhớ lại những lời dạy của Bác, nhớ lại quá trình hình thành nhà nước của chúng ta trong kháng chiến để phát triển nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải nhìn vào tư tưởng để mà soi rọi và gắn với vấn đề nghiên cứu đề tài nhà nước pháp quyền.
Quốc hội Việt Nam đã đi qua gần 74 năm và đang ngày càng đổi mới, đáp ứng ngày càng cao nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Và có lẽ như lời của Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, muốn đổi mới thì phải dứt khoát trở về nguồn, gốc có bền thì cây mới đứng được và tươi tốt lên. Và chúng ta cũng không được quên người đã lo vun gốc, người đã xúc vôi vữa, gắn từng viên gạch để xây dựng cho tòa nhà Việt Nam dân chủ Cộng hòa, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam trên cơ sở dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Những bài báo, những tài liệu, những nhân chứng, những nhà nghiên cứu lịch sử. Càng đọc, càng gặp gỡ, càng trao đổi chúng tôi nhận ra rằng: Chúng tôi dù có cố gắng cũng không thể chuyển tải được đến khán giả đủ được những giá trị lịch sử về tư tưởng nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong khoảng thời gian hoạt động Quốc hội năm 1946. Và có một điểm đặc biệt là thời gian càng lùi xa, những giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại càng sâu sắc, là những vấn đề mà những thế hệ sau cần phải tiếp tục nghiên cứu và học tập.