Bạo lực trong gia đình còn ở mức cao
Đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vai trò của giáo dục gia đình trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, con số thống kê cho thấy tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt bạo lực trong gia đình vẫn ở mức cao. Theo số liệu điều tra của Tổng cục thống kê năm 2014 cho thấy có 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất 1 hình phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình trong vòng 1 tháng trước điều tra.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu tại hội thảo
Về xâm hại tình dục trẻ em, số liệu cho thấy trong 02 năm 2017 -2018 và 06 tháng đầu 2019 toàn quốc có gần 5000 trẻ em bị xâm hại, trong đó số trẻ bị xâm hại tình dục chiếm trên 80%. Thủ phạm vẫn đa số là người thân, quen, hàng xóm, các vụ do chính người ruột thịt gây ra không nhiều nhưng thực sự đáng báo động cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội, về ảnh hưởng của phim, ảnh đồi trụy, chất gây nghiện...nạn nhân bị xâm hại tình dục phần lớn là trẻ em gái, gần đây xuất hiện xâm hại tình dục trẻ em trai.
Tại hội thảo các đại biểu đặt câu hỏi tại sao ở những nơi được cho là an toàn nhất, là pháo đài phòng, chống xâm hại trẻ em mà trẻ em vẫn không có cuộc sống an toàn?
Công tác tuyên truyền chưa chú trọng chiều sâu
Tình hình xâm hại trẻ em được các tỉnh mà Đoàn đến giám sát đều nhận định là xu hướng tăng, diễn biến phức tạp nhưng dường như công tác tuyên truyền lại chưa đáp ứng. Số người được tuyên truyền còn rất ít. Phú Thọ trong 4 năm tổ chức 48 Hội nghị truyền thông cho 10.000 lượt, hơn 6000 lượt trẻ em, số học sinh phổ thông hơn 250.000; Tây Ninh 2000 trẻ em/hơn 200 000 học sinh...). Tần suất tuyên truyền đều là chưa thường xuyên, thường vào các dịp tháng hành động, 1/6... Tài liệu tuyên truyền khá đa dạng nhưng số lượng hạn chế. Hình thức tuyên truyền vẫn theo truyền thông, ít có hình thức ứng dụng công nghệ, chưa có những hình thức riêng cho nhóm đối tượng đặc thù (trẻ em gái), ít được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đoàn viên, hội viên, họp tổ dân phố. Nội dung tuyên truyền rất phong phú nhưng ít tập trung vào một số nội dung phản ánh tình hình đặc thù về các vụ việc xâm hại của địa phương.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa bày tỏ lo ngại, nếu công tác tuyên truyền vẫn tiếp tục thực hiện theo chiều rộng, chưa chú trọng đến chiều sâu thì các bậc cha mẹ dù có ý thức tốt về vai trò của mình cũng khó để có đủ kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn con, bảo vệ con bị xâm hại.
Nhận thức của trẻ em về xâm hại còn hạn chế
Trao đổi về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, trên phạm vi cả nước đã có rất nhiều cuộc tuyên truyền về phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình được triển khai với nhiều hình thức và nội dung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình chưa phát huy hiệu quả, nhất là đối với đối tượng trực tiếp cần được bảo vệ ở đây là trẻ em.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho rằng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em hiện chưa hiệu quả
Đại biểu nêu rõ, khi làm việc với các địa phương, tại các trường học để nói chuyện với học sinh, nhằm tìm hiểu xem các em nhận thức thế nào về xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, khi các thành viên Đoàn giám sát đặt câu hỏi với các em như: Các em hiểu thế nào về xâm hại trẻ em, các hình thức xâm hại trẻ em là như thế nào thì đa phần các em mới chỉ nói được là xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục trẻ em, trong khi Luật Trẻ em quy định tới 6 hình thức xâm hại trẻ em. Điều này cho thấy tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức kĩ năng cho trẻ em là chưa đạt yêu cầu.
Khi thành viên Đoàn giám sát đặt câu hỏi, để phòng, chống xâm hại trẻ em thì các con phải làm gì thì hầu hết câu trả lời của các em là cần tránh xa người lạ, đề phòng với người lạ. Trong khi thực tế cho thấy, 75 - 80% trường hợp trẻ em bị xâm hại là xâm hại tình dục, trong số đó, phần lớn do chính người thân, người quen. Có những địa phương tỷ lệ người thân, người quen xâm hại tình dục các em lên đến 90%.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng công tác tuyên truyền chưa sát với tình hình thực tiễn, chưa hiệu quả và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ em.
Có cùng nhận định, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ cho rằng, hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tương đối đầy đủ và tiến bộ nhưng công tác tuyên truyền để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống còn hạn chế.
Cần nhận thức đúng và đầy đủ tình hình
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Luật Trẻ em quy định về 06 hành vi xâm hại trẻ em gồm xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Cả 6 hình thức xâm hại này đều có thể tồn tại trong gia đình. Vấn đề nổi lên nhất hiện nay là bạo lực gia đình. Số liệu cho thấy, trên 60% số vụ việc là bạo lực gia đình cho thấy vấn đề ở đây là quan điểm và phương thức của các gia đình trong việc giáo dục con cái, ranh giới rất nhạy cảm giữa giáo dục và bạo lực gia đình. Vấn đề thứ hai nổi lên là xâm hại tình dục trẻ em ngay trong gia đình. Vấn đề này dứt khoát không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ vấn đề này xuất hiện nhiều hay ít, là vấn đề phổ biến hay là hiện tượng xã hội không phổ biến nhưng khi xảy ra thì có mức độ rất nghiêm trọng để có cách giải quyết phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng cần phải nhận thức đúng và đầy đủ hơn về bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình hiện nay tồn tại một số hạn chế. Thứ nhất là do giáo dục, nhận thức về phòng, chống bạo lực, xâm hại còn chung chung. Thứ hai, trẻ em không có khả năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Thứ ba, quan niệm của gia đình trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Trước tình hình đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng cần phải nhìn nhận một cách toàn diện các vấn đề. Trong công tác giáo dục, nhà trường phải tạo ra được môi trường sống bình thường cho các em thì khi về nhà có sự khác biệt các em sẽ nhận ra. Về gia đình có yếu tố đạo đức, văn hóa, trình độ học vấn, tác động của các yếu tố kích thích, các gia đình suy giảm chức năng, nhận thức gia đình nặng về danh dự…Về quản lý nhà nước là việc triển khai thi hành hệ thống văn bản như thế nào, giám sát triển khai thi hành, vấn đề vệ sinh tâm thần, chính sách xã hội. Bên cạnh sự yếu kém của chính quyền cơ sở thì vai trò của các đoàn thể, đoàn thanh niên cũng cần được xem xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, trước hết phải có nhận thức đúng và đầy đủ hơn về bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận, đánh giá lại vai trò của gia đình là tế bào của xã hội để có kế hoạch, chiến lược, xây dựng gia đình trong bối cảnh cách mạng công nghiệp, hội nhập quốc tế, công nghệ thông tin. Vấn đề đạo đức, văn hóa, nhận thức là nền tảng. Đồng thời, cần có số liệu chính xác để nhìn nhận cho đúng, loại xâm hại nào nhiều nhất trong gia đình, ở nông thôn, ở đô thị. Về quản lý nhà nước có vấn đề trong triển khai luật, công tác phối hợp của các cơ quan, kiến nghị xử lý nghiêm, có tính răn đe./.