MUA BÁN NGƯỜI LÀ LOẠI TỘI PHẠM CÓ ĐỘ ẨN CAO

23/08/2018

Sáng 23/8, trong khuôn khổ Phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, đại diện một số bộ ngành cho biết, tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, việc thực hiện các hoạt động tố tụng gặp nhiều trở ngại.

Mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao

Phát biểu tại Phiên giải trình, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, tồn tại nhiều dưới dạng nguy cơ và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; trên các lĩnh vực như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, đẻ thuê, hiến tạng, xuất khẩu lao động. Trên thực tế, tội phạm mua bán người đã có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứu ban.

Thứ trưởng Bộ Công an trình bày một số vấn đề

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, đối tượng phạm tội chủ yếu là lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự  về tội mua bán người; người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dướt dạng thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, câu kết và cò mồi môi giới người Việt Nam, dẫn dắt thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia hoặc một số người tự bán mình hoặc từng là nạn nhân, lấy chông fnuwowcs ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình. Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán. Tuy nhiên khác với trước đây, khâu tiếp cận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay xu hướng ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Việc đánh giá chứng cứ, xét xử loại hình tội phạm này còn những vướng mắc nhất định

Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, qua công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án mua bán người cho thấy hầu hết bị hại trong các vụ án thường là những người ở vùng sâu, vùng xa, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, hoàn cảnh khó khăn nên việc cơ quan pháp luật triệu tập đến để ghi lời khai và tham gia các hoạt động tố tụng khác nhằm mở rộng điều tra vụ án gặp nhiều trở ngại; nhiều vụ án khi đưa ra xét xử các bị hại vắng mặt nên phải hoãn phiên tòa. Bên cạnh đó, việc xác định địa chỉ và độ tuổi của một số trẻ em bị mua bán để làm căn cứ xử lý vụ án cũng rất phức tạp vì một số bị hại không rõ nơi cư trú; các đối tượng mua bán người, trẻ em thường cấu kết với người nước ngoài do đó không có điều kiện để điều tra, xác minh xử lý triệt để.

Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng chỉ ra rằng, quá trình triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự 2015, ngoài những thuận lợi, trong một số điều luật về tội phạm mua bán người đã có sự thay đổi về nội dung so với trước đây, do đó trong một số vụ án cụ thể, việc đánh giá chứng cứ còn gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu ý kiến

Đánh giá việc xét xử tội phạm mua bán người tại các Tòa án, đại diện Tòa án nhân dân tối cao tại phiên giải trình cho biết, từ năm 2012 đến năm 2017 các vụ án về tội phạm mua bán người đều được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định; tỷ lệ xét xử hàng năm đều đạt trên 90%. Bên cạnh đó, việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung về cơ bản có căn cứ, đúng pháp luật; các Tòa án nhân dân địa phương đã tổ chức hơn 200 phiên tòa xét xử lưu động tại những địa bàn trọng điểm, các địa phương giáp với vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Theo quan điểm của Toà án nhân dân tối cao, nhìn chung, việc giải quyết, xét xử các vụ án về tội phạm mua bán người trong thời gian quan đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hình phạt áp dụng nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Các hội đồng xét xử đều cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng khi xem xét cho bị cáo hưởng án treo và các hình phạt không phải là hình phạt tù. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết, việc xét xử loại hình tội phạm này cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định, cụ thể: một số tội có tình tiết định tội tương tự với tội “mua bán người” hoặc sử dụng tình tiết định khung hình phạt của tội “mua bán người” là tình tiết định tội riêng biệt nên gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong xác định tội danh. Hơn nữa tình tiết “thủ đoạn khác” của tội mua bán người quy định tại Điều 150 Bộ Luật hình sự 2015 còn có nhiều cách hiểu khác nhau nên cũng dẫn đến việc xác định tội danh chưa thống nhất.

Trên cơ sở những tồn tại trên, các ý kiến thảo luận tại phiên giải trình đề nghị Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người; Thông tư quy định chi tiết các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán người và thân thích của họ. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán người theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng, ký kết các văn bản, hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án về tội phạm mua bán người với các quốc gia, tao hành lang phát lý thuận lợi cho việc thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người và các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự.

Hồ Hương