VAI TRÒ CỦA QUỐC HỘI TRONG HOẠT ĐÔNG ĐỐI NGOẠI NHÀ NƯỚC

23/08/2018

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp cùng Viện KAS của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Vai trò của Quốc hội trong hoạt động đối ngoại nhà nước" trong 2 ngày 23 và 24/8 tại Vĩnh Phúc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, đại diện Uỷ ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ban Công tác đại biểu, trưởng đoàn và phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội một số tỉnh miền Bắc và Bắc trung bộ, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.

 

Toàn cảnh buổi làm việc 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, Quốc hội Việt Nam thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo khoản 14, Điều 70 Hiến pháp 2013, “Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội”. Tại Điều 7 Luật Tổ chức Quốc hội quy định “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước”.

Trong thời gian qua, công tác đối ngoại của Nhà nước Việt Nam đã góp phần giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, đưa các mối quan hệ đối ngoại quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Trong kết quả chung đó, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ tích cực cho ngoại giao Nhà nước và bổ sung cho ngoại giao nhân dân góp phần quan trọng vào việc thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc Đổi mới toàn diện và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Hội thảo 

Quan hệ đối ngoại của Quốc hội vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân nên rất thuận lợi trong việc mở đường, khai thông, thúc đẩy và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia khác, đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định và lâu dài. Cho đến nay, Quốc hội Việt Nam đã có quan hệ với 140 nghị viện các nước và là thành viên của nhiều tổ chức hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới.

Công tác đối ngoại đa phương của Quốc hội ngày càng rộng mở, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tham gia tích cực vào nhiều các cơ chế nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA); Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP)… qua đó có nhiều đóng góp thiết thực, chủ động đề xuất các sáng kiến, đưa ra những khuyến nghị, thể hiện vai trò là một thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế."

Nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội trong hoạt động đối ngoại nhà nước, việc tăng cường nhận thức về ý nghĩa của hoạt động đối ngoại của Quốc hội, sự cần thiết mở rộng quan hệ đối ngoại Quốc hội, đưa hoạt động này trở thành những hoạt động mang tính chiến lược vừa hiệu quả thiết thực góp phần quan trọng vào những kết quả hoạt động đối ngoại chung của Đảng và nhà nước, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị tăng cường chức năng lập pháp, giám sát của quốc hội; triển khai hiệu quả và thực chất các hoạt động đối ngoại của Quốc hội; Nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội. Trong đó, tăng cường sự tham gia của Quốc hội trong các giai đoạn đàm phán, ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế; phát huy hơn nữa các hoạt động thẩm tra, giám sát của Quốc hội nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của việc đàm phán, ký kết điều ước Quốc tế theo Luật định cũng như phê chuẩn hoặc bãi bỏ các văn bản đã ký kết.

Trong ngày 23/8, hội nghị diễn ra 2 phiên hội thảo gồm: "Tổng quan về tình hình thế giới và khu vực hiện nay" và "Ngoại giao Nghị viện trong việc triển khai chính sách đối ngoại nhà nước". Tại phiên một, các chuyên gia đã tham luận về tình hình thế giới và khu vực thời gian qua, chính sách đối ngoại và sự tham gia của Nghị viện, kinh nghiệm từ EP, Bỉ, Tình hình thế giới, khu vực và đối ngoại của Hoa Kỳ. Phiên hai gồm các nội dung: Ngoại giao nghị viện, những thuận lợi và thách thức đối với Việt Nam; Ngoại giao nghị viện trong mối quan hệ với các thể chế đa phương liên chính phủ Chính phủ khu vực và thế giới; Công tác lập pháp và giám sát trong việc thực hiện các điều ước quốc tế phục vụ tiến trình hội nhập của đất nước và Vai trò của Nghị viện trong triển khai chính sách đối ngoại nhà nước tại một số quốc gia.

Ngày 24/8, Hội thảo tiếp tục Phiên thảo luận thứ 3 về Phương hướng tăng cường vai trò của Quốc hội trong hoạt động đối ngoại nhà nước./.

Song Hiền