QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN THỜI GIAN CHẤP HÀNH ÁN XÉT ĐẶC XÁ CẦN TRÁNH TRÙNG LẶP CHÍNH SÁCH

12/06/2018

Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 11/6, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm đến quy định về thời gian phải chấp hành hình phạt để được hưởng đặc xá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

Tại điểm b khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật về điều kiện đặc xá thì một trong những điều kiện để người bị kết án phạt tù có thời hạn được đặc xá là đã chấp hành án phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với hình phạt tù chung thân.

Phát biểu tại hội trường, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng tăng thời gian phải chấp hành hình phạt tù từ 1/2 thời gian thành 2/3 thời gian, đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn thì phải chấp hành được ít nhất là 16 năm. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian phải chấp hành hình phạt tù so với dự thảo luật đã trình Quốc hội.

Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn - Thanh Hóa việc quy định như trên dẫn đến cách hiểu là: Mặc dù người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành được 1/2 mức phạt tù có thời hạn và đáp ứng các điều kiện còn lại quy định tại Điều 10 Luật Đặc xá. Nhưng họ chưa chắc đã được đặc xá, vì họ còn phải phụ thuộc vào quyết định xem xét của Chủ tịch nước về thời gian chấp hành hình phạt tù của họ.

Vì vậy đại biểu đề nghị chỉ cần người bị kết án đáp ứng được các điều kiện về mức thời gian tối thiểu chấp hành án phạt tù và các điều kiện được đặc xá theo quy định tại Điều 10 Luật đặc xá sẽ đương nhiên được đề nghị đặc xá chứ không phải chờ Chủ tịch nước quyết định về thời gian đã chấp hành hình phạt tù, trừ các trường hợp bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI Điều 299, người bị kết án 10 năm tù trở lên về trong các tội quy định tại Chương XIV của bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 7 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại Điều 168, 169, 248, 251, 252 của Bộ luật Hình sự hoặc các trường hợp đặc biệt thì Ban soạn thảo cần quy định cụ thể mức thời gian tối thiểu đã chấp hành án phạt tù là điều kiện để được đề nghị đặc xá.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị quy định điều kiện thời gian chấp hánh án xét đặc xá như Luật hiện hành

Đại biểu cũng cho rằng việc quy định điều kiện về thời gian chấp hành án để được đề nghị đặc xá như dự thảo cũng tương đương với điều kiện về thời gian chấp hành án của biện pháp tha tù trước thời hạn tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quy định này đã gây sự trùng lặp giữa chính sách đặc xá và chính sách tha tù trước thời hạn, không thể hiện được tính chất đặc biệt của biện pháp khoan hồng của nhà nước do Chủ tịch nước quyết định với biện pháp khoan hồng do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện thường xuyên với mật độ 3 lần/năm. Vì vậy, việc quy định điều kiện thời gian đã chấp hành ít nhất 1/3 thời gian đối với án phạt tù có thời hạn và 14 năm đối với án phạt tù chung thân theo luật đặc xá hiện hành là hợp lý, đảm bảo được tính đồng bộ giữa Luật Đặc xá và các luật khác liên quan, như Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Khánh Hoà cũng cho rằng nên giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành là đã chấp hành được ít nhất 1/3 đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Tp.Hà Nội cho rằng dự thảo luật quy định một số trường hợp đặc biệt được quy định đặc xá có thời gian chấp hành hình phạt tù ngắn hơn so với thông thường là cần thiết, thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước áp dụng đối với một số đối tượng như thương binh, người già, người chưa thành niên, người lập công lớn v.v... Tuy nhiên, theo đại biểu cần quy định cụ thể hơn về tiêu chí thời gian chấp hành hình phạt tối thiểu đối với những trường hợp này như thế nào để tránh tùy tiện và đảm bảo sự thống nhất giữa cơ quan chức năng trong quá trình áp dụng quy định để lập hồ sơ đặc xá.

Đại biểu Phạm Đình Cúc cho rằng không cần thiết quy định cứng thời gian chấp hành án

Trong khi đó, đại biểu Phạm Đình Cúc - Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ, đặc xá đây là trường hợp đặc biệt do vậy không quy định thời gian chấp hành án. Nghĩa là chấp hành được ít hay nhiều nếu đủ điều kiện vẫn được xét chứ không cần phải quy định là 1/3 hay 1/2 thời hạn chấp hành án.

Cơ bản nhất trí với các nội dung quy định tại Điều 10 của dự thảo luật khi quy định "Phạm nhân đã chấp hành án phạt tù ít nhất 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn và sẽ xem xét đặc xá", song đại biểu Y Khút Niê (Ama Sa Ly) - Đắk Lắk cũng cho rằng quy định: "Phạm nhân đã chấp hành án phạt tù ít nhất 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân, nếu sau khi đã được giảm án xuống phạt tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm án sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù” là chưa rõ ràng về mốc thời gian để xác định việc chấp hành án của phạm nhân, trước khi được xem xét đặc xá.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn nội hàm của nội dung quy định này, tức là việc xác định thời gian chấp hành án phạt tù ít nhất 15 năm của phạm nhân bị phạt tù chung thân được tính bắt đầu từ thời điểm nào, từ khi bản án có hiệu lực phạt tù chung thân hay từ khi đã được giảm án xuống phạt tù có thời hạn.

Đại biểu Y Khút Niê kiến nghị làm rõ mốc thời gian để xác định việc chấp hành án của phạm nhân

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu góp ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý, báo cáo với Quốc hội về dự án luật này.

Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 tới./.

Bảo Yến - Nhóm ảnh