CÂN NHẮC QUY ĐỊNH BẮT BUỘC CHẤP HÀNH XONG NGHĨA VỤ DÂN SỰ ĐỐI VỚI MỌI TỘI PHẠM ĐỂ XÉT ĐẶC XÁ

12/06/2018

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) sáng 11/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về trách nhiệm nộp án phí, các khoản tiền phạt, bồi thường thiệt hại, trách nhiệm dân sự cần được xem xét cân nhắc để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng đối với các phạm nhân, người có điều kiện kinh tế cũng như người chưa có điều kiện kinh tế.

Cân nhắc điều kiện đặc xá bắt buộc chấp hành xong hình phạt bổ sung về tiền, nghĩa vụ dân sự đối với mọi tội phạm

Dự thảo Luật quy định một trong những điều kiện đặc xá là: người bị kết án phạt tù về bất kỳ tội gì đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác; trừ trường hợp được Chủ tịch nước xem xét, quyết định đối với khoản tiền phạt bổ sung, án phí; có văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng đề nghị cân nhắc điều kiện bắt buộc chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự đối với mọi tội phạm

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Hùng - Thái Nguyên cho rằng, việc dự thảo luật quy định về điều kiện đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác theo hướng là điều kiện bắt buộc đối với mọi tội phạm là chưa đúng với bản chất của đặc xá là chính sách khoan hồng có tác động lớn trong xã hội, là đặc ân của người đứng đầu nhà nước, là ý thức tự giác của người chấp hành án phạt tù nỗ lực rèn luyện, lao động và phấn đấu cải tạo tốt, sớm hòa nhập cộng đồng.

Theo đại biểu Hoàng Văn Hùng, nếu quy định như dự thảo là điều kiện bắt buộc thì chắc chỉ có những phạm nhân, gia đình có điều kiện kinh tế mới thuộc diện được đặc xá. Những phạm nhân có gia đình khó khăn về kinh tế dù có lập công, cải tạo tốt không bao giờ được xem xét đặc xá. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, cân nhắc vì ý nghĩa đặc biệt đó là ân huệ Chủ tịch nước đối với người bị kết án phạt tù. Đồng thời, đề nghị bỏ quy định “Trường hợp chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, án phí thì do Chủ tịch nước xem xét, quyết định”. Do quyết định về điều kiện được đề nghị đặc xá thuộc Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét, tổ chức xét duyệt, Chủ tịch nước chỉ có ban hành quyết định về đặc xá.

Đại biểu Dương Đình Thông (Dương Văn Thông) - Bắc Giang cũng kiến nghị nên cân nhắc điều kiện này. Bởi nếu ràng buộc trách nhiệm thi hành án dân sự đối với những người bị kết án thì coi đây là một điều kiện để xét đặc xá để giảm án thì ý nghĩa về chính sách đặc xá, đồng thời cũng làm mất đi động lực của những người bị kết án là những người nghèo mà phấn đấu cải tạo tốt. Mặt khác, nếu được đặc xá thì sẽ là cơ hội cho họ khi ra khỏi tù có điều kiện lao động để thực hiện các nghĩa vụ dân sự mà bản án đã tuyên có hiệu quả và tốt. Đại biểu đề nghị nên xem xét quy định như Luật hiện hành là chỉ áp dụng điều kiện này với đối tượng phạm tội tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Đại biểu Triệu Thanh Dung đề nghị người được đặc xá phải hoàn thành nghĩa vụ dân sự là bồi thường cho người bị hại

Trong khi đó, đại biểu Triệu Thanh Dung - Cao Bằng cho rằng, nếu người phải thi hành án phạt tù mà cải tạo tốt nhưng do điều kiện hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ dân sự vẫn được đặc xá sẽ tạo ra bức xúc cho người bị hại, người được thi hành án dân sự. Dư luận xã hội cho rằng việc thực hiện hình phạt không nghiêm túc, pháp luật không đủ sức răn đe người phạm tội. Có trường hợp người được đặc xá và người được thi hành án dân sự tiếp tục mâu thuẫn nặng nề làm ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự an toàn xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị người được đặc xá phải hoàn thành nghĩa vụ dân sự là bồi thường cho người bị hại.

Riêng về án phí hình sự, nếu người phải thi hành án phạt tù thực sự có hoàn cảnh khó khăn có thể không cần điều kiện phải thi hành đầy đủ án phí, vì đây là khoản tiền nhỏ thu cho ngân sách nhà nước. Về các khoản tiền phạt là khoản thu cho ngân sách nhà nước, có thể xem xét không áp dụng điều kiện này nếu người phải thi hành án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có khả năng thực hiện.

Luật Đặc xá nên có mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất với Luật Thi hành án dân sự

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang - Nghệ An đề nghị nên bỏ quy định theo hướng tùy nghi mà cần phải bắt buộc thực hiện xong tiền phạt và án phí đối với mọi tội phạm. Quy định này rất có ý nghĩa đối với các động cơ phạm tội là tiền và tài sản, như các loại tội xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hay tội tham nhũng v.v.. Đối với những loại tội này thì nhất định phải thực hiện xong hình phạt tiền và án phí rồi mới được xem xét đặc xá, luật không nên trao cho Chủ tịch nước trách nhiệm xem xét mức độ thực hiện hình phạt tiền án phí của từng người một, trong số hàng nghìn người, như vậy quá chi ly, không cần thiết và không khả thi. Trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại thì đã được quy định tại Chương III của dự thảo. Việc bỏ quy định tùy nghi này góp phần đảm bảo được tính công khai, minh bạch và công bằng trong quá trình thực hiện đặc xá.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng Luật Đặc xá nên thống nhất với Luật Thi hành án dân sự

Đối với quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự được bản án tuyên bao gồm cả bồi thường thiệt hại được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, quy định việc chấp hành nghĩa vụ dân sự thành một điều kiện bắt buộc để xem xét đặc xá là hết sức cần thiết, tạo ràng buộc để người phải thi hành án và người thân của họ nỗ lực, cố gắng thực hiện nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh đồng người có điều kiện thi hành án dân sự mà không chấp hành với người không có điều kiện thi hành án dân sự, tránh tình trạng quá nhân đạo với người có điều kiện nhưng cố tình không chấp hành hoặc quá khắt khe đối với người cải tạo tốt nhưng về kinh tế thì thực sự khó khăn. Do đó phải căn cứ vào điều kiện thi hành án dân sự của phạm nhân, căn cứ vào mối quan hệ giữa điều kiện thi hành án và kết quả thi hành của họ để nhìn nhận đánh giá ý thức cải tạo chấp hành pháp luật từ đó có cách xử lý khác nhau.

Cụ thể Luật Đặc xá nên có mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất với Luật Thi hành án dân sự ở điểm này, nên cần phân người phải thi hành án dân sự là phạm nhân thành hai trường hợp: Một là phạm nhân có điều kiện thi hành án, đối với nhóm phạm nhân này thì phải chấp hành nghĩa vụ dân sự trong khả năng mà mình có thể thì mới được xem xét đặc xá. Hai là phạm nhân chưa có điều kiện thi hành án được thể hiện bằng quyết định chưa có điều kiện thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự thì nếu đủ các điều kiện mà luật này quy định mặc dù chưa chấp hành xong nghĩa vụ dân sự bởi họ không có điều kiện thi hành cũng có thể xem xét để đặc xá.

Quy định chặt chẽ về thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại

Theo đại biểu Trần Thị Hiền - Hà Nam cần cân nhắc thêm việc xem xét đặc xá đối với trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản đồng ý bồi thường thiệt hại. Cụ thể sau khi đặc xá cần được giới hạn phạm vi áp dụng với tính chất là trường hợp rất đặc biệt, chỉ nên áp dụng với người có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong quá trình thi hành án.

Đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị cân nhắc về tính pháp lý của thoản thuận bồi thường thiệt hại

Đại biểu cho biết thêm với trường hợp có điều kiện kinh tế mà chưa được áp dụng quy định này thì sẽ không công bằng với những người đã nghiêm túc chấp hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Thậm chí quy định này có thể dẫn tới sự lạm dụng để lẩn tránh nghĩa vụ bồi thường khi bên bồi thường là cơ quan, tổ chức và khoản tiền bồi thường thuộc tài sản công. Từ đó, dẫn tới khía cạnh thứ hai cần cân nhắc về tính pháp lý của thoản thuận bồi thường bên cạnh bồi thường có thể là cá nhân, pháp nhân bao gồm cả cơ quan, tổ chức. Khoản tiền hoặc tài sản phải bồi thường có thể thuộc sở hữu tư nhân nhưng cũng có thể là tài sản công.

Như vậy, để chặt chẽ hơn, ngăn ngừa sự lạm dụng, làm thất thoát tài sản công, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc phân ra các trường hợp nếu bên bồi thường là cá nhân thì việc thỏa thuận đồng ý bồi thường sau khi đặc xá có thể do chính cá nhân đó quyết định. Trong trường hợp bên được bồi thường là tổ chức, là cơ quan nhà nước, số tiền bồi thường là tài sản công hoặc thuộc sở hữu tập thể thì cần làm rõ ai là người chịu trách nhiệm về việc đồng ý ký thỏa thuận bồi thường sau đặc xá. Trong trường hợp này, có đặt vấn đề đề nghị Chủ tịch nước xem xét quyết định tương tự như với án phí hoặc phạt tiền quy định tại điểm c hay không? Nếu cần thêm cơ chế này thì cũng cần phải bổ sung vào điểm d khoản 1 Điều 10 hoặc ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi của chính sách mới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - TP Hà Nội cho rằng, quy định về điều kiện đặc xá theo hướng không bắt buộc phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà chỉ cần có văn bản thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá là đủ điều kiện để xét đặc xá chưa phù hợp. Đại biểu nêu rõ, đối với nhóm tội về tham nhũng và nhóm tội về chiếm đoạt thì một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản chiếm đoạt cho người bị hại. Do vậy, nếu chấp nhận phương án thỏa thuận bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường sau khi đặc xá thì sẽ không khả thi, không thể thu hồi tài sản cho nhà nước, cho tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt, có chăng quy định này chỉ nên áp dụng với một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác theo Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bảo Yến - Nhóm ảnh