Luật Trồng trọt ra đời là cần thiết
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm tỉnh Tiền Giang và một số đại biểu khác tán thành với sự cần thiết ban hành luật, khẳng định việc ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng Luật ra đởi nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước về sản xuất trồng trọt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
ĐBQH Dương Minh Tuấn phát biểu
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số nội dung trong Dự thảo Luật, quy định rõ hơn về lộ trình xây dựng, ban hành đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; việc bảo tồn, khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống cây trồng, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm, bản địa đem lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trồng trọt; cụ thể hóa tối đa các điều, khoản còn quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; rà soát, chỉnh sửa một số quy định trong dự thảo Luật cho phù hợp với thực tế để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật và khả thi khi Luật được ban hành.
Bổ sung các quy định cụ thể về chiến lược phát triển trồng trọt
Về chiến lược phát triển trồng trọt, dự thảo Luật quy định chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; Chiến lược phát triển trồng trọt được cập nhật, điều chỉnh khi có sự thay đổi của chiến lược phát triển ngành nông nghiệp; Chiến lược phát triển trồng trọt xác định định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển trồng trọt cho từng vùng và trên phạm vi toàn quốc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển trồng trọt. Đại biểu Quốc hội Y Khút Niê tỉnh Đắk Lắk và một số đại biểu cho rằng một số nội dung tại quy định này là chưa phù hợp, đại biểu đề nghị quy định chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, 20 năm, 30 năm, định hướng 40 năm đối với những cây lâu năm như hồ tiêu, cao su…
Một số đại biểu cũng đánh giá nội dung quy định về chiến lược của nhà nước về trồng trọt còn mang tính hính thức, rất khó thực hiện, chưa gắn với chiến lược phát triển của các ngành. Do đó các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung các quy định cụ thể, đảm bảo tính khả thi.
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 8/6
Rà soát, thiết kế chặt chẽ các quy định về hành vi bị cấm
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về những hành vi bị cấm của dự thảo Luật còn mang tính chung chung, người dân khó phân biệt. Trong khi đó nhiều vấn đề cần phải đưa vào các quy định cấm thì dự thảo lại bỏ sót. Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi cấm trồng các loại cây trồng ảnh hưởng đến môi trường; bổ sung thêm hành vi cấm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, hóa chất độc hại; bổ sung cấm trồng các cây ngoại lai, nguy hại; quy định về cấm bán đất mặt mà chỉ cho phép quyền sử dụng đất; quy định về cấm lợi dụng lòng tin vào sản phẩm giống cây trồng, vào chỉ dẫn địa lý, thương hiệu để sản xuất mua bán trục lợi; quy định về cấm hoạt động sản xuất nông nghiệp không đăng ký đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; quy định về cấm trồng cây để trục lợi khi bồi thường khi giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, trong nội dung này, một số đại biểu Quốc hội đề nghị những quy định về hành vi bị cấm cũng cần phải xem xét nếu đã được quy định trong Luật quảng cáo, Bộ luật Hình sự thì không cần quy định trong Luật này.