TIẾP TỤC CẢI TIẾN, ĐỔI MỚI, NÂNG CAO KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

08/06/2018

Chiều 08/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, ngày 30 tháng 5 năm 2018, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Hầu hết các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, trách nhiệm để xây dựng Chương trình; đề cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm đúng tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật.

Về đánh giá việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, Báo cáo cho biết, đại biểu Quốc hội tán thành với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện Chương trình thời gian qua. Nhiều ý kiến đánh giá cao những biện pháp đổi mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã có nhiều đổi mới, nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Chương trình bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội; đồng thời kịp thời bổ sung trình Quốc hội các dự án cấp bách đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã phân tích cụ thể, sâu sắc thêm về những hạn chế chưa được khắc phục triệt để, cụ thể là việc lập Chương trình chưa sát thực tế, chưa dự báo đầy đủ yêu cầu của thực tiễn; công tác tổng kết thực tiễn trong xây dựng luật chưa toàn diện; một số báo cáo đánh giá tác động chính sách còn sơ sài; nhiều trường hợp cơ quan soạn thảo chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ xây dựng pháp luật, chưa dành thời gian hợp lý, đề cao trách nhiệm trong việc chuẩn bị dự án; hồ sơ gửi chậm; việc lấy ý kiến còn hình thức; công tác thẩm định, thẩm tra một số dự án chất lượng chưa cao; vẫn còn có ý kiến của đại biểu Quốc hội chưa được tiếp thu, giải trình thỏa đáng; việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để; chưa xác định rõ trách nhiệm và chế tài trong việc chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng văn bản...Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc điều chỉnh Chương trình thời gian qua. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh Chương trình  còn nhiều, cần rút kinh nghiệm để hạn chế việc điều chỉnh Chương trình đã được Quốc hội thông qua.

Toàn cảnh phiên họp

Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, theo Báo cáo, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với danh mục dự án được điều chỉnh năm 2018 như tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết và cho rằng sự điều chỉnh như vậy là hợp lý và cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Có ý kiến đề nghị trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần khẩn trương, sát sao hơn trong chỉ đạo triển khai Chương trình bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về Chương trình đã được Quốc hội thông qua. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án theo đúng Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Báo cáo nêu rõ, đa số ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng danh mục dự án được đưa vào Chương trình năm 2019 (gồm 18 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết) là phù hợp. Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); đề nghị bổ sung vào Chương trình các dự án: Luật Hỗ trợ và phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Giải quyết các vụ án lao động, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Nhà giáo...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục phối hợp với Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, bảo đảm đủ điều kiện để có thể sớm bổ sung vào Chương trình để hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các dự án này trong năm 2019./.

 

Hồ Hương- Nhóm ảnh