Góp ý cho dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

17/04/2010

Dự án Luật còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh, nhất là việc triển khai thực hiện quy định về Thanh tra chuyên ngành, báo cáo đánh giá tác động toàn diện, cụ thể hơn.

Tiếp tục phiên họp lần thứ 30, sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật thanh tra nhằm khắc phục những bất cập của quy định hiện hành; đồng thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách về yêu cầu đổi mới công tác thanh tra. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, dự thảo Luật còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh, nhất là việc triển khai thực hiện quy định về Thanh tra chuyên ngành, báo cáo đánh giá tác động toàn diện, cụ thể hơn, đặc biệt là tác động về mặt tổ chức bộ máy, tài chính, nhân lực… để triển khai thi hành Luật.

Về địa vị pháp lý của Cơ quan thanh tra, dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng về quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; vừa là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định như vậy là chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; chưa tương xứng với vị trí của một cơ quan ngang bộ.

Thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, với quy định không rõ ràng về khái niệm của 2 hình thức thanh tra này trong dự thảo luật sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và triển khai hoạt động thực tế. Bên cạnh đó, theo quy định của dự thảo Luật, thì ngoài Thanh tra bộ, Thanh tra sở như Luật hiện hành, hệ thống tổ chức cơ quan Thanh tra theo ngành, lĩnh vực còn bổ sung Thanh tra tổng cục, Thanh tra cục thuộc bộ, Thanh tra chi thuộc sở. Điều này khiến nhiều đại biểu không tán thành và lo ngại về việc “phình to” của bộ máy tổ chức nhà nước, tạo nhiều tầng nấc, chồng chéo, thiếu tính thống nhất trong tổ chức, hoạt động thanh tra.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghe và cho ý kiến vào Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học./.

 

Huyền Trang

(http://vovnews.vn/)