Phiên họp thứ Ba mươi của UBTVQH

16/04/2010

* Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Phân định hợp lý giữa chính sách, yêu cầu và biện pháp… * Dự án Luật An toàn thực phẩm: Nên giao Chính phủ thẩm quyền ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen

Ngày 15.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dự án Luật An toàn thực phẩm.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở chế biến, gia công, sản xuất sản phẩm hàng hóa; cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện thiết bị; cơ sở khai thác mỏ và cung cấp, sản xuất năng lượng. Mục 5, Chương II trong dự thảo Luật (cũ) đã được bổ sung, chỉnh sửa thành Chương VII theo hướng làm rõ hơn trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; việc kiểm toán năng lượng bắt buộc với các đơn vị này…

Nhất trí với những nội dung được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật, tuy nhiên Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, dự thảo Luật vẫn đặt nặng mục tiêu quản lý việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Do vậy, nhiều quy định đưa ra chưa phù hợp với sự năng động của nền kinh tế thị trường và quyền của chủ sở hữu các cơ sở kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực năng lượng. Phó chủ tịch QH đề nghị, không nên áp đặt mong muốn của cơ quan quản lý trong dự thảo Luật mà cần tính đến sự năng động của kinh tế thị trường và các chính sách đang thực hiện. Tán thành với quan điểm này, nhiều Ủy viên UBTVQH nhận định, các quy định trong dự thảo Luật vẫn chung chung, mang dáng dấp của khẩu hiệu, chính sách. Tính bắt buộc của dự thảo Luật chưa cao, do vậy sẽ khó thực hiện được mục đích bắt buộc mọi người phải sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên yêu cầu, cơ quan soạn thảo cần rà soát, phân định hợp lý giữa các nội dung chính sách – yêu cầu – biện pháp, bảo đảm tính bắt buộc thực hiện của dự thảo Luật.

Về chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị luật hóa chương trình này, nhưng chỉ cần quy định một số nhiệm vụ lớn, còn các nội dung cụ thể nên giao Chính phủ tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, các bộ, ngành hiện nay đều có một chương trình mục tiêu quốc gia nên không thể quy định riêng biệt đối với lĩnh vực sử dụng năng lượng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình nhấn mạnh, luật hóa Chương trình mục tiêu quốc gia là xu hướng không đúng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bởi, chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện trong một thời hạn xác định với những điều kiện KT - XH đặc thù. Điều này khác với tính ổn định lâu dài của pháp luật. Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên thì, việc xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, do vậy, không nên quy định Chương trình này trong dự thảo Luật.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật An toàn thực phẩm, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh nêu rõ, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý an toàn thực phẩm đối với với thực phẩm sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ; ghi nhãn đối với sản phẩm biến đổi gen; thanh tra chuyên ngành với an toàn thực phẩm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm của người tiêu dùng thực phẩm; chế tài xử lý vi phạm, bồi thường thiệt hại liên quan đến an toàn thực phẩm...

Đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với những nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật. Về phân công trách nhiệm giữa các bộ trong việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân, do vậy, cần giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho Bộ Y tế. Để khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các bộ; xác định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương trong quản lý đối với một số loại thực phẩm cụ thể.

Về việc dán nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án. Thứ nhất là chỉ cần ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen khi tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen từ 3% trở lên nhằm giảm bớt chi phí về ghi nhãn và phù hợp với thực tế nước ta. Thứ hai là việc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ. Nhiều Ủy viên UBTVQH tán thành với phương án thứ hai bởi, việc ghi dòng chữ biến đổi gen trên bao bì thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng biết nguồn gốc thực phẩm. Hơn nữa, ngành công nghệ sinh học, đặc biệt công nghệ gen ở nước ta còn mới nên chưa sản xuất, chế biến được thực phẩm biến đổi gen; thực phẩm biến đổi gen hiện nay chủ yếu là hàng nhập khẩu.

 

P.Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)