Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII: Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

18/11/2009

Sáng 17.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, QH đã tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ.

* Lần đầu tiên UBTVQH trình QH Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Sẽ cùng các bộ, ngành tiếp thu, xây dựng các phương án để điều hành một cách tốt nhất

* Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp: Dịch vụ internet có không gian rộng là điều hay nhất nhưng cũng khó quản lý nhất

 

Sáng 17.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, QH đã tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ.

 

Mở đầu phiên họp, Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đã trình bày Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền từ Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII đến nay. Đây là lần đầu tiên UBTVQH báo cáo QH kết quả giám sát việc thực hiện các kiến nghị của cử tri. Báo cáo là một kênh cung cấp thêm thông tin cho ĐBQH, phục vụ cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

 

Báo cáo nhấn mạnh: việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngày càng được coi trọng, các cơ quan đã thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trước cử tri. Chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao, nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong đời sống xã hội. Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế của đất nước. UBTVQH đề nghị: Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành quy định về cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; có biện pháp xử lý đối với những trường hợp chưa làm đầy đủ trách nhiệm trong việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.

 

Chất vấn của các ĐBQH tập trung vào: hiệu quả triển khai thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất, điều hành chính sách tài chính tiền tệ đáp ứng sản xuất kinh doanh và giữ vững tăng trưởng kinh tế... ĐBQH Danh Út (Kiên Giang) chất vấn: việc triển khai cho vay vốn đối với nông dân ở nông thôn theo Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều khó khăn do thủ tục quá khắt khe, không phù hợp. Để nông dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu cho Chính phủ những biện pháp gì? Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết: đến nay các bộ đã báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh, bổ sung Quyết định 497 hợp lý giúp bà con nông dân tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn với chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

 

ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: mức độ mất giá của VND thời gian qua đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Là người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, trách nhiệm của Thống đốc như thế nào khi để đồng tiền Việt Nam trượt giá như vậy? Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Thị Nga, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng: mục tiêu mà ngành ngân hàng theo đuổi là ổn định giá trị đồng tiền, muốn đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có thêm các yếu tố khác, đặc biệt là cơ cấu và hiệu quả của nền kinh tế. Mục tiêu này phải dựa trên nền tảng nền kinh tế đất nước. Thống đốc hứa sẽ cùng các bộ, ngành tiếp thu, xây dựng các phương án để điều hành một cách tốt nhất.

 

Chưa thỏa đáng với trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ĐB Lê Thị Nga yêu cầu: không muốn làm khó Thống đốc, nhưng trả lời của Thống đốc còn đơn giản so với yêu cầu của câu hỏi. Mục tiêu hoạt động là ổn định giá trị đồng tiền, vậy Thống đốc cũng phải đưa ra được giải pháp. Khi không đạt được mục tiêu thì phải kiểm điểm xem giải pháp có đúng không. Nếu giải pháp đúng mà vẫn không đạt được mục tiêu thì phải xem việc tổ chức thực hiện có đúng không, để có giải pháp khắc phục.

 

Về tình trạng căng thẳng trên trị trường ngoại hối hiện nay, ĐBQH Phạm Thị Loan (Hà Nội) nêu câu hỏi: Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng giải quyết căng thẳng ngoại tệ chủ yếu bằng những biện pháp hành chính liệu có khả thi hay không?... Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời: năm nay, kinh tế nước ta có 4 giảm: giảm xuất khẩu, giảm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giảm chuyển tiền kiều hối, giảm nhân lực - gây khó khăn về ngoại tệ. Ngoài ra, do việc điều hành chính sách vĩ mô với mong muốn đạt được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế và duy trì, phát triển sản xuất... nên đòi hỏi phải nới lỏng chính sách tiền tệ, gây áp lực cho việc ổn định cung, cầu ngoại tệ. Giải pháp nhanh nhất là thắt chặt các chính sách, nhưng khi lượng cung tín dụng không tăng, chính sách tài khóa không tăng, nhu cầu nhập khẩu không tăng, cũng dẫn đến căng thẳng ngoại tệ. Bài toán này mâu thuẫn với bài toán tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ĐB Phạm Thị Loan chưa đồng tình với trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu.

 

Tiếp đó, các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp tập trung vào các nhóm vấn đề: công tác quản lý thông tin - báo chí - xuất bản; kiểm soát ngăn chặn tác hại của website có nội dung xấu; việc đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng viễn thông và xây dựng công trình viễn thông trong khu dân cư.

 

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý hệ thống dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), ĐBQH Cao Thành Văn (Bạc Liêu) nêu vấn đề: do những bất cập nảy sinh và do quản lý lỏng lẻo, dịch vụ internet và những trò chơi trực tuyến ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tính cách của thanh thiếu niên. Vậy Bộ Thông tin và Truyền thông đã có giải pháp gì để phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xử lý các vấn đề này? Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu khi những bất cập trong quản lý dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến chậm được khắc phục? Bộ trưởng Lê Doãn Hợp lý giải: đặc điểm của internet là không gian rộng, không hạn chế vùng, miền quốc gia, lãnh thổ - đó là điều hay nhất nhưng cũng là khó quản lý nhất. Bộ trưởng cũng khẳng định, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn quản lý khai thác dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến; kiểm tra các đại lý internet; giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, gia đình và đoàn thể... nhằm khắc phục những bất cập hiện nay. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đề nghị, các cơ quan quản lý tại địa phương nên cùng vào cuộc với Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn chặn tác động không tốt và kiểm soát hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ này.

 

Về công tác quản lý thông tin - báo chí - xuất bản, ĐBQH Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Ảnh hưởng của rác văn hóa rất khó khắc phục. Các thông tin báo chí gây hại cho người dân, cho doanh nghiệp cũng chưa được xử lý nghiêm khắc. Có biện pháp quản lý nào để định hướng cho các trang báo, chương trình truyền hình... đề cao tính tư tưởng, thẩm mỹ, và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống hay không? Bộ trưởng Lê Doãn Hợp hứa, sẽ tiếp thu ý kiến của ĐBQH và ưu tiên giải quyết các bức xúc được cử tri đưa ra.

 

Vấn đề ảnh hưởng của các trạm thu phát sóng điện thoại di động đến sức khỏe người dân tiếp tục được ĐBQH đặt câu hỏi, dù đã được Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trả lời trong phiên chất vấn tại Phiên họp thứ Hai hai của UBTVQH. ĐBQH Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) nêu câu hỏi: Bộ trưởng đã phối hợp với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét thấu đáo vấn đề này chưa? Có trả lời rõ ràng về nguy cơ phơi nhiễm điện từ với người dân do các trạm phát sóng gây ra hay chưa? Bộ trưởng Lê Doãn Hợp chỉ rõ: các cơ quan nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định không có căn cứ khoa học thuyết phục về việc phơi nhiễm điện từ của các trạm thu phát này tác động xấu đến sức khỏe con người. Bộ trưởng cũng đề nghị QH thông cảm với việc Bộ Thông tin và Truyền thông chưa thực hiện kiểm tra hết các trạm thu phát sóng trên cả nước. Bởi ngành viễn thông phát triển nhanh, trong khi, số lượng biên chế cán bộ công chức, viên chức còn hạn chế....

V. Đào - P.Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)