Trả lời của Thống đốc NHNN chưa làm hài lòng đại biểu

18/11/2009

Nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Thống đốc và NHNN được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi khá chi tiết nhưng phần trả lời của Thống đốc lại quá ngắn gọn, xem ra chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và đại biểu

Kiên trì theo đuổi mục đích ổn định giá trị đồng tiền

 

Là người đầu tiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) chất vấn, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ở đâu khi để xảy ra tình trạng đồng tiền mất giá như thời gian qua trong khi chức năng của Ngân hàng Nhà nước là nhằm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam? Thời gian tới, cùng với thực hiện chủ trương điều hành tỷ giá linh hoạt, áp dụng tăng lương, bỏ trần lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước có biện pháp gì để kiểm soát đồng Việt Nam cũng như ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam?

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, mục tiêu ổn định chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước luôn kiên trì theo đuổi là nhằm mục đích ổn định giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng đồng tiền Việt Nam mỗi năm một mất giá. Để ổn định giá trị đồng tiền, theo ông Giàu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố hiệu quả của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế. "Thời gian tới, khi thị trường hóa các loại giá sẽ tác động đến điều hành chính sách tỷ giá. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành để điều hành tốt nhất", ông Giàu cam kết.

 

Thừa nhận đề án sản xuất tiền kim loại không đạt hiệu quả

 

Chất vấn về việc phát hành tiền kim loại và hiệu quả sử dụng đồng tiền này trên thị trường thời gian qua, đại biểu Lê Thị Nga bức xúc: “Thời điểm năm 2003 khi chuẩn bị phát hành tiền kim loại, Ngân hàng Nhà nước có giải trình rất thuyết phục về việc phát triển tiền kim loại cũng như phát triển các loại máy bán hàng tự động để sử dụng loại tiền này, tuy nhiên có thể thấy rằng chất lượng đồng tiền cũng như hiệu quả sử dụng loại tiền này thực tế thời gian qua không như những gì Ngân hàng Nhà nước đã trình bày”. Đại biểu đề nghị với tư cách là người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc đã làm gì để thực hiện lời hứa trước Quốc hội, tham mưu với Chính phủ để hạn chế tình trạng lãng phí.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận đề án sản xuất tiền kim loại nói chung là không đạt hiệu quả. Ông cũng cho biết, khi nhận trách nhiệm lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ông đã xem xét rất kỹ đề án này, tiếp thu ý kiến của lãnh đạo cũng như người dân, đồng thời cho ngừng không phát hành thêm tiền kim loại và thu về những loại tiền không đủ chất lượng lưu hành.

 

Không hài lòng với phần trả lời “quá đơn giản” của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, đại biểu Lê Thị Nga tiếp tục chất vấn: “Nhận định nếu đã làm mà không đạt mục tiêu thì phải kiểm điểm và khắc phục. Trên thế giới, việc phát hành và sử dụng đồng tiền xu rất tốt, rất hiệu quả còn ở Việt Nam tại sao không? Ngân hàng đã ngừng không phát hành hoặc thu về đồng tiền xu đã bị hư hỏng nhưng tại sao những đồng xu không gỉ, không hư hỏng mà dân vẫn không dùng? Thống đốc có hứa ở kỳ họp trước là sẽ phát triển máy bán hàng tự động, vậy đến nay việc này đã được thực hiện đến đâu?"

 

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, mục tiêu ổn định tỷ giá đồng tiền bị ảnh hưởng do đột biến lạm phát của năm vừa qua. Về tiền xu, các đồng tiền xu còn sạch và đẹp đều lưu hành bình thường. Hơn nữa do NHNN không còn phát hành nên dân mới ít dùng. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu không đề cập đến việc phát triển hệ thống máy bán hàng tự động cũng như giải pháp khắc phục tình trạng đồng tiền mất giá trong năm tới.

 

Giải pháp “hạ nhiệt” thị trường vàng là đúng lúc

 

Một vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Giàu sáng nay là tình hình giá vàng biến động ở mức giá cao thời gian gần đây. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) chất vấn: “Phản ứng nhập khẩu vàng của ngân hàng khi giá lên đến đỉnh đã gọi là linh hoạt, kịp thời chưa? Trách nhiệm của Thống đốc đến đâu? Biện pháp tiếp theo để không tái diễn tình trạng này như thế nào? Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho hay, từ năm 1999, theo Nghị định Chính phủ, Ngân hàng có chức năng quản lý vàng trong xuất khẩu, chế biến vàng miếng. Còn vàng hàng hóa mua bán trên thị trường đã được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp. Khi giá vàng thế giới biến động rất nhanh, Ngân hàng đã liên tục theo sát diễn biến. Đặc biệt, trong các ngày 9, 10/11, Ngân hàng đã họp với giám đốc 5 ngân hàng thương mại và Hiệp hội vàng bạc để xem dân có rút tiền gửi, mua vàng không.

 

Vì thực tế, số vàng xuất ra thấp. Từ 2005 đến 2008, nhập vàng 279 tấn. Chúng ta mới xuất vàng từ cuối năm 2008 đến nay, quota xuất 37 tấn. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khoảng 57 tấn hàng hóa. Như vậy là lượng vàng trong dân còn lớn.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Các sàn giao dịch vàng đang nằm ngoài tầm kiểm soát

 

Theo ông Giàu, đây là lần đầu tiên vàng mất giá không xuất phát từ mất cân đối cung - cầu. "Các công ty vàng nhập khẩu liên tục, chở máy bay ra Hà Nội mỗi ngày vài chuyến, như vậy là không thể có chuyện thiếu được", Thống đốc nhấn mạnh.

 

Ông Giàu khẳng định, đã nghe ý kiến nhiều nhà khoa học, nhiều tiến sĩ khoa học trả lời trên báo chí, đồng thời cũng như đánh giá của cựu Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm hiện cũng là đại biểu Quốc hội... Ngân hàng Nhà nước đã chọn giải pháp trấn an tâm lý người dân bằng cách công bố sẽ nhập vàng, nhờ đó giá trên thị trường đã dịu xuống. Ông Giàu khẳng định, quyết định này là kịp thời, có thể coi là một kinh nghiệm trong quản lý thị trường. Thống đốc cũng cho hay, đây là giải pháp trấn an, số nhập về không đáng kể nên sẽ không tiếp tục gây căng thẳng lên thị trường ngoại tệ cũng như nhập siêu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Hảo (đoàn Hải Dương) về sàn giao dịch vàng, ông Giàu khẳng định, các sàn giao dịch vàng đang nằm ngoài tầm kiểm soát và đây là kẽ hở pháp luật. Hiện không có cơ quan nào quản lý sàn vàng. Thống đốc không cấp giấy phép cho sàn vàng. Chính phủ đang lập Tổ nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động sàn vàng.

 

Thanh toán phi tiền mặt là một chủ trương lớn

 

Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng có kế hoạch, chính sách gì để mọi người dân đều có cơ hội, kiến thức tiếp cận dịch vụ với ngân hàng, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu kinh tế tiền mặt như hiện nay. Hạn chế sử dụng tiêu dùng bằng tiền mặt nhằm góp phần hạn chế tham nhũng, thất thu thuế, nâng cao sức mạnh tài chính tập trung?

 

Về vấn đề này Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng đây cũng là hoài bão, mong muốn của ngành ngân hàng, đồng thời muốn triển khai nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên không thể vội vàng, phải chuẩn bị các điều kiện thì mới phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Giàu cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo với Thủ tướng có thể ra một Nghị quyết, thậm chí có thể báo cáo với Bộ Chính trị có kết luận về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Thống đốc cũng chỉ ra 3 điều kiện để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Thứ nhất là phát triển mạng lưới ngân hàng. Hiện nay, mạng lưới ngân hàng đã tương đối rộng khắp trên cả nước. Ở Hà Nội và TP HCM tập trung hệ thống ngân hàng dày đặc. Tuy nhiên ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn do nền kinh tế chưa phát triển, hệ thống ngân hàng mới chỉ mang tính chất liên xã. Thứ 2 là cơ sở tin học ngân hàng. Công nghệ điện tử mới phát triển ở Việt Nam vài năm nay. Một số ngân hàng nhỏ vẫn chưa hoàn thiện nhưng ở các ngân hàng lớn, hệ thống thanh toán điện tử đã từng bước hoàn thiện và đưa vào ứng dụng. Thứ ba là việc phát triển công nghệ thanh toán tiên tiến qua ATM đã phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Nếu năm 2002 khi mới phát triển thanh toán qua ATM chúng ta chỉ có 150 máy rút tiền tự động và 66.000 thẻ, đến tháng 10/2009 chúng ta đã có 9.000 máy ATM và 19 triệu thẻ sử dụng cho máy.

 

Thống đốc NHNN cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu việc thanh toán không dùng tiền mặt, coi đây là một chủ trương lớn của đất nước.

 

Câu hỏi thứ 2 đại biểu Phạm Thị Loan chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là vấn đề quản lý thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái. Đại biểu đặt vấn đề, hiện nay thị trường quan hệ ngoại hối rất căng thẳng, việc mua ngoại tệ của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn đặc biệt là đồng USD. Người có ngoại tệ không muốn bán, găm giữ để mặc cả nâng giá vượt trần so với quy định chính thức của ngân hàng 400-500 đồng/1 USD. Doanh nghiệp cần mua ngoại tệ phải trả chênh lệch bằng các hình thức lách luật không có chứng từ hợp lệ, gây khó khăn, thua thiệt và bức xúc cho doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước có chính sách ngắn hạn và dài hạn nào giải quyết vấn đề này để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại hối, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển kinh doanh. Lý do vì sao không đưa đồng USD vào tính tỷ giá chéo cùng với các đồng ngoại tệ khác theo thông lệ quốc tế.

 

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc cho rằng, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt đã ưu tiên cho mục tiêu xuất khẩu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên do cơ cấu nền kinh tế của chúng ta ban đầu và trong nhiều năm nay vẫn là một nước nhập siêu. Trong điều hành chính sách vĩ mô, chúng ta mới chỉ đạt được mục tiêu là ngăn chặn được suy giảm và duy trì phát triển sản xuất. Theo Thống đốc NHNN, giải pháp duy nhất là thắt chặt các chính sách thì lượng tín dụng không tăng, chính sách tài khóa không tăng, nhu cầu nhập khẩu không tăng. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến căng thẳng. Bài toán này mâu thuẫn với bài toán đạt 5% kinh tế tăng trưởng, 5,2% tăng trưởng hay 6,5% tăng trưởng... Do vậy, trong quản lý điều hành, đây là bài toán lớn.

 

Cũng trong buổi sáng nay, trước khi bắt đầu hoạt động chất vấn, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 5 tới nay của Ban Dân nguyện của Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Quốc hội báo cáo về tình hình giám sát kiến nghị của cử tri, được xem là việc làm cần thiết mà thời gian qua chưa được thực hiện tốt. Đây cũng là kênh thông tin tốt phục vụ cho hoạt động chất vấn, bước đầu vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nếu cần thiết phải bổ sung vào luật.

 

Sau phần đăng đàn của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, chiều nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp là thành viên thứ hai của Chính phủ lên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội./.

Mạnh Hùng-Thanh Hà

(http://vovnews.vn)