Thực hiện kế hoạch số 925/KH-UBTVQH13 ngày 18/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016, Ban tổng kết công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII đã xây dựng dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội; Báo cáo tổng kết hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Thay mặt Ban tổng kết trình bày các bản Báo cáo, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, Quốc hội khóa XIII đã kế thừa và phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, hoạt động có nhiều đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của QH, Ủy ban TVQH
Hoạt động lập hiến, lập pháp đạt kết quả nổi bật, thông qua Hiến pháp mới, hoàn thành khối lượng công việc lập pháp rất lớn, đồng thời nâng cao chất lượng các luật, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo khung pháp lý cho việc hình thành và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Số lượng văn bản luật, pháp lệnh được thông qua trong nhiệm kỳ tăng nhiều so với các khóa trước đây với hơn 100 luật, bộ luật.
Hoạt động giám sát được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, dân chủ, cởi mở và trách nhiệm, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã tổ chức chất vấn trực tiếp tại 09 kỳ họp Quốc hội với hơn 40 lượt người trả lời chất vấn, hơn 1000 phiếu chất vấn và hàng ngàn câu hỏi được gửi đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước...
Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án quan trọng quốc gia… ngày càng được cải tiến, thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, triển khai chủ động, tích cực, phối hợp đồng bộ và hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, thực chất. Cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội không ngừng được đổi mới theo hướng hiệu quả, dân chủ hơn, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Tuy nhiên, Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp vẫn còn một số hạn chế nhất định như: một số đạo luật còn có quy định chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống nên hiệu quả điều chỉnh và tính khả thi không cao. Công tác chuẩn bị đối với một số dự án luật còn thiếu sự quan tâm đầu tư, dẫn đến việc không bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản trình Quốc hội; Hoạt động giám sát chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến các vấn đề được giám sát, chưa kiến nghị các biện pháp xử lý thích hợp nên hiệu quả chưa cao. Nội dung một số báo cáo giám sát còn chung chung, chưa đi sâu phân tích nguyên nhân, hạn chế, trách nhiệm của cơ quan quản lý, thi hành luật; việc quyết định một số vấn đề quan trọng trong một số trường hợp chất lượng chưa cao; việc đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chưa bảo đảm sát thực tế...
Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII đã thông qua được hơn 100 luật, bộ luật; tổ chức chất vấn trực tiếp tại 09 kỳ họp
Đối với công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tại nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, bảo đảm chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội sửa đổi Hiến pháp và ban hành nhiều bộ luật, luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân... góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của Quốc hội. Hoạt động giám sát ngày càng được tăng cường, chất lượng hoạt động chất vấn được nâng cao, bảo đảm công khai, minh bạch và bám sát các vấn đề bức xúc của thực tiễn cuộc sống. Việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác kịp thời, hiệu quả, thực tiễn hơn, đề cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn những hạn chế nhất định như việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có lúc chưa quyết liệt, dẫn đến không hoàn thành chương trình đề ra. Hoạt động giám sát còn một số hạn chế, cơ chế kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát mới bước đầu được xây dựng và thực hiện.
Dành nhiều thời gian thảo luận về 2 bản Báo cáo, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có sự đầu tư về công sức, trí tuệ của Ban tổng kết công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Báo cáo cần thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng hơn nhằm nêu bật được những kết quả đã đạt được của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong nhiệm kỳ qua; thể hiện rõ được vai trò, công sức của các Đoàn đại biểu Quốc hội và cá nhân đại biểu Quốc hội. Đồng thời, cần làm rõ những mặt hạn chế của nhiệm kỳ này, qua đó là cơ sở để nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng hơn trong nhiệm kỳ tới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, đối với Báo cáo tổng kết hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nêu bật thành công của các phiên họp giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Đối với Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội cần bổ sung việc tăng thời lượng truyền hình trực tiếp, trực tuyến tại các phiên họp, kỳ họp tại nhiệm kỳ này, qua đó giúp cử tri, nhân dân hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn về các hoạt động của Quốc hội; góp phần giúp Quốc hội gần dân hơn.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị nêu rõ việc Quốc hội khóa XIII đã tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga và bà Đặng Thị Hoàng Yến, từ đó là bài học, kinh nghiệm cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tiếp thu, rút kinh nghiệm để hoạt động tốt hơn.
Chủ nhiệm Trương Thị Mai: Báo cáo cần thể hiện một cách khái quát và mang tính tổng kết chính sách
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề của xã hội Trương Thị Mai cho rằng, 2 Báo cáo cần thể hiện một cách khái quát và mang tính tổng kết chính sách như: các thành quả trong hoạt động của Quốc hội đã tác động, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… của nước ta như thế nào? Qua đó để thấy Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII đã góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, đã giúp Đảng, Nhà nước và nhân dân ra sao?
Chủ nhiệm Trương Thị Mai cũng đề nghị nhấn mạnh việc phát huy tính dân chủ của Quốc hội tại nhiệm kỳ vừa qua; làm rõ việc đổi mới các quy trình trong các hoạt động của Quốc hội và cần phân tích sâu hơn nữa các vấn đề cốt lõi của Hiến pháp năm 2013.
Nhất trí với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Báo cáo cần thể hiện một cách khái quát, trong đó làm nổi bật được nguyên tắc làm việc tập thể, đoàn kết, dân chủ; làm rõ sự phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội như công tác lãnh đạo, quy hoạch cán bộ…, sự phối hợp với các cơ quan Trung ương ngoài Quốc hội. Phó Chủ tịch cũng đề nghị cân nhắc nên có phần đánh giá về công tác của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội và Báo cáo tổng kết hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cách thể hiện trong Báo cáo không phải liệt kê mà cần khái quát, thể hiện được ý nghĩa, tầm vóc, sự quan trọng và những đóng góp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Báo cáo cần bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của QH, Ủy ban TVQH
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đưa ra ví dụ, như đối với cách thể hiện thành công của việc ban hành Hiến pháp năm 2013, cần làm nổi bật ý nghĩa của việc ban hành nhằm đưa Cương lĩnh của Đảng ta vào cuộc sống; tinh thần, nội dung của Hiến pháp đem lại lợi ích gì cho nhân dân, cho đất nước? Hay đối với hoạt động giám sát, cần thể hiện để thấy sự đổi mới, tác dụng của việc giám sát đã thúc đẩy hệ thống bộ máy nhà nước hoạt động ra sao? Đối với mặt hạn chế, việc còn tình trạng lãng phí, tiêu cực, tham nhũng… thì vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, các hoạt động của Quốc hội đối với vấn đề này như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, 2 Báo cáo cần thể hiện một cách khí thế, rõ ràng, có nhận định, đánh giá, có những hạn chế cần rút kinh nghiệm và có phương hướng, đề xuất trong thời gian tới. Báo cáo cũng cần có nhận định chung về toàn bộ quá trình hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong cả nhiệm kỳ này; phải thể hiện rõ được hoạt động trong đó có tính cá nhân của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội….
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, có thể thấy, thành công nhất của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII là các hoạt động đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Qua đó, củng cố được lòng tin đối với Đảng, Nhà nước. Do đó, Báo cáo cần thể hiện rõ, làm nổi bật hơn vấn đề này. Đây cũng là bài học, kinh nghiệm để nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới tiếp nối truyền thống, học tập và phát huy./.