Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

12/11/2009

Sáng 11.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bưu chính. Thông qua Nghị quyết Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2010

* Dự án Luật Bưu chính: Doanh nghiệp không có quyền quy định mức bồi thường khi doanh nghiệp ấy gây thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ bưu chính

* Thông qua Nghị quyết Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2010: Tổng số thu NSNN bằng 23,9 % tổng sản phẩm trong nước

* Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): sẽ có tới 40 văn bản hướng dẫn thi hành, e rằng…

 

 

Sáng 11.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bưu chính.

 

Tán thành với việc ban hành Luật Bưu chính, đa số các ĐBQH đều cho rằng nội dung cơ bản của dự thảo Luật đã bao quát được hoạt động của ngành bưu chính, phù hợp với xu thế mở rộng hợp tác, hội nhập với thế giới,

 

Theo ĐB Bùi Thị Hòa (Đăk Nông), ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), do đặc thù của hoạt động bưu chính công ích là cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, bảo đảm chất lượng và giá cước phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, phục vụ nhiệm vụ của Nhà nước mà nhiều doanh nghiệp xuất phát từ lợi ích, lợi nhuận sẽ không thể đảm nhận được nên việc giao cho một doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này là hợp lý với các cơ chế hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, về vấn đề này, nhiều ĐB khác cho rằng, không nên chỉ định một công ty đảm nhận hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính công ích, nếu như vậy sẽ làm mất đi tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanhh nghiệp. ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) cho rằng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, các liên doanh nước ngoài, tư nhân cũng tham gia lĩnh vực bưu chính công ích, khi chỉ định một doanh nghiệp thì sẽ dễ đi đến chỗ độc quyền.

 

Về giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại, các ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị xem xét lại Chương XIII quy định về giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại, vì các điều, khoản của chương này không rõ ràng, không thống nhất. Bởi lẽ, hợp đồng dịch vụ giữa người sử dụng dịch vụ và người cung ứng dịch vụ bưu chính là hợp đồng dân sự về cung ứng dịch vụ, hợp đồng dịch vụ. Vì thế, ban soạn thảo cần xây dựng lại Chương VIII theo hướng giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự và tuân theo các quy định pháp luật dân sự. Về quy định mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính xây dựng công bố và áp dụng, ĐB Trần Thế Vượng đặt vấn đề, làm sao một doanh nghiệp có quyền quy định mức bồi thường khi chính doanh nghiệp gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ. Và phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định

 

Cuối phiên làm việc buổi sáng,  QH đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009, dự toán NSNN năm 2010.

 

Về đánh giá thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009, UBTVQH cho rằng, công tác lập dự toán hằng năm được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và căn cứ vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác phân tích, dự báo để đánh giá, tính toán xây dựng dự toán thu sát với khả năng thu ngân sách của từng lĩnh vực, từng địa phương. Tuy nhiên, kết quả thực hiện dự toán thu NSNN năm 2009 cho thấy,  trong số 63 địa phương, có 43 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán được giao; vẫn còn 20 địa phương có khả năng không hoàn thành dự toán. UBTVQH đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng dự toán thu NSNN tích cực, bảo đảm sát với thực tế hơn. Trước ý kiến của các ĐBQH cho rằng, vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí lớn, nhưng giải ngân chậm, chuyển nguồn lớn, UBTVQH cho rằng việc phân bổ và thông báo kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 đã được thực hiện theo đúng các quy định với tinh thần khẩn trương, tích cực, Tuy nhiên, do một số nơi còn lúng túng trong việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án thuộc danh mục Quyết định 171/QĐ-TTg có khối lượng thực hiện cao hơn mức vốn trái phiếu chính phủ đã được phê duyệt, dẫn đến tình trạng nhiều dự án thiếu vốn thanh toán, nhưng không điều hòa được vốn giữa các dự án. Do đó, Chính phủ cần rút kinh nghiệm bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ cần hợp lý hơn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

 

QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết về Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2010 với 84,58% số ĐBQH có mặt tán thành. Theo Nghị quyết, Tổng số thu cân đối NSNN là 461.500 tỷ đồng (bốn trăm sáu mươi mốt nghìn năm trăm tỷ đồng), bằng 23,9% tổng sản phẩm trong nước; tính cả 1.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2009 sang năm 2010 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 462.500 tỷ đồng (bốn trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm tỷ đồng); Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 582.200 tỷ đồng (năm trăm tám mươi hai nghìn hai trăm tỷ đồng); Mức bội chi ngân sách nhà nước được thông qua là 119.700 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng sản phẩm trong nước. QH nhấn mạnh 8 giải pháp trọng tâm năm 2010: Tiếp tục chính sách tài khóa linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi. Chính phủ tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, chỉ đạo kiên quyết công tác thu NSNN, hạn chế tối đa tình trạng gian lận thuế, kê khai tính thuế, nợ đọng thuế. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật thuế cho phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Quản lý chặt chẽ chi NSNN theo đúng Luật NSNN và các Nghị quyết của Quốc hội, khắc phục tình trạng chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền. Năm 2010 phát hành trái phiếu Chính phủ 56.000 tỷ đồng, để đầu tư các dự án, công trình thuộc lĩnh vực và danh mục đã được quyết định đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết của QH. Tăng cường quản lý theo đúng quy định của pháp luật các khoản chi ngoài cân đối NSNN. Tổng kết, đánh giá và rà soát các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu khác. Tiếp tục giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và thực hiện xã hội hóa các loại hình sự nghiệp, nhất là y tế, giáo dục với mức độ cao. Tổng kết thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN 5 năm (2006-2010) và 10 năm (2001-2010), định hướng phát triển tài chính - NSNN 5 năm (2011-2015) và Chiến lược 10 năm (2011-2020).

 

Buổi chiều, QH thảo luận ở Tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

 

Về cơ bản, các ĐBQH nhận định: dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới, khắc phục được một số bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành; thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành ngân hàng. Dự án Luật đã đề cập và đưa vào áp dụng nhiều thông lệ, chuẩn mực quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam, qua đó tạo cơ sở pháp lý xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm xây dựng thị trường tiền tệ lành mạnh, đồng thời hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

 

Tuy nhiên, các ĐBQH cũng nhận định: dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh): dự án Luật còn thiếu tính logic, thiếu mạch lạc. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: dự án Luật có siết chặt quá các hoạt động tín dụng như nhận định của một số đơn vị, tổ chức đã đưa ra hay không? Bởi quy mô các tổ chức tín dụng nước ta hiện nay vẫn còn khá nhỏ. Các điều kiện cấp phép thành lập mới cần mang tính căn cơ, có thể “mềm” hơn để đẩy mạnh phát triển các hoạt động tín dụng.

 

Một số ĐBQH tán thành với cách tiếp cận của dự thảo Luật. Tuy nhiên, thực tế có một số tổ chức không phải là tổ chức tín dụng cũng cung cấp một số dịch vụ có bản chất là dịch vụ ngân hàng. Đơn cử: hiện các công ty chứng khoán đang thực hiện một số hoạt động có bản chất là dịch vụ ngân hàng, nhưng lại được điều chỉnh theo Luật Chứng khoán. Trong khi đó, Khoản 2, Điều 8 dự thảo Luật này quy định: nghiêm cấm tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng hoạt động ngân hàng. Vậy nếu Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được ban hành thì các công ty chứng khoán, trung tâm lưu ký sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật nào đối với hoạt động có bản chất là dịch vụ ngân hàng? Cần có những quy định cụ thể, có đối chiếu, rà soát với các luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý và an toàn của hệ thống tiền tệ - ngân hàng.

 

Về quản lý nhà nước, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng: dự án Luật chưa quy định rõ ràng. Nếu quy định như dự án Luật quy định: “Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.” – thì có thể hiểu bộ nào cũng phải chịu trách nhiệm, nhưng lại không quy định bộ nào chịu trách nhiệm đến đâu. Cũng theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết, dự án Luật vẫn giao nhiều nội dung cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quy định. Đồng ý là có nhiều nội dung mang tính chuyên môn sâu phải giao cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng có tới 40 văn bản hướng dẫn thi hành phải được ban hành như dự án Luật đưa ra thì e rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không làm kịp, dẫn đến Luật khi được QH ban hành lại dậm chân tại chỗ.

L. Hiển – V.Đào

(http://nguoidaibieu.com.vn)