Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật An toàn thực phẩm (ATTP), nêu rõ: ATTP là một trong những vấn đề mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Ðảng, Nhà nước thường xuyên chỉ đạo và đưa ra các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ATTP, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những năm qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã đạt được một số kết quả, nhận thức người dân được nâng lên rõ rệt, số lượng các cơ sở bảo đảm điều kiện VSATTP ngày càng tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng giảm..., nhưng vẫn là vấn đề đang rất bức xúc, cho thấy phải có các giải pháp mạnh, đồng bộ để khắc phục, trong đó có các chế định pháp luật đủ hiệu lực để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nảy sinh liên quan. Qua sáu năm thực hiện Pháp lệnh VSATTP cho thấy, pháp lệnh thật sự là một công cụ quan trọng để Nhà nước quản lý công tác VSATTP. Tuy nhiên, vẫn còn bất cập và pháp lệnh này cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung và nâng lên thành Luật ATTP. Việc xây dựng dự án Luật ATTP là thể chế hóa quan điểm của Ðảng về lĩnh vực ATTP; tổng kết kinh nghiệm, kế thừa có chọn lọc pháp luật hiện hành về ATTP, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm ATTP. Ðồng thời, đổi mới phương thức quản lý đối với sản phẩm thực phẩm, sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm phù hợp pháp luật quốc tế về ATTP và đáp ứng yêu cầu hội nhập; bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, khả thi trong thực tế. Dự án Luật có 11 chương, 62 điều.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Ðặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật ATTP. Về cơ bản, Ủy ban nhất trí sự cần thiết ban hành Luật ATTP như trong Tờ trình của Chính phủ, và nhấn mạnh, việc ban hành Luật này còn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm. Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết sáu năm thực hiện Pháp lệnh VSATTP và kết quả giám sát tối cao của QH khóa XII, kỳ họp thứ 5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, VSATTP giai đoạn 2004 - 2008; tham khảo luật và kinh nghiệm quản lý của một số nước tiên tiến trên thế giới, nên các quy định của dự thảo Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Dự thảo Luật cơ bản phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, quy định tại một số điều, khoản của dự thảo Luật cần được chỉnh sửa để bảo đảm tính khả thi.
Tiếp đó, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày dự án Luật Người khuyết tật (NKT) nêu rõ, việc xây dựng và ban hành Luật NKT thay thế Pháp lệnh về người tàn tật (NTT) là cần thiết. Ðời sống vật chất, tinh thần NKT còn nhiều khó khăn, do đó ngoài những quy định chung về quyền, nghĩa vụ như mọi công dân, cần có hành lang pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích và các chính sách dành riêng cho họ. Sau mười năm thực hiện Pháp lệnh về NTT vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống hoặc chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả thực hiện luật, pháp lệnh và các chính sách đối với NTT chưa cao. Ðể bảo đảm tính hệ thống của chính sách, pháp luật về NKT, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; Pháp lệnh về NTT cần được xem xét tổng kết đánh giá, hoàn thiện nâng lên thành Luật, tạo thành một hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm sự tham gia bình đẳng của NKT.
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật NKT, đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo, văn bản trình bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật đã kế thừa Pháp lệnh về NTT và phù hợp những quan điểm của Công ước quốc tế về quyền của NKT (năm 2006) mà Việt Nam đã ký kết và đang trong quá trình chuẩn bị phê chuẩn. Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật NKT như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với NKT, tiếp tục bổ sung hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện để NKT có cơ hội bình đẳng và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần.
Ủy ban đã cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự án Luật như phân dạng và phân hạng NKT; chính sách khuyến khích sử dụng lao động là NKT; nhà ở, công trình công cộng và phương tiện giao thông công cộng cho NKT sử dụng, vấn đề giáo dục hòa nhập đối với NKT; trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc NTT, chăm sóc sức khỏe cho NKT; một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung trong dự án Luật NKT.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại Tổ về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi). Các đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ sự nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cho rằng, Luật này có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn so với Luật NHNN hiện hành về những vấn đề hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, về vai trò của cơ quan giám sát bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Các đại biểu Võ Hồng Phúc (Thanh Hóa), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), đồng ý quy định trong Luật về địa vị pháp lý của NHNN Việt Nam là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là Ngân hàng T.Ư của nước CHXHCN Việt Nam. Quy định này phù hợp thể chế chính trị và trình độ phát triển, mức độ hội nhập của nền kinh tế cũng như nguồn lực cán bộ quản lý của nước ta. Việc xây dựng NHNN hiện đại có tính tự chủ và tính độc lập cao trong hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ là mục tiêu lâu dài trong nhiều năm tới. NHNN hoạt động theo quy định của pháp luật, được chủ động hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Mục tiêu của chính sách tiền tệ là không chỉ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Một số đại biểu cho rằng, việc áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt cũng là một trong những cam kết quan trọng của Việt Nam đối với Quỹ Tiền tệ quốc tế. Ổn định được giá trị đồng tiền thì bảo đảm giá cả ổn định và giữ lạm phát ở mức hợp lý. Ðại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và một số đại biểu khác nhất trí với Dự thảo quy định giao cho NHNN thẩm quyền cao hơn trong việc can thiệp vào thị trường và hoạt động của Tổ chức tín dụng (TCTD) trong những tình thế đặc biệt, vì mục đích bảo đảm an toàn hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia. NHNN được quyết định áp dụng các biện pháp xử lý đối với các TCTD vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về tiền tệ và ngân hàng. NHNN có quyền đình chỉ có thời hạn, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của TCTD; quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể TCTD; đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các TCTD với nhau và với các khách hàng; quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với TCTD trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho từng TCTD và hệ thống các TCTD. Một số đại biểu đề nghị quy định trong dự án luật về việc thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ; hội đồng này có chức năng, nhiệm vụ trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ. Một số đại biểu đề nghị làm rõ thẩm quyền của QH, Ủy ban Thường vụ QH, các Ủy ban của QH, thẩm quyền của Chính phủ và NHNN trong việc quyết định dự trữ ngoại hối, quyết định mức lạm phát từng thời kỳ; quyết định sử dụng các công cụ tài chính - ngân hàng như lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Cần quy định cụ thể các biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, tạm ứng ngân sách và thời hạn tạm ứng ngân sách Nhà nước; chức năng giám sát hoạt động ngân hàng. Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm lý do vì sao không quy định lãi suất cơ bản trong dự án Luật, và đề nghị, trong dự án Luật không nên quy định NHNN là đại diện sở hữu phần vốn của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại, vì NHNN là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng...