Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)

15/01/2016

Chiều 15/1, tiếp tục phiên họp thứ 44, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phung Quốc Hiểu phát biểu tại phiên họp                  Ảnh: Đình Nam

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trước khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh như: miễn thuế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, thuế phòng vệ thương mại,..; đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định TPP khi được Quốc hội thông qua, cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết.

Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tánh thành với sự cần thiết phải sửa đổi luật và những nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Bên cạnh đó, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần rà soát nghiên cứu chỉnh lý thêm về mặt kỹ thuật văn bản để dự Luật được chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch hơn. Các đại biểu cho rằng, thứ nhất, đối tượng nộp thuế là tương đối ổn định, nhưng tại Điều 3, có thêm Khoản 7 về quy định trường hợp khác là không phù hợp, vì thuế cần phải minh bạch và có tính ổn định cao, kể cả chủ thể nộp thuế, chứ không phải nay phát sinh cái này, mai phát sinh cái kia.

Thứ hai, nguyên tắc ban hành biểu thuế thuế xuất nhập khẩu tại điều 10 không nên đưa vào luật. Người dân cần minh bạch để đóng thuế, nếu ghi như thế này thì không phù hợp với thời điểm hội nhập sâu rộng hiện nay. Thứ ba, các Điều 12 về thuế chống phá giá, Điều 13 về thuế chống trợ cấp, Điều 14 về thuế tự vệ có 1 nguyên tắc chưa rõ ràng, đó là nguyên tắc chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết phù hợp. Nếu quy định như vậy thì rất mơ hồ và chưa phù hợp với các luật pháp hiện hành, đặc biệt là hiến pháp. Các đại biểu đề nghị cần lượng hóa cụ thể để rõ hơn, chủ động hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế. Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý các dự án luật này. Tuy nhiên, cần chỉnh lý lại về mặt kỹ thuật để dự án luật được chặt chẽ, minh bạch và cần quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan chức năng, chứ không quy định chung chung.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý hai dự án luật trên của Ủy ban Tài chính- Ngân sách. Tuy nhiên, một số ý kiến cần chỉnh lý lại một số câu chữ, kỹ thuật để các dự án chặt chẽ, minh bạch; rà sát lại một lần nữa để trình hai dự án luật này tại kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XII vào tháng 3 sắp tới. 

Mai Trang