Luật thuế tài nguyên: Đánh thuế cao để làm nản lòng các nhà xuất khẩu

04/11/2009

Việc khai thác ồ ạt nguồn tài nguyên không tái tạo trong những năm gần đây đã gây hậu quả nhất định, dẫn đến tài nguyên cạn kiệt, thu NSNN không tương xứng với giá trị tài nguyên.

(VOV) -  Sau một buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật thuế tài nguyên, sáng nay (3/11), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo luật này.

 

Nên đánh thuế trên số lượng thu được

 

Về căn cứ tính thuế ở Điều 6 của Dự thảo Luật này, theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) nếu quy định như trong luật thì không hiểu làm thế nào để xác định được sản lượng, khối lượng tài nguyên khai thác được để đánh thuế, trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra số sản lượng, khối lượng này ra sao và được quy định ở đâu.

 

Đại biểu cũng không tán thành với những quy định tại khoản 2 của Điều 6: Đối với loại tài nguyên chưa xác định ngay được số lượng, trọng lượng hay khối lượng thực tế sau khi khai thác do chứa nhiều chất khác nhau, hàm lượng tạp chất lớn thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định trên số lượng, trọng lượng hay khối lượng từng chất thu được sau khi sàng tuyển, phân loại. Theo đại biểu, quy định như vậy là không hợp lý bởi lượng tài nguyên được sàng tuyển từ quặng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào công nghệ sàng tuyển, thậm chí vào tính trung thực của người sàng tuyển.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị nên đánh thuế trên số lượng quặng thu được.

 

Đánh thuế thật cao để làm nản lòng các nhà xuất khẩu

 

Về thuế suất quy định ở Điều 8, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong buổi thảo luận tại tổ, các đại biểu khác cùng tổ đều nhận thấy rằng biên độ thuế suất quá rộng dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện. Cũng trong những quy định về thuế suất này, đại biểu cho rằng còn một số điểm không hợp lý như thuế đối với than cao hơn một số khoáng sản kim loại; không thấy phân biệt đất cằn, đất màu để đánh thuế; cũng không thấy quy định về đánh thuế khoáng sản xuất khẩu, trong khi phải đánh thuế cao đối với các loại khoáng sản xuất khẩu và nên thu thuế ngay tại mỏ để tránh thất thu thuế.

 

Cũng đồng tình với đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh), đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng cần phải đánh thuế thật cao đối với các loại tài nguyên không tái tạo. Đại biểu Ngô Văn Minh phân tích, tài nguyên được coi là những tài sản vô cùng quý giá của mỗi quốc gia, các nước còn cất giữ tài nguyên, thậm chí mua thêm về để cất giữ trong khi chúng ta lại cứ tự hào là nước giàu tài nguyên khoáng sản để rồi khai thác và bán với giá rất thấp, trong khi nếu nhập về chúng ta sẽ phải mua với giá cao hơn. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cũng đồng tình với việc phải thu thuế tài nguyên cao để bảo vệ các nguồn tài nguyên của đất nước. Đặc biệt đối với những tài nguyên không tái tạo được, tài nguyên sắp cạn kiệt thì phải thu thuế thật cao để giữ gìn nguồn tài nguyên còn lại. Thậm chí có thể đánh thuế thật cao để có thể làm nản lòng các nhà xuất khẩu thì càng tốt, bởi nếu không để xuất khẩu thì ta vẫn giữ lại để cho thế hệ con cháu dùng.

 

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cũng cho rằng việc quy định miễn giảm đối với hải sản đánh bắt xa bờ là hợp lý. Bởi trên thực tế, nếu quy định miễn thuế tài nguyên trong 5 năm kể từ khi được cấp Giấy phép khai thác và giảm 50% thuế tài nguyên trong 5 năm tiếp theo thực chất là không thu được, bởi đến năm thứ 4 người ta sẽ đổi giấy phép. Như vậy nên giảm hoàn toàn là tốt nếu không nên thu ở mức thuế thấp hơn nhưng có độ ổn định.

 

Nên quyết định mức thuế cụ thể đối với từng loại tài nguyên

 

Đại biểu Ngô Văn Minh và nhiều đại biểu khác cũng cho rằng việc quy định thuế suất là nội dung quan trọng nhất của một đạo luật về thuế. Tuy nhiên, việc quy định về thuế suất trong Dự thảo luật vẫn dưới dạng khung với biên độ lớn và giao Chính phủ quy định mức thuế suất cụ thể. Các đại biểu cho rằng việc mở rộng khung thuế suất tuy tạo sự linh hoạt song lại không bảo đảm tính chặt chẽ trong việc quy định thuế suất, có thể dẫn đến không công bằng, tạo chênh lệch lớn trong cùng một nhóm hàng, giữa các thời điểm khác nhau. Các đại biểu đề nghị, xem xét thu hẹp biên độ khung thuế suất; đồng thời phân loại, quy định chi tiết từng mặt hàng trong cùng một nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt, bảo đảm không mở quá rộng khung thuế suất nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu quản lý việc khai thác tài nguyên trong từng thời kỳ, đồng thời giao UBTVQH quyết định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên.

 

Cũng trong sáng nay, tập trung thảo luận vào những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo luật như có nên đưa vào hoặc ra khỏi dự thảo luật một số đối tượng chịu thuế; việc phân loại các nhóm tài nguyên cùng với khung thuế suất; thẩm quyền quyết định mức thuế suất cụ thể; miễn giảm thuế…, đa số đại biểu đều tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đã có những đánh giá rất sâu sắc và đề nghị Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu kỹ những ý kiến trong báo cáo này để có dự thảo luật tốt hơn.

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng với 4 chương, 12 điều nhưng trong dự thảo luật vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề. Về vấn đề câu chữ trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, trong quy định về đối tượng chịu thuế, đây là thuật ngữ được dùng trong dự thảo luật, tuy nhiên không nên gọi các loại khoáng sản hay khoáng sản chưa khai thác là đối tượng chịu thuế, bởi chúng không thể tự nộp thuế được mà nên diễn đạt lại đối tượng chịu thuế là những tổ chức, cá nhân khai thác các loại khoáng sản.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị nên bỏ khoản 8 Điều 2 của đối tượng chịu thuế. Đại biểu cho rằng “quy định như ở đây chắc là do “bí quá” nên đưa vào chung là các loại khoáng sản khác, nếu nói như thế thì người dân không biết loại nào phải chịu thuế, loại nào không. Trong luật không nên quy định như thế. Với trình độ hiện nay, nếu chúng ta chỉ có thể liệt kê ra ngần ấy loại khoáng sản thì chỉ nên dừng ở đó”.

 

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật nuôi con nuôi./.

 

Thanh Hà - Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn)