Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Thuế suất thuế tài nguyên thể hiện mức độ điều tiết của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên.
Về cơ bản Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành, tuy nhiên mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành còn hạn chế trong việc góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đồng thời chưa đảm bảo phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, rà soát để điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với từng nhóm, loại tài nguyên cho phù hợp.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, vì qua gần 2 năm thực hiện, đến nay một số mức thuế suất chưa thực sự góp phần thúc đẩy việc sử dụng tiết kiệm và khuyến khích chế biến sâu đối với các loại tài nguyên, khoáng sản.
Bên cạnh đó, trước các yêu cầu đặt ra trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thì cần thiết phải sửa đổi Nghị quyết về thuế tài nguyên nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại và bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiện phát biểu tại phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ, cho phép điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản kim loại; nhóm khoáng sản không kim loại và nhóm nước thiên nhiên.
Theo đó, đối với nhóm khoáng sản kim loại, từ ngày 1/1/2016: Măng gan tăng từ 11% lên 14% so với mức trần của Luật là 20%; Chì, kẽm tăng từ 10% lên 15% so với mức trần của Luật là 25%; Khoáng sản kim loại khác (bao gồm cả cô-ban, mô-lip-đen, thủy ngân, ma-nhê, va-na-đi) tăng từ 10% lên 15% so với mức trần của Luật là 25%. Từ ngày 1/1/2017: Sắt tăng từ 12% lên 14% so mức trần của Luật là 20%; Titan: Tăng từ 16% lên 18% so với mức trần của Luật là 20%; Vàng tăng từ 15% lên 17% so với mức trần của Luật là 25%; Wolfram, antimoan tăng từ 18% lên 20% so với mức trần của Luật là 25%; Đồng tăng từ 13% lên 15% so mức trần của Luật là 25%; Bạch kim, bạc, thiếc tăng từ 10% lên 12% so mức trần của Luật là 25%.
Với mức thuế suất như trên, số thu thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại tăng 125 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó từ 1/1/2016 tăng 26,1 tỷ đồng và từ 1/1/2017 tăng thêm 98,9 tỷ đồng.
Đối với nhóm khoáng sản không kim loại, từ ngày 1/1/2016, Cát tăng từ 11% lên mức trần 15%; Cát làm thủy tinh tăng từ 13% lên mức trần 15%; Gờ-ra-nít tăng từ 10% lên 15% so với mức trần của Luật là 20%. Các khoáng sản không kim loại còn lại tăng mức thuế suất tương ứng lên 3%. Riêng kim cương, ru-bi, sa-phia; E-mô-rốt, a-lếch-xan-đờ-rít, ô-pan quý màu đen là loại khoáng sản quý hiếm, tăng tương ứng lên 5%, từ 22% lên 27%. Từ ngày 1/1/2017, đá hoa trắng tăng từ 9% lên mức trần 15%; Than tăng từ 7% lên 10% đối với than antraxit hầm lò và than khác; tăng từ 9% lên 12% đối với than đối với than antraxit lộ thiên và than nâu, than mỡ. Với mức thuế suất dự kiến điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản không kim loại tăng khoảng 2.171,6 tỷ đồng so với số thu năm 2014, trong đó từ ngày 1/1/2016 tăng khoảng 684,7 tỷ đồng; từ ngày 1/1/2017 tăng thêm khoảng 1.486,9 tỷ đồng.
Về thuế suất đối với nhóm sản phẩm của rừng tự nhiên, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế tài nguyên đối với gỗ rừng tự nhiên nhóm I từ 35% xuống 30%; Gỗ nhóm II từ 30% xuống 25%; Gỗ nhóm III, IV từ 20% xuống 18%; Gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác từ 15% xuống 12%. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên mức thuế suất hiện hành đối với gỗ nhóm I, II, IIO, còn giảm từ nhóm 4.
Đối với nhóm nước thiên nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp: tăng từ mức sàn 8% lên mức trần 10%. Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện: tăng từ 4% lên mức trần 5%. Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất kinh doanh, đối với nước mặt giữ nguyên như hiện hành để đảm bảo việc khuyến khích hơn đối với nước dùng cho sản xuất nước sách, đối với nước dưới đất tăng từ 3% lên 5%
Với mức thuế suất dự kiến điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên đối với nhóm nước thiên nhiên khoảng 4.352,7 tỷ đồng, tăng 887,7 tỷ đồng so với số thu năm 2014. Trong đó số thu từ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện tăng 775,1 tỷ đồng.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên.