Ngoại giao nghị viện ngày càng rộng mở, góp phần nâng cao vị thế của đất nước

08/12/2015

Ngày 8/12, tại Nhà Quốc hội, đã diễn ra Hội thảo "Quốc hội Việt Nam 70 năm hình thành và phát triển". Đa số các đại biểu cho rằng cùng với các hoạt động song phương, công tác đối ngoại đa phương của Quốc hội ngày càng rộng mở, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại chung và nâng cao vị thế của đất nước.

Gần 70 năm qua, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ tích cực cho ngoại giao Nhà nước và bổ sung cho ngoại giao nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc Đổi mới toàn diện và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngoại giao nghị viện là hình thức hoạt động đối ngoại của Quốc hội hay đại biểu Quốc hội nhằm hỗ trợ hoạt động ngoại giao nhà nước và các hoạt động ngoại giao khác góp phần thực hiện mục tiêu, đường lối, chính sách đối ngoại của quốc gia. Khi tham gia các quan hệ quốc tế, các đại biểu Quốc hội- những người được nhân dân trực tiếp bầu ra, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân, đồng thời đóng vai trò cầu nối giữa cử tri nước mình với thế giới.

Nghị sỹ cũng có những đóng góp hiệu quả vào việc hình thành, phát triển các tổ chức liên nghị viện quốc tế và khu vực, góp phần vào việc dân chủ hóa quan hệ quốc tế, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới thông qua các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương.

Các đại biểu Hội thảo Quốc hội Việt Nam- 70 năm hình thành và phát triển                       Ảnh: Đình Nam

Tại Hội thảo Quốc hội Việt Nam 70 năm hình thành và phát triển, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội TS. Ngô Đức Mạnh cho biết, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các nước trên tất cả các mặt: tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, du lịch, quốc phòng… Trong chương trình hội đàm của lãnh đạo Quốc hội ta với lãnh đạo Quốc hội các nước, bên cạnh hợp tác nghị viện luôn có nội dung trao đổi về hợp tác song phương trong các lĩnh vực cụ thể. Các nghị viện, nghĩ sĩ nhiều nước đóng vai trò tích cực trong việc phê chuẩn và thúc đẩy thực hiện các chính sách của Chính phủ, thông qua nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ODA cho Việt Nam, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về giáo dục đào tạo, tạo thuận lợi tăng hạn ngạch trao đổi một số mặt hàng thiết yếu đối với sự phát triển của ta như dệt may, thủy sản, nông sản…; Cùng với các hoạt động song phương, công tác đối ngoại đa phương của Quốc hội ngày càng rộng mở, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại chung và nâng cao vị thế của đất nước.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội cũng đã góp phần đấu tranh với thái độ thù địch, hoặc nhận thức sai lệch của một số thế lực về các vấn đề dân chủ nhân quyền, tôn giáo. Quốc hội ta đã kiên trì chủ trương vừa tích cực vận động hợp tác, vừa kiên quyết đấu tranh có hiệu quả nhằm bác bỏ và ngăn cản những dự luật và nghị quyết sai trái liên quan đến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa IX, X, XI GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho biết, hiện nay Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hội nhập quốc tế tích cực nhất. Ngoài ký kết BTA với Hoa Kỳ (2011) và gia nhập WTO (2007), Việt Nam đã ký kết 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA) (kể cả Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) vừa hoàn tất đàm phán ngày 5/10/2015) và đang đàm phán để đi đến ký kết 4 FTA, trong đó FTA Việt Nam- EU có khả năng sẽ sớm được hoàn tất.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân phát biểu tại Hội thảo

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, hội nhập quốc tế là một thách thức rất lớn đối với công tác lập pháp. Hội nghị IPU 132 và Tuyên bố Hà Nội là một ví dụ không thể rõ ràng hơn về kết quả Việt Nam có thể gặt hái được nếu biết phát huy sức mạnh tổng hợp của quyền lực nhà nước thống nhất. Chính vì vậy, Giáo sư đề nghị Quốc hội cần phải tham gia thực chất hơn, nhiều hơn, bằng các phương thức thích hợp vì hội nhập quốc tế không chỉ liên quan đến hệ thống nội luật về mặt lập pháp, mà còn tác động mạnh và sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của đất nước.

Thảo luận về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Anh Dũng nhận định, công tác ngoại giao Nghị viện đã được triển khai liên tục, với mức độ khác nhau và tính chủ động, hiệu quả từng bước được nâng lên rõ rệt. Quốc hội tham gia hoạt động tại các Tổ chức Liên Nghị viện quốc tế và khu vực, các Diễn đàn Liên nghị viện, các Tổ chức Nghị sỹ hữu nghị, thực hiện những thỏa thuận hợp tác, các chuyến trao đổi đoàn giữa ta và Bạn. Hầu hết các vị Đại biểu Quốc hội đều được huy động tham gia vào công tác Ngoại giao Nghị viện. Các cơ quan của Quốc hội cũng có những chương trình hoạt động đối ngoại riêng, theo kế hoạch chung của Quốc hội.

Ngày nay, với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và Hiệp hội các nước Đông Nam Á tuyên bố trở thành Cộng đồng ASEAN. Việt Nam cũng sẽ đi vào thực hiện hàng loạt cam kết quốc tế và các Hiệp định thương mại trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TTP), việc tham gia chủ động và tích cực của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong toàn bộ quá trình này là hết sức quan trọng.

Để hoàn thành được nhiệm vụ trên, Quốc hội cần phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động ngoại giao Nghị viện. Muốn đạt được yêu cầu đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần quan tâm hơn đến việc nâng cao kiến thức, trình độ chung và chuyên ngành cũng như trình độ ngoại ngữ- phương tiện không thể thiểu trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế cho các đại biểu Quốc hội; Trang bị kĩ năng hoạt động ngoại giao, kỹ năng tiếp xúc song phương và đàm phán đa phương…

Ngoài ra, Quốc hội cần tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, kể cả các dự án với một số tổ chức phi Chính phủ (NGOs) trong nâng cao năng lực hội nhập của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội.

An Vy