Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 6 Đề án thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính

14/05/2015

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua 6 Đề án thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính tại một số tỉnh mà Chính phủ trình.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đọc tờ trình tại Phiên họp thứ 38                                    Ảnh: Đình Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ về: thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; thành lập mới huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước; thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu và điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Trước khi biểu quyết thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cụ thể từng Đề án. Qua thảo luận, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, sau khi thành lập, chia tách sẽ làm tăng ngân sách, chi phí xây dựng trụ sở mới, tăng chỉ tiêu biên chế…  Một số thành viên băn khoăn sẽ lấy nguồn lực ở đâu để đầu tư cho các địa phương sau khi thành lập và thành lập mới.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, bài toán đặt ra cho chúng ta chính là vấn đề tài chính. Chúng ta không thể quyết xong mới nghĩ đến vấn đề tài chính.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhận định, để thực hiện những Đề án này sẽ cần khoản kinh phí rất lớn cho đầu tư xây dựng trụ sở, nơi làm việc, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng lương nhân viên… Đây là những dự án lớn, mà nguyên tắc khi quyết định một dự án lớn thì phải xác định rõ nguồn kinh phí ở đâu? Ngân sách trung ương là bao nhiêu? Ngân sách địa phương là bao nhiêu? Huy động từ nguồn nào? Chúng ta phải chắc chắn về nguồn lực tài chính, tránh tình trạng các địa phương xây dựng lên các mục tiêu, hồ sơ phát triển, nhưng nguồn lực không có và chỉ ra xin Trung ương…

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển bày tỏ lo lắng: “không biết chúng ta sẽ tính toán như thế nào”. Do đó, đề nghị Chính phủ tính toán kỹ, rành mạch vấn đề tài chính, nếu không những Đề án này cuối cùng lại dở dang, hiệu quả kém, lãng phí như các dự án trước.

Chung quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nếu câu chuyện thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính chỉ dừng lại ở các tiêu chí nhà tang lễ, dân số… thì đã quá dễ dàng cho chúng ta. Ở đây còn câu chuyện về cơ sở hạ tầng, về nhân lực, về bộ máy và nhiều vấn đề khác mà chúng ta cần phải cân nhắc.

Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, khi quyết định trình một đề án thành lập 1 đơn vị hành chính mới, Chính phủ cần trả lời những vấn đề mà Ủy ban Thường vụ đặt ra hôm nay như: Có tăng biên chế không? Nhân lực có đủ điều kiện không? ngân sách phải thế nào?... để Quốc hội có sự cân nhắc tổng thể hơn trước khi thông qua Đề án.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, sau lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tạm dừng việc quyết định chia, tách đơn vị hành chính đúng theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị để chờ Chính phủ xây dựng bộ tiêu chí mới. Sau khi có bộ tiêu chí mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét các đề nghị điều chỉnh, thành lập, chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh. 

Nguyễn Phương