Trưng cầu ý dân - dân quyết định

12/05/2015

Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật trưng cầu ý dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, chỉ đưa ra trưng cầu dân ý những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã được quy định ở trong Hiến pháp, nhưng Quốc hội thấy vấn đề này dứt khoát phải xin ý kiến của dân, để dân quyết định mà Quốc hội không quyết định.

Ảnh: Đình Nam

Dự án Luật trưng cầu ý dân được Quốc hội giao cho Hội Luật gia Việt Nam chủ trì xây dựng, Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thứ 35. Dự thảo Luật trưng cầu ý dân gồm 9 Chương, 56 Điều, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII.

Điều 6, Dự thảo luật quy định những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân gồm hai phương án:

Phương án 1: Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Phương án 2: Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân gồm: 1. Những vấn đề về sửa đổi Hiến pháp; 2. Những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; 3. Quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quan trọng; 4. Những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Cơ bản nhất trí với Tờ trình của Hội luật gia và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân như Phương án 1; đề nghị bổ sung các điều kiện và tiêu chí đối với vấn đề được đề nghị trưng cầu ý dân.

Một số ý kiến tán thành với Phương án 2 nhưng đề nghị cần quy định cụ thể những việc mà Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung, định tính như việc sử dụng các cụm từ “chính sách quan trọng”, “điều ước quốc tế quan trọng”, “những vấn đề quan trọng”. Có ý kiến đề nghị không nên quy định chung là trưng cầu ý dân về vấn đề “an ninh quốc gia”, về “nghĩa vụ cơ bản của công dân” mà cần quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi trên thực tế.

Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, thực chất 2 phương án trên là một bởi vì đều chốt lại những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Do đó, dự thảo không nhất thiết phải ghi 2 phương án. Hơn nữa,  Điều 6 nên quy định mang tính nguyên tắc, không nên quy định cụ thể chi tiết, đồng thời cần làm rõ khái niệm “lấy ý kiến nhân dân” với “trưng cầu ý dân” bởi trong các quá trình xây dựng luật trước đây đã thực hiện việc “lấy ý kiến nhân dân”.

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, trưng cầu ý kiến nhân dân và lấy ý kiến nhân dân khác nhau ở cấp độ về nội dung xin ý kiến và khác nhau về tính phúc quyết, ví dụ: Hiến pháp, Bộ luật dân sự vừa qua xin ý kiến nhân dân, ý kiến đó mang tính chất tham khảo, giúp cho Quốc hội có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Trưng cầu ý kiến nhân dân sẽ ở cấp độ cao hơn, là những vấn đề rất quan trọng, ở tầm cao. Khi đã trưng cầu ý kiến nhân dân qua việc bỏ phiếu thì Quốc hội phải quyết định theo đa số ý kiến trưng cầu. Do đó, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị phải làm rõ sự khác nhau giữa hai khái niệm này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị phải làm rõ trưng cầu ý dân những vấn đề gì, nếu quy định “những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp” sẽ rất rộng, đồng thời phải tính đến khi nào thì Quốc hội mới trưng cầu ý dân như những việc thuộc thẩm quyền nhưng Quốc hội chưa thể quyết được ngay hoặc muốn nghe ý kiến của nhân dân để khẳng định thêm.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, chỉ đưa ra trưng cầu dân ý những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã được quy định ở trong Hiến pháp, nhưng Quốc hội thấy vấn đề này dứt khoát phải xin ý kiến của dân, để dân quyết định mà Quốc hội không quyết định. Chủ tịch khẳng đinh: Đưa ra trưng cầu dân ý, có nghĩa là Quốc hội tôn trọng quyền của người dân bầu ra mình và hơn 500 đại biểu Quốc hội”.

Đức Phương