Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tới nhiệm vụ và vai trò quan trọng của năm 2015 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm, thời gian còn ít nhưng nhiệm vụ nặng nề, các hiệp định thương mại giữa các nước, các khu vực, song phương, đa phương được mở ra, công tác đối nội và đối ngoại diễn biến khá phức tạp. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vừa phải xem xét một cách nghiêm túc những kết quả, những thành tựu đã đạt được nhưng cũng cần nhìn nhận những tồn tại, yếu kém, khó khăn và đòi hỏi những quyết tâm phải vượt qua
Ảnh: Đình Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét và cho ý kiến về 3 dự án luật, trong đó có 2 dự án luật rất quan trọng là Bộ luật Dân sự và Luật trưng cầu ý dân; cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy và nhân sự cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đề án thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thảo luận sâu sát, chú ý xem xét, đóng góp ý kiến trách nhiệm, dân chủ về các dự án luật, về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước nhằm bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả.
Trong buổi làm việc đầu tiên, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của Chính phủ.
Theo Báo cáo, năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Lạm phát được kiếm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ốn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại tệ nhà nước tăng mạnh và đạt mức cao nhất so với trước đây.
Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,98%, cao nhất trong 3 năm qua (2012-2014) và vượt mục tiêu đề ra. Sản xuất công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả tốt với tốc độ tăng trưởng cao gấp rưỡi năm trước. Xuất khẩu duy trì tăng trưởng cao, là năm thứ ba liên tiếp có xuất siêu. Nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính được tăng cường mang lại hiệu quả thiết thực. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống nhân dân được cải thiện…
Trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao, có 10 chỉ tiêu đạt cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, không có chỉ tiêu nào thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. So với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, chỉ có 1 mục tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có sự đánh giá, phân tích cụ thể để làm rõ hơn lý do vì sao trong khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng như báo cáo đã nêu.
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ như trong việc thu ngân sách nhà nước năm 2014 đạt 863,52 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% (80,82 nghìn tỷ), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, Báo cáo cần làm rõ thêm, đưa ra các lý do, nguyên nhân thuyết phục cho những kết quả đã đạt được. Bởi nếu không có những phân tích cụ thể sẽ có ý kiến cho rằng những con số đưa ra chưa chính xác. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho rằng, các con số xóa đói, giảm nghèo “là rất đẹp” nhưng trong mùa vụ không phải giáp hạt vẫn thấy thông tin Chính phủ xuất ra bao nhiêu tấn lương thực, bao nhiêu triệu đồng để cứu đói, “vậy xóa đói, giảm nghèo thực chất của nó như thế nào?”. Do đó, đề nghị cần phải phân tích rõ thực chất các con số và biện pháp giải quyết vấn đề trên.
Một số ý kiến đánh giá, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, gây thiệt hại và bức xúc cho người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang gặp khó khăn và nếu tiếp tục như vậy thì những thế mạnh về lúa gạo, tiêu, điều, cà phê sẽ rơi vào tình trạng sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được. Những động tác vừa qua của Đoàn thanh niên, Bộ Công thương trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản chỉ mang tính chất tạm thời. Do đó, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị cần đổi mới tư duy về phát triển, xem lại trong cơ chế chính sách, hệ thống phân phối, phải gắn người nông dân với thị trường. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đánh giá, diễn biến từ đầu năm nay cho đến thời điểm này thấy rằng một số mặt hàng nông sản của chúng ta không đi vào thị trường được, giá cả thấp. Vừa rồi xã hội phải chung tay góp sức cho nông dân, bán dưa, bán hành, đây chỉ là giải pháp tấm lòng. Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần có tiếng nói như thế nào trong kỳ họp này để chia sẻ với người nông dân và quan trọng là phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, vấn đề giải quyết, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đã có bước chuyển mình, tích cực, tư tưởng chỉ đạo tốt nhưng tốc độ còn chậm, rất nhiều trường hợp còn chần chừ. Chủ tịch Ksor Phước đề nghị trong Báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá rõ hơn vấn đề này.
Đánh giá nội dung về bộ máy hành chính nhà nước, cải cách hành chính trong Báo cáo còn “rất sơ sài”, bên cạnh đó, thực tế cho thấy nhiều “Giám đốc Sở, Vụ trưởng không nắm rõ về những nội dung quản lý nhà nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, đây là vấn đề “rất đáng buồn” và là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Do đó đề nghị, trong Báo cáo của Chính phủ cần có những đánh giá nghiêm túc về vấn đề này.
+ Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.