Hướng đến hoàn thiện mô hình Chính phủ sáng tạo, năng động

07/11/2014

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 7/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Xuân thảo phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
 

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa quy định và tinh thần của Hiến pháp mới, bảo đảm tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ hiện nay.

Hướng đến hoàn thiện mô hình tổ chức Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn

Về mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật, các đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ cần bổ sung quan điểm xây dựng một Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn về tổ chức, hiệu lực, hiệu quả về hoạt động, đủ tầm quản lý, giải quyết các nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần tham khảo, đối chiếu nội dung của dự án Luật tổ chức Chính phủ với các dự án luật về tổ chức bộ máy sẽ được trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 như dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm tính thống nhất của các quy định có liên quan về tổ chức trong hệ thống pháp luật.

Liên quan đến vị trí, chức năng của Chính phủ, đa số các đại biểu đánh giá dự án luật đã xác định rõ vị trí, chức năng của Chính phủ theo đúng quy định tại Điều 94 Hiến pháp, tuy nhiên dự thảo cần cụ thể hóa rõ hơn về quyền hành pháp của Chính phủ.

Theo đại biểu Trương Thị Mai (Lâm Đồng), dự thảo Luật cần làm rõ chức năng quản lý Nhà nước và xu hướng đổi mới trong tương lai.

Chức năng quan trọng của quản lý Nhà nước là ban hành văn bản thực thi Luật, tổ chức thực thi pháp luật và thanh, kiểm tra công việc này. Chính phủ cần làm tốt việc này và phân cấp mạnh cho địa phương để tạo cho người dân một môi trường an toàn, chấp hành tốt pháp luật.

Góp ý về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của Chính phủ trong bộ máy nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 tuy nhiên dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nội dung này.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nhận định dự án Luật chưa thể hiện rõ được vị trí của Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất như quy định của Hiến pháp năm 2013 mà vẫn là các quy định cũ về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của Thủ tướng, các Bộ trưởng...

Các quy định của dự án Luật cần phân định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, hướng đến sự quản lý tập trung, thống nhất, thi hành nền công vụ thông suốt.

Cần quy định rõ cơ chế phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan trong mối quan hệ công tác

Các quy định về quan hệ công tác của Chính phủ cũng được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Một số ý kiến cho rằng dự án Luật cần tập trung quy định về cơ chế phối hợp, cách thức thực hiện thẩm quyền trong mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan.

Về mối quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội, với quy định “Chính phủ đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa thông qua hoặc xin rút lại các dự án luật, pháp lệnh, nếu thấy không đủ điều kiện thực hiện hoặc chưa đủ điều kiện thực hiện hoặc không bảo đảm tính khả thi,” đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu), Thuận Hữu (Bà Rịa-Vũng Tàu) tỏ ý băn khoăn vì thực tế thời gian qua đã có tình trạng nhiều dự án luật được đưa vào xây dựng Luật, pháp lệnh nhưng lại bị "rút lại."

"Quốc hội đã quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan có trách nhiệm phải thực thi. Để bảo đảm tính nghiêm túc, dự án luật cần có chế định quy định điều kiện xin rút lại các dự án luật và trách nhiệm của các cơ quan trình dự án Luật," đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét có cần thiết quy định "Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét lại kết luận giám sát của các cơ quan của Quốc hội liên quan đến hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; đề nghị Quốc hội xem xét thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình công tác hàng năm và cả nhiệm kỳ của Quốc hội" hay không. Bởi, theo quy trình thực hiện quyết định giám sát, các cơ quan của Quốc hội đều có nhiều cuộc họp, trao đổi với các bộ tương ứng sau đó mới đưa ra quyết định.

Không đồng tình với quy định "Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật" và "Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, nếu thấy vi phạm pháp luật," đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu rõ đây là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì vậy không nên đưa vào dự án Luật.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Thuận Hữu lo ngại những quy định này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động độc lâp xét xử của Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao...

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về người phát ngôn của Chính phủ; về số lượng, tên gọi cụ thể của các bộ, cơ quan ngang bộ; về nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước./.

(Theo TTXVN)