Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp đều nhất trí về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Dự án Luật và khẳng định, nội dung của Dự án Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, cụ thể là phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với một trong ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và chủ trương lớn là chuyển từ “xây dựng thể chế” sang “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
|
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình về dự án Luật ban hành văn phản quy phạm pháp luật |
Theo tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này đều cho thấy sự cần thiết ban hành Luật Ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa tính thuyết phục, bên cạnh việc phân tích về sự cần thiết phải hợp nhất hai Luật về ban hành VBQPPL (Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004), Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tập trung hơn vào việc đánh giá về những hạn chế, bất cập từ quy định của hai luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cụ thể là tính hợp lý trong quy trình đề xuất, thông qua sáng kiến pháp luật (còn quá rườm rà, thiếu tính chủ động, linh hoạt...); hiệu quả của việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao (thường xuyên phải điều chỉnh, thiếu sự linh hoạt, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn đặt ra); chất lượng của văn bản còn nhiều hạn chế (thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung do thiếu cơ chế kiểm soát trước và sau khi ban hành); bảo đảm tính dân chủ và sự tham gia rộng rãi của nhân dân trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hình thức; tổ chức thi hành pháp luật chưa được chú trọng đúng mức.
Đa số ý kiến của Hội đồng thẩm định cho rằng, việc quy định phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật từ khi có sáng kiến pháp luật, soạn thảo, ban hành văn bản đến tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật là phù hợp (không quy định việc làm, sửa đổi Hiến pháp). Việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt nhằm khắc phục tình trạng cắt khúc giữa hai hoạt động này, coi kết quả của xây dựng pháp luật là các quy định pháp luật đơn thuần mà không tính đến hoặc xem xét đầy đủ yêu cầu của thực tiễn thi hành pháp luật; khắc phục việc thiếu quy định hoặc quy định còn tản mạn về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; đồng thời, góp phần việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, trong đó có quy định về vấn đề tổ chức thực hiện pháp luật, theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; không nên quy định những vấn đề cụ thể mà chưa được tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, chẳng hạn như việc quy định sử dụng án lệ làm nguồn của luật; đồng thời, đề nghị xác định tên gọi của Luật là Luật Ban hành VBQPPL như tên gọi của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008.
Về áp dụng VBQPPL, mặc dù tại khoản 4 Điều 137 Dự thảo Luật quy định: Trong trường hợp VBQPPL chung và VBQPPL chuyên ngành có quy định về cùng một vấn đề thì áp dụng VBQPPL chuyên ngành; trường hợp VBQPPL chuyên ngành không có quy định hoặc quy định không rõ thì áp dụng VBQPPL chung. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại chưa có quy định về tiêu chí để phân biệt luật chuyên ngành và luật chung, do vậy sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện...
Theo Hội đồng thẩm định, Điều 132 Dự thảo Luật về quy định văn bản QPPL có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ban hành là chưa linh hoạt, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, vì trong một số trường hợp, văn bản, quy định có thể phát sinh hiệu lực ngay nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, nhưng cũng có trường hợp lại cần quy định thời hạn dài hơn để có điều kiện chuẩn bị tổ chức thi hành, áp dụng văn bản tốt hơn.
Cũng có ý kiến thành viên Hội đồng cho rằng, Dự thảo Luật đang có sự đồng nhất giữa hai quy trình: Xây dựng dự án luật, pháp lệnh (mới) và xây dựng dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung. Quy định như vậy là chưa hợp lý, vì cho rằng đối với luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung thì không nhất thiết phải kéo dài quá trình soạn thảo, mà chỉ nên quy định việc trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp là phù hợp.
Thực tế cho thấy, còn có quá nhiều VBQPPL do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành với các hình thức, cấp độ hiệu lực khác nhau đang làm cho hệ thống pháp luật trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, gây khó khăn cho việc áp dụng và làm tăng gánh nặng chi phí tuân thủ.
Theo yêu cầu chung hiện nay thì luật phải bảo đảm tính khả thi, có thể áp dụng trực tiếp; hệ thống pháp luật phải thống nhất, đồng bộ. Do vậy, ý kiến Hội đồng điều nhất trí cho rằng, Dự thảo Luật cần hạn chế tối đa việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, theo đó, nghị định chỉ được phép quy định chi tiết những vấn đề luật, pháp lệnh giao cụ thể, không ban hành nghị định không đầu; thông tư chỉ quy định đối với những vấn đề áp dụng mang tính nội bộ trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, quy định quy chuẩn về kỹ thuật, quy chuẩn về một sản phẩm nào đó. Đối với văn bản là nghị quyết của Hội đồng nhân dân thì cũng cần xác định giới hạn phạm vi rất cụ thể về mặt thẩm quyền ban hành nhằm tránh việc ban hành tùy tiện…