Bảo đảm cân đối ngân sách, nguyên tắc quan trọng của kỷ luật tài chính

27/10/2014

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, xây dựng dự toán cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 cần dựa trên nguyên tắc chỉ khi nào xác định được nguồn lực thực hiện, thì mới xác định nhiệm vụ chi, phải coi một trong những kỷ luật tài chính hàng đầu là bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách. Và trong dài hạn, cân đối ngân sách nhà nước phải bắt đầu từ xác định nguồn thu, có nguồn thu thì mới xác định chi. Điều này thể hiện kỷ luật tài chính và đúng với tinh thần Hiến pháp mới là: tất cả các khoản thu - chi đều phải được dự toán và theo luật định, tránh được tình trạng phụ thu, lạm bổ và chi tiêu không tính toán trước được nguồn lực.

- Khác với tình hình thu ngân sách nhà nước trong cuối năm 2012 và 2013, thu ngân sách năm 2014 đã vượt dự toán 63.700 tỷ đồng. Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về chuyển biến tích cực này trong thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014?

- Trong năm 2013, mặc dù hoàn thành được kế hoạch tổng thể, nhưng QH vẫn phải quyết định bù nguồn thu, vì ngân sách Trung ương hụt thu 21.000 tỷ đồng. Việc này không xảy ra trong năm 2014, vì chúng ta đã xây dựng lại cơ cấu ngân sách hợp lý hơn. Ngoài ra, trong năm 2013, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,42%, trong khi mục tiêu đề ra là 5,5%. Không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng nên nguồn thu khó khăn hơn. Nhưng năm nay thì tăng trưởng kinh tế đạt 5,8%, hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Điều này cộng với việc chính sách thu tích cực hơn, giá dầu tăng cao và thu từ cổ tức doanh nghiệp, nên thu ngân sách nhà nước vượt dự toán.

Dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước dù đã cải thiện, thì khó khăn vẫn còn nhiều, đặc biệt kinh tế trong nước chưa có đột phá. Các yếu tố khác như doanh nghiệp còn khó khăn, ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, đời sống nhân dân còn khó khăn... đều sẽ ảnh hưởng đến xây dựng dự toán ngân sách nhà nước. Ngoài ra, trong những năm qua, việc ban hành một số chính sách để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân một mặt có ý nghĩa nuôi dưỡng nguồn thu, hiệu quả tăng thu trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn đã có ảnh hưởng trực tiếp làm giảm số thu NSNN, khiến tỷ lệ động viên từ thuế và phí vào ngân sách còn thấp, có xu hướng giảm qua các năm giảm, hiện chỉ còn chiếm 18 – 19% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, nhu cầu chi cao, nên cân đối thu – chi có nguy cơ không bảo đảm. Đây là điểm riêng của năm 2014 và đòi hỏi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 vững chắc hơn.

Một vấn đề nữa trong cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là nợ công được dự báo đến cuối năm sẽ ở mức 60,3% GDP, nằm trong giới hạn về nợ công theo Nghị quyết của QH (65% GDP). Chính phủ nhận định, năm 2015, dư nợ công khoảng 64% GDP. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, nếu tính cả nợ quỹ hoàn thuế, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách, nợ bảo hiểm xã hội... thì sẽ chạm trần giới hạn nợ công. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất của chúng ta là tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN có xu hướng vượt mức quy định (không quá 25% theo Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020). Từ năm 2012 đã phải thực hiện vay đảo nợ, dành một phần vay để trả nợ, với số năm sau cao hơn năm trước. Đây là dấu hiệu không lành mạnh, phản ánh tình hình rất khó khăn trong cân đối ngân sách nhà nước. Do đó, nếu chúng ta không tìm biện pháp tích cực để tăng nguồn thu, tiết kiệm chi tiêu, thì sẽ rất khó khăn trong dài hạn. 

- Nhìn vào kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 sẽ thấy việc cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 không dễ thực hiện. Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về thách thức đặt ra đối với việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước trong năm tới?

- Trong thực tế, cân đối ngân sách nhà nước không mấy khi thuận lợi, đều có khó khăn này hoặc khó khăn khác. Khó khăn đầu tiên với việc thực hiện cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 là nguồn thu giảm do thực hiện chính sách khoan sức dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu tại Kỳ họp thứ Tám này, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế được QH thông qua, cũng sẽ tiếp tục tác động đến thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Hiện nay, các lĩnh vực chi ngân sách nhà nước đều bố trí ở mức rất thấp, đặc biệt chi cho đầu tư phát triển chỉ ở mức tối thiểu, mặc dù theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước thì khoản chi này không được thấp hơn so với bội chi ngân sách. Phân bổ chi ở mức tối thiểu nhưng nguồn lực hiện nay vẫn không bảo đảm. Điều này cho thấy, cân đối ngân sách trong năm 2015 khó khăn hơn nhiều.

Nợ công hiện nằm trong giới hạn cho phép nhưng đã chạm mức trần nếu tính đủ các khoản nợ của ngân sách nhà nước. Trong khi đó, do nước ta đã đạt mức thu nhập trung bình trên thế giới, nên lãi suất, thời gian vay, thời gian ân hạn không còn được ưu đãi như giai đoạn trước. Về cơ cấu nợ vay, vay trong nước hiện chiếm 50% tổng dư nợ, đa phần là các khoản vay có thời hạn ngắn (3-5 năm), cộng với vay nước ngoài đang khiến áp lực trả nợ của nước ta ngày càng tăng lên, không còn nhiều dư địa như thời gian trước. Do đó, phải cơ cấu lại giữa thu – chi, giữa ngân sách Trung ương – ngân sách địa phương, giữa các mục tiêu chi thường xuyên – chi đầu tư – chi trả nợ, và cơ cấu giữa các khoản.

- Bài toán khó của cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 có thể giải được bằng cách nào, thưa Chủ nhiệm?

- QH đã xác định được cách giải bài toán này. Cách giải duy nhất là phải tìm ra nguồn thu, tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả chi ngân sách, xây dựng lộ trình giảm bội chi, ưu tiên tập trung nguồn lực trả nợ. Rà soát, cương quyết cắt giảm những nhiệm vụ chi kém hiệu quả và gây lãng phí. Trong điều kiện khó khăn cũng cần thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng là không điều chỉnh tăng lương tối thiểu, dù chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng lên. Và phải cơ cấu lại các nguồn vốn đầu tư cơ bản. Ví dụ như phải rà soát giảm dần các chương trình mục tiêu quốc gia từ 16 chương trình còn 3 chương trình: Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Y tế.

Đến nay có thể nói, mức bội chi ngân sách nhà nước sẽ không hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011 – 2015 đã được QH quyết định (bội chi bao gồm trái phiếu Chính phủ là 4,5% GDP). Tuy nhiên, QH vẫn lựa chọn giải pháp xây dựng lộ trình giảm bội chi vì nước ta là một quốc gia đang phát triển nên nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi cho con người còn ở mức cao, trong khi nền kinh tế chưa phát triển nhanh trong ngày một, ngày hai để đáp ứng yêu cầu. Các sắc thuế cũng không thể nâng lên vì cũng đã chạm các giới hạn. Tuy nhiên, chúng ta chấp nhận những khó khăn về thu ngân sách trong ngắn hạn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần xây dựng nguồn thu bền vững hơn cho ngân sách nhà nước trong dài hạn, nên Quốc hội và Chính phủ cần tính toán một cách căn cơ.

- Chủ nhiệm vừa nói phải tính toán căn cơ khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Vậy, việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước cần bám sát những nguyên tắc nào?

- Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 cần dựa trên nguyên tắc chỉ khi nào xác định được nguồn lực thực hiện thì mới xác định nhiệm vụ chi, phải coi một trong những kỷ luật tài chính hàng đầu là phải bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách. Hiện nay, đôi khi chúng ta đang đi theo hướng ngược lại, xác định nhiệm vụ chi rồi mới tìm nguồn thu. Và trong dài hạn, cân đối ngân sách nhà nước phải bắt đầu từ xác định nguồn thu, có nguồn thu thì mới xác định chi. Như các cụ nhà ta vẫn nói cá phải vừa đĩa. Điều này thể hiện kỷ luật tài chính, và đúng với tinh thần Hiến pháp mới là tất cả các khoản thu - chi đều phải được dự toán và theo luật định, tránh được tình trạng phụ thu, lạm bổ và chi tiêu không tính toán trước được nguồn lực. Thực tế đã có một số địa phương không thể đề ra những khoản đóng góp không nằm trong dự toán, nhất là những khoản về hình thức là đóng góp nhưng thực chất là bắt buộc.

Năm 2015 cũng là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011 – 2015, nên khi xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước phải nhìn lại quá trình thực hiện trong 4 năm qua. Đánh giá đúng tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong giai đoạn 4 năm này để thấy rõ đâu là những bước tiến đã đạt được trong quản lý ngân sách và đâu là những vấn đề còn tồn tại. Những tổng kết này sẽ giúp nhìn rõ hơn yêu cầu cho năm 2015, từ đó, tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách trong giai đoạn 5 năm tiếp theo 2016 – 2020.

- Xin cám ơn Chủ nhiệm!

Theo ĐBND