Theo Báo cáo, mặc dù Dự thảo Luật đã cơ bản thể chế hóa được các chủ trương của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, nhưng cần quan tâm cụ thể hóa đầy đủ hơn các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền có chỗ ở của công dân, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu nhà ở, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở. Dự thảo Luật cũng đã có các quy định cụ thể chính sách về nhà ở xã hội (Chương IV) nhằm tạo điều kiện để các đối tượng xã hội, người thu nhập thấp, hộ nghèo được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với giá rẻ hoặc được Nhà nước hỗ trợ vốn. Tuy nhiên, để tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền có chỗ ở của công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị cho bổ sung quy định nghiêm cấm đối với hành vi xâm phạm nhà ở trái pháp luật (Điều 6), phát triển đa dạng các loại nhà ở, đặc biệt chú trọng đến quyền có chỗ ở của công dân, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích mạnh hơn việc phát triển nhà ở cho thuê (Điều 13, Điều 58 và Điều 59).
Một số vấn đề về hoạt động kinh doanh nhà ở; thời điểm chuyển quyền sở hữu (Điều 12); sở hữu nhà ở (Chương II); Về phát triển nhà ở (Chương III)… đã có nhiều ý kiến đề nghị, bổ sung quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh nhà ở, quy định cụ thể về huy động vốn góp, tiền mua nhà ở trả trước của người dân. Ý kiến khác đề nghị những vấn đề liên quan đến kinh doanh bất động sản thì nên để điều chỉnh trong Luật kinh doanh bất động sản nhằm tránh trùng lặp.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý.
Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được sở hữu nhà ở là tổ chức tôn giáo, dòng họ. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “đối với giao dịch nhà ở là tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc thực hiện các quy định của Luật này còn phải thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình”. Với những ý kiến này, UBTVQH đề nghị không nên bổ sung đối tượng là dòng họ hay tổ chức tôn giáo để tránh trùng lặp với những trường hợp có sở hữu nhà ở thuộc hình thức sở hữu chung của nhiều người theo quy định của Bộ luật dân sự và đã được quy định tại khoản 1 Điều 7 của Dự thảo Luật và để phù hợp Luật Đất đai năm 2013. UBTVQH cho rằng, nội dung quy định về giao dịch nhà ở là tài sản chung của vợ, chồng (khoản 5 Điều 10) là phù hợp với quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Hôn nhân và gia đình, vì vậy xin phép Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật và chuyển sang Điều 11 về nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở.
Trong Quy định chung về phát triển nhà ở (Mục 1), có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn việc phát triển nhà ở phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển của từng giai đoạn ở nông thôn và thành thị, phát triển nhà ở phải gắn với xây dựng nông thôn mới. Với những ý kiến này, UBTVQH nhận thấy, để khắc phục thực trạng tình trạng phát triển nhà ở không theo quy hoạch, không có kế hoạch, làm mất cân đối cung - cầu về nhà ở, không phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đề nghị quy định cụ thể tại các điều 14, 15 và 16 Dự thảo Luật, yêu cầu việc phát triển nhà ở phải tuân thủ quy hoạch, chương trình, kế hoạch, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch điểm dân cư nông thôn…
Đặc biệt, về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài (Chương IX), qua thảo luận, hầu hết ý kiến ĐBQH thống nhất với quy định của Dự thảo Luật về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở tại Việt Nam.
Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, quy định cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong Dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Quy định như Dự thảo Luật không chỉ nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển. Với quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở như hạn chế về số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư cũng như số lượng nhà ở riêng lẻ trong một khu vực dân cư, không mua nhà ở những khu vực cần bảo đảm quốc phòng an ninh... thì không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước và vấn đề quốc phòng, an ninh vẫn được bảo đảm.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ hơn, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể về số lượng được mua bán căn hộ chung cư trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư, quy định chặt chẽ phương thức thanh toán để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền, cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam…