Đa số các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận thể hiện sự đồng tình cao với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý thể hiện trong Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thống nhất mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở
Xung quanh nội dung về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài (Chương IX), qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định của dự thảo Luật về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Quy định cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Quy định như dự thảo Luật không chỉ nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển.
Với quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở như hạn chế về số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư cũng như số lượng nhà ở riêng lẻ trong một khu vực dân cư, không mua nhà ở những khu vực cần bảo đảm quốc phòng an ninh... sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước và vấn đề quốc phòng, an ninh vẫn được bảo đảm.
Bên cạnh đó một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh hiện tượng đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở tại Việt Nam; quy định cụ thể về số lượng được mua bán căn hộ chung cư trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư, quy định chặt chẽ phương thức thanh toán để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền, cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam...
Xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở
Thảo luận về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở (Điều 12), đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và nhiều đại biểu Quốc hội tán thành như dự thảo Luật, quy định trường hợp mua bán nhà ở, thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở; trường hợp tặng cho, đổi nhà ở giữa cá nhân với cá nhân là kể từ thời điểm bên tặng cho, bên đổi bàn giao nhà ở cho bên nhận tặng cho, nhận đổi; trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư với người mua nhà kể từ thời điểm người mua nhận bàn giao nhà ở.
Quy định về việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu như trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm cho chủ sở hữu thực hiện đầy đủ các quyền của mình; đồng thời hạn chế được rủi ro cho chủ sở hữu khi tham gia giao dịch về nhà ở.
Quyền sở hữu được xác lập trong các giao dịch về nhà ở kể từ khi các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng như bên mua đã thanh toán đủ tiền và bên bán đã bàn giao nhà, không phụ thuộc vào việc đăng ký quyền sở hữu; thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm xác lập quyền sở hữu theo pháp luật dân sự.
Nhiều ý kiến đánh giá quy định như dự thảo Luật cũng phù hợp với Luật đất đai và không trái với Bộ luật dân sự. Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định như dự thảo Luật và cho bổ sung khoản 5 vào Điều 12, cụ thể là đối với các giao dịch về nhà ở (các khoản 1, 2 và 3) phải tuân thủ các điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định của Luật nhà ở.
Có nên thành lập Quỹ nhà ở xã hội?
Thảo luận về Quỹ phát triển nhà ở xã hội (Điều 74) có hai quan điểm. Thứ nhất không tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội; loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội được thành lập ở trung ương do Bộ Xây dựng quản lý để hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vay để xây dựng nhà ở xã hội.
Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) tán thành với phương án 1 không thành lập Quỹ phát triển nhà xã hội. Theo đại biểu nên giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện công việc này.
Đại biểu phân tích phương án này nếu thực hiện sẽ có những thuận lợi cơ bản. Thứ nhất về chức năng thực chất hoạt động của Quỹ này cũng giống như ngân hàng thực hiện chính sách xã hội, do vậy sẽ phù hợp và không có khó khăn trở ngại gì lớn khi thực hiện. Hiện nay ngân hàng chính sách xã hội đã và đang thực hiện cho vay xây dựng cải tạo nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo.
Về tổ chức bộ máy sẽ sử dụng được bộ máy hiện có của ngân hàng chính sách xã hội, tận dụng được mạng lưới đã có sẵn, tận dụng được trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật. Về cơ chế quản lý cũng sẽ vận hành như hiện nay và chỉ cần bổ sung thêm một số quy định đặc thù về huy động vốn đóng góp tiết kiệm của người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, cơ chế huy động các nguồn vốn khác...
Một số ý kiến cho rằng nếu theo phương án 2 là thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, Quỹ này sẽ thực hiện 2 việc là chính huy động các nguồn vốn, trong đó có cả vốn trong dân cư là những người được hưởng chính sách nhà ở xã hội, huy động vốn của tổ chức qua trái phiếu, công trái, tín dụng cho vay đối với các các tổ chức, cá nhân.
Các hoạt động huy động vốn và cho vay diễn ra thường xuyên và tiềm ẩn những rủi ro về thanh khoản như đối với tổ chức tín dụng. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội sẽ gặp phải khó khăn, tốn kém rất lớn từ Trung ương tới cơ sở trong việc đầu tư hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, cơ chế vận hành…
Không lựa chọn phương án 1 hay phương án 2, đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) có quan điểm cần có chế định Quỹ phát triển nhà ở xã hội nhưng cơ bản theo nguyên tắc khuyến khích các địa phương có điều kiện, Trung ương có nhiệm vụ hỗ trợ để địa phương lập quỹ lo nhà ở cho nhân dân.
Theo đại biểu, trong tương lai khi có Luật chính quyền địa phương thì công cuộc lo nhà ở cho dân chủ yếu là chính quyền địa phương thực hiện; chính quyền Trung ương chỉ hỗ trợ chứ không thể làm thay cho địa phương. Từ quan điểm này, đại biểu đề nghị thiết kế lại đưa định chế Quỹ nhà ở xã hội trên 3 nguồn: thứ nhất ngân sách hoặc nguồn cấp ngân sách (ví dụ như sổ số kiến thiết); thứ hai là đóng góp của các doanh nghiệp và có chính sách đóng góp trước thuế; thứ ba người mua nhà góp tiền để nhận nhà trong tương lai.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: quản lý sử dụng nhà chung cư (Chương VII); nhà ở xã hội (Chương IV); phát triển nhà ở...
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) ./.