Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII

21/10/2014

Thảo luận tại Tổ về tình hình KT - XH năm 2014, nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện NSNN năm 2014, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015: * Kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định hơn so với năm trước – nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tiếp theo * Ưu tiên giải quyết căn bản nợ xấu trong năm 2015; Chính phủ cần báo cáo QH về hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý nợ và tài sản VAMC * Xem xét thận trọng việc nới lỏng chính sách tín dụng trung hạn và dài hạn; phân tích rõ tác động của chính sách miễn, giảm, giãn thuế đối với việc tăng, giảm các khoản thu nội địa, phấn đấu tăng thu nhằm đáp ứng các nhu cầu chi đầu tư phát triển và trả nợ

Ngày 21.10, QH làm việc tại Tổ, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015.

Các ĐBQH cơ bản tán thành với Báo cáo của Ủy ban Kinh tế thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và 4 năm 2011 – 2014; kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Theo đó, các ĐBQH đánh giá cao việc Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp đã thực hiện đạt mục tiêu tổng quát và hoàn thành cơ bản chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của QH. Kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định hơn so với năm trước. Lạm phát được kiểm soát. An sinh xã hội, nhất là chính sách ưu đãi cho người có công được triển khai kịp thời hơn; các chính sách giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm; thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ĐBQH, nội tại nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế như: sức hấp thụ vốn còn yếu, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn. Ngay trong Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 9 tháng năm 2014, nước ta có trên 51.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân vốn tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại rất thấp, chỉ đạt 2,57%. Doanh nghiệp không tăng trưởng, đồng nghĩa với việc không thúc đẩy được sản xuất kinh doanh và kéo theo đó là những hệ lụy về việc làm, số lượng lao động thất nghiệp gia tăng, số lượng sinh viên ra trường không xin được việc làm ngày càng nhiều. Về nợ công, các ĐBQH nêu rõ, nợ công nước ta hiện đang ở mức cao, chạm ngưỡng an toàn cho phép, đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả hơn bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia trong những năm sắp tới. Chính phủ phải điều hành quyết liệt hơn nữa nhằm giảm nợ công.

Về tình hình doanh nghiệp, các ĐBQH cho rằng, tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp là nguyên nhân trực tiếp khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm trong thời gian gần đây. 9 tháng năm 2014 chỉ có 53.192 doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm 8,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh nghiệp tạm ngưng hoặc chấm dứt hoạt động tăng 13,8% so với cùng kỳ và có đến hơn 60% doanh nghiệp báo lỗ. Nhiều ĐBQH nhấn mạnh, tình hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang ở mức đáng báo động, doanh nghiệp trong nước đang mất dần vị trí, chỗ đứng ngay trên sân nhà. Số liệu thống kê cũng cho thấy, 9 tháng năm 2014, nước ta xuất siêu 2,5 tỷ USD, trong đó khối doanh nghiệp FDI chiếm đến 61,3%. Rõ ràng, nếu không tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì kinh tế khó có thể phát triển nhanh và bền vững.

Các ĐBQH cũng lưu ý về việc xử lý nợ xấu, nhất là khi hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ khi thành lập đến nay hầu như chưa thấy hiệu quả rõ nét. Thực tế, VAMC mới xử lý được 1.500 tỷ đồng nợ xấu, vẫn còn 215.000 tỷ đồng nợ xấu chưa được giải quyết. Nợ xấu vẫn tiếp tục lây lan làm tắc nghẽn dòng chảy tín dụng, làm chậm tiến độ phục hồi tăng trưởng. Nhấn mạnh điều này, các ĐBQH đề nghị, Chính phủ cần báo cáo QH về hiệu quả hoạt động của VAMC. Năm 2015, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần ưu tiên giải quyết nợ xấu một cách căn cơ; thực hiện hạ lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn để kích thích ngân hàng thương mại hạ lãi suất trung – dài hạn. Theo ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng), nếu hạ được lãi suất trung – dài hạn sẽ kích thích được khoảng 30% số doanh nghiệp đang làm ăn tốt hiện nay tiếp tục tăng đầu tư, mở rộng hoạt động. Nhất trí cho rằng, việc nới lỏng chính sách tín dụng trung - dài hạn bằng cách hạ lãi suất sẽ không làm tăng nợ xấu, vì chỉ có các doanh nghiệp đang làm ăn tốt mới tiếp cận được nguồn tín dụng này, song một số ý kiến cũng đề nghị, nên xem xét thận trọng vấn đề này.

Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, các ĐBQH cơ bản đồng tình với mục tiêu tổng quát là: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân…; nhất trí với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội như GDP đạt khoảng 6,2%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt tối thiểu 30%, bội chi ngân sách nhà nước tính cả trái phiếu Chính phủ phấn đấu đạt khoảng 6% GDP... Tuy nhiên, về giải pháp, nhiều ĐBQH đề nghị, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần cụ thể, rõ ràng và thực hiện hiệu quả hơn. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP Hà Nội) đề nghị, Chính phủ cần có chương trình thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước, tạo nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước. Bởi lẽ, đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tăng cũng có tác dụng tốt đối với nền kinh tế nhưng về lâu dài, chúng ta phải có những đứa con khỏe mạnh thì mới phát triển bền vững được.

Về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015, các ĐBQH cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Cụ thể, tổng thu ngân sách năm 2014 ước đạt 846.400 tỷ đồng, tăng 63.700 tỷ đồng so với dự toán. Thu nội địa tăng 35.100 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước tăng 6.800 tỷ đồng, thu từ dầu thô ước tăng 21.800 tỷ đồng so với dự toán. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, thu ngân sách tiếp tục biểu hiện thiếu tính ổn định, chưa vững chắc. Mặc dù dự kiến tăng thu, song thu từ nội lực nền kinh tế còn hạn chế. Nợ đọng thuế vẫn tăng nhanh và ở mức cao hơn năm 2013, không bảo đảm chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước; tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, chuyển giá... diễn biến phức tạp, gây thất thu ngân sách nhà nước. Chi ngân sách nhà nước đã tập trung cho phát triển con người, khoa học công nghệ, giảm dần đầu tư công. Song, xét về tổng thể và trên từng lĩnh vực, cơ cấu chi vẫn bất hợp lý, làm tăng áp lực và giảm hiệu quả chi ngân sách nhà nước. Chi đầu tư phát triển giảm quá nhanh so với giai đoạn trước, không bảo đảm nguyên tắc cân đối của ngân sách nhà nước là chi đầu tư phát triển phải lớn hơn bội chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu chi giữa Trung ương và địa phương về cơ bản chưa bảo đảm nguồn lực cho trung ương trong đầu tư các công trình quan trọng của quốc gia, bị phân tán về các địa phương. Việc xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ chi chưa gắn với nguồn lực, tình trạng chi vượt dự toán diễn ra khá phổ biến; tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi đầu tư xây dựng cơ bản chậm được khắc phục.

Về dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2015, các đại biểu nhất trí với đề nghị của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Theo đó, Chính phủ phải thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, tất cả các khoản thu phải có dự toán và theo luật định; tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ đã xảy ra ở một số địa phương; tăng cường kiểm tra, chống thất thu, kết hợp với đánh giá sát kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2014 và phân tích làm rõ tác động của chính sách miễn, giảm, giãn thuế trong năm 2015 đối với việc tăng, giảm các khoản thu nội địa, phấn đấu tăng thu nhằm đáp ứng các nhu cầu chi đầu tư phát triển và trả nợ. Để tăng cường kỷ luật ngân sách, các đại biểu cũng đề nghị, các khoản chi ngân sách Nhà nước cũng phải theo đúng nguyên tắc được dự toán; trong trường hợp cấp bách phải điều chỉnh dự toán chi thì Chính phủ phải báo cáo QH, UBTVQH xem xét, quyết định...

(Theo Đại biểu Nhân dân)