Xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại

22/09/2014

Sáng 22/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi mốt. Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau hơn 8 năm thi hành, Bộ luật Dân sự cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển KT - XH của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động... Bộ luật Dân sự đã góp phần thúc đẩy sự hình thành, phát triển của quan hệ thị trường thông qua việc ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng; hạn chế sự can thiệp quá mức của cơ quan công quyền vào quá trình hình thành, tồn tại và vận động của các quan hệ hàng hóa - tiền tệ. Cùng với đó, nhiều quy định trong Bộ luật Dân sự đã có tính tương thích với thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Toàn cảnh phiên họp

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nổi bật là các vấn đề như chưa thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống luật tư; cấu trúc của Bộ luật Dân sự có điểm chưa hợp lý về tính đồng bộ, tính hệ thống, tính logic giữa các phần và chế định của Bộ luật. Nhiều quy định được lặp lại giữa các phần và các chế định tạo ra những quy định không cần thiết; một số quy định không bảo đảm tính rõ ràng nên đã gây ra nhiều cách hiểu khác nhau…
 
Theo Báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật. Bộ luật Dân sự là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình cũng như các mối quan hệ láng giềng, làng xã. Bộ luật Dân sự không chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển KT - XH mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời cần tiếp thu các giá trị văn minh nhân loại. Với mục tiêu xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại… việc sửa đổi Bộ luật Dân sự phải xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống, giải quyết các vướng mắc, tồn tại mà thực tiễn đặt ra, bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam và tiếp thu kinh nghiệm về pháp luật dân sự của các nước trên thế giới...
 
Bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, đây là một trong những bộ luật lớn có nhiều vấn đề cần trao đổi, nghiên cứu kỹ hơn, đặc biệt trong thời gian thực thi Hiến pháp và nhiều bộ luật mới ban hành nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản và các giao dịch dân sự.
 
Về quan điểm không quy định thời hiệu thừa kế, Bộ luật dân sự hiện hành quy định thời hiệu về thừa kế bao gồm khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế, bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm và thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Dự thảo không quy định các loại thời hiệu khởi kiện thừa kế nói trên. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện đồng ý với quan điểm trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật là không bỏ quy định thời hiệu thừa kế. Bởi vì, từ trước tới nay các quy định về thừa kế đều có thời hạn, chính thời hạn đó bảo đảm cho người quản lý tài sản sử dụng tài sản ổn định. Do vậy, nếu bỏ quy định thời hiệu thừa kế, có nghĩa là bất cứ lúc nào người hưởng thừa kế cũng có quyền khởi kiện chia thừa kế. Trước đây quy định thời hiệu thừa kế là 10 năm, nhưng nếu không quy định nữa tức là 11, 12 năm sau, thậm chí là 30 hay 100 năm sau, quyền thừa kế vẫn còn theo vòng đời con, cháu... thì vẫn có quyền khởi kiện chia thừa kế. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện, quy định như vậy là không được, không có sự ổn định cho người quản lý tài sản, không bảo đảm giao dịch thương mại, đồng thời không phù hợp với thực tiễn và lý luận chung về thời hạn các loại giao dịch. Phải quy định thời hiệu thừa kế, có thể giảm chứ không nên bỏ quy định này.
 
Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, theo chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện, đây là vấn đề rất quan trọng, nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới cũng đã đặt ra vấn đề đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản, nhưng không phải tài sản nào cũng phải đăng ký quyền sở hữu mà pháp luật chỉ quy định đối với một số tài sản nhất định. Đăng ký ở đây ngoài việc quản lý thì còn liên quan đến phần thu thuế và nộp thuế, đặc biệt đối với các loại giao dịch về đất đai, nhà ở. Do vậy, nếu không quy định chặt chẽ thì dễ dẫn đến tình trạng người dân không muốn đăng ký tài sản nữa, mà chỉ cần ký hợp đồng với nhau thôi.
 
Đánh giá cao tinh thần làm việc của ban soạn thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước đề nghị, dự án luật không được chệch với Hiến pháp, kèm theo đó là không được chệch so với những luật được ban hành sau khi Hiến pháp có hiệu lực. Cho ý kiến về một số từ ngữ trong dự án luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước cho rằng, cái gì đã thành phổ biến, nhân dân đã hiểu, ít nhất trong hệ thống trường, lớp chính quy về luật từ trước đã thành thông lệ về ngôn ngữ, các từ giải thích thì không nên thay đổi nữa. Do vậy, khi thay thế từ ngữ cần cân nhắc về thuận lợi và khó khăn.
 
Về hình thức sở hữu, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước, sở hữu phải căn cứ vào Hiến pháp. Dự thảo đưa ra 2 phạm trù chính là sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong sở hữu chung đã làm rất nhiều rồi. Luật làm sao phải cụ thể hơn nữa để khi các bên liên quan đến luật được điều chỉnh cụ thể hơn. Sở hữu toàn dân có nhiều đặc thù khác so với những sở hữu chung. Sở hữu chung là những sở hữu trong cổ phần, sở hữu trong hợp tác xã, sở hữu trong gia đình… nhưng sở hữu toàn dân là khác mà thậm chí có những quy định trong Hiến pháp và luật quy định tài sản sở hữu toàn dân là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, không được mua bán, trao đổi. Chính vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm, phải có sở hữu đặc thù, không thể đưa hết vào sở hữu chung.
 
Cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề xuất quy trình xây dựng và hoàn thiện luật phải bảo đảm tính thống nhất với Hiến pháp và pháp luật khác. Do vậy, những gì đã được quy định trong Hiến pháp cần được thể chế rõ, còn những gì chưa được quy định thì cần phải được quy định rõ trong dự thảo luật, đồng thời bảo đảo đảm quy định rõ cái gì được và không được để người dân tuân thủ, bảo đảm quyền con người. Đồng thời, đề nghị báo cáo và giải trình thêm về chế độ sở hữu và hình thức sở hữu; giữa sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân và hình thức sở hữu khác, trách nhiệm quyền lợi được hưởng khi tranh chấp dân sự. Ngoài ra, Luật cần khẳng định rõ các quyền và nghĩa vụ nhưng tôn trọng nguyên tắc tự giải quyết, hòa giải của người dân, tất nhiên là những thỏa thuận này không được trái với Hiến pháp và pháp luật.
 
Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(Theo Đại biểu Nhân dân)